viet bai "NET BUT TRI AN"

T

teddy_dh1007

kaka.mới viết bài njf xong lun...nhưng mừ nộp bài òi!!! chả còn cái gì mà post lên cả
 
H

happy_1809

Trường mình cũng có nhưng mừ bảng thể lệ bị các bạn khác xé mất rùi! Bạn nào có chỉ mình với! cảm ơn các bạn nhiều...
 
C

con_ca_kiem_123

Nét bút tri ân

Bạn nào cho tớ tham khảo bài về cuộc thi nét bút tri ân với
==========================================
 
H

happy_1809

mình cũng đang cần đề thi, thể lệ thi, cách thức và thời hạn nộp bài đây! Có bạn nào có ko, giúp mình với! Mình cảm ơn nhiều (vì thể lệ dán trên cửa lớp mình mới có 1 ngày là bị xé tan tành rùi nên mình chưa kịp đọc)
 
H

hermione_gryffindor

Cuộc thi “Nét bút tri ân”

Thể lệ cuộc thi

1. Đối tượng dự thi:
Tất cả mọi người không phân biệt độ tuổi, giới tính, quốc tịch hiện đang sống và làm việc trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam đều có quyền tham gia cuộc thi
2. Bài dự thi:

Thể loại: bài văn xuôi kể về những kỷ niệm, cảm nhận, suy nghĩ về một tấm gương thầy cô giáo mà chính bản thân mình đã được học hoặc biết đến. Câu chuyện và nhân vật trong bài viết phải có thật trên thực tế. Ngôn ngữ sử dụng trong các bài viết là tiếng Việt.
Số lượng chữ: Bài dự thi không quá 1.500 chữ (khoảng 3 trang A4. Trường hợp viết tay: chỉ ghi trên một mặt giấy. Trường hợp đánh máy: khổ giấy A4, font chữ Times New Roman cỡ chữ 12, mã Unicode, gõ tiếng Việt có dấu
Một người dự thi có thể gởi nhiều bài dự thi.
Bài dự thi là bài chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc các loại ấn phẩm khác. Người dự thi phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của bài thi và các vấn đề liên quan đến tác quyền.
Bài viết hay được chọn đăng trên Báo Sinh viên Việt Nam số ra thứ hai hàng tuần và được trao nhuận bút
Thí sinh có bài viết hay được đọc bài viết và giao lưu vào sáng chủ nhật hàng tuần lúc 8:20 trên AM610KHz, 8:50 trên FM99.9MHz trong chương trình “Nét bút tri ân”.
Những bài viết đoạt giải và những bài viết hay sẽ được xuất bản trong tuyển tập “Nét bút tri ân”. Tiền bán sách sẽ được đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục EDF để giúp đỡ trực tiếp cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.
3. Cách nộp bài thi:

Nộp bài bằng đường bưu diện về địa chỉ: Cuộc thi “Nét bút tri ân”, số 130 Phan Đăng Lưu, Phường 3, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Truy cập website http://www.netbuttrian.vn/ và làm theo hướng dẫn nộp bài
Bài dự thi phải có đầy đủ các thông tin: họ tên, năm sinh, địa chỉ liên lạc, điện thoại, địa chỉ email (nếu có) của người dự thi.
4. Ban giám khảo:

Nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Chu Trinh
Nhà báo Lê Thanh Hà – UV BTK Trung ương Hội SVVN, Phó Tổng Biên tập Báo SVVN
Nhà báo Nguyễn Minh Hiền – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phát triển giáo dục EDF
Ông Đoàn Minh Tuấn - Ủy viên BCH, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Đoàn
Nhà báo Phạm Công Luận – Trưởng đại diện Báo SVVN tại TP HCM
5. Thời gian nhận bài và trao giải:

Thời gian nhận bài từ ngày 20/11/2009 đến hết ngày 20/4/2010
Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trong chương trình “Nét bút tri ân” chủ nhật ngày 2/5 trên làn sóng FM99.9Mhz và trên Báo SVVN ngày 3/5/2010
Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 19/5/2010. BTC sẽ gởi thư mời trực tiếp đến các thí sinh đoạt giải và các thầy cô giáo
6. Bình chọn của khán giả:

Tất cả mọi người có thể bình chọn cho các bài viết hay bằng cách truy cập website http://www.netbuttrian.vn/ và vào mục bình chọn. Khán giả bình chọn chính xác nhất với kết quả chung cuộc được trao giải thưởng.

7. Giải thưởng chặng và giải thưởng chung cuộc:

Đối với các cá nhân có bài viết dự thi
- 9 giải thưởng chặng được trao cho các bài viết hay của từng chặng vào các đợt 9/1/2010, 26/3/2010 và 30/4/2010, mỗi giải 3 triệu đồng

- Giải thưởng chung cuộc:

+ 1 giải nhất: bằng khen của Trung ương Đoàn và 20 triệu đồng

+ 2 giải nhì: bằng khen của Trung ương Đoàn và 15 triệu đồng

+ 3 giải ba: bằng khen của Trung ương Đoàn và 10 triệu

+ 5 giải khuyến khích: bằng khen của Trung ương Đoàn và 5 triệu đồng

+ Giải bài viết hay do khán giả bình chọn: 5 triệu đồng

+ Giải dành cho khán giả bình chọn đúng: 5 triệu đồng

+ Và nhiều giải thưởng khác

Đối với các thầy cô giáo là nhân vật trong các bài dự thi
- Trong thời gian diễn ra cuộc thi, các thầy cô giáo là nhân vật trong các bài dự thi được chọn là bài viết hay nhất trong tuần sẽ được Ngân hàng Đông Á trao tặng Thẻ Nhà giáo với tài khoản 2 triệu đồng.

- Các thầy cô giáo là nhân vật được vinh danh trong các bài dự thi được trao giải trong đêm chung kết sẽ được Ban Tổ chức đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ.
 
Last edited by a moderator:
H

hermione_gryffindor

Bài mẫu

Thầy ơi!

“Thức khuya, dậy sớm mà làm việc, nhớ không cô?” Con xa trường, xa thầy ấy thế mà đã ba năm rồi còn gì? Vậy mà, lời thầy vẫn còn vang mãi bên tai con mỗi khi con nhụt chí, ngại khó, ngại khổ.

Ngày đó, khi còn là một nữ sinh lớp mười, con sợ nhất giờ thầy lên lớp. Không phải thầy dữ, không phải bài giảng của thầy khó hiểu mà là vì một cái gì đó con không giải thích được. Hình như đó là những lúc cái lũ A3 tụi con ăn vụn trong giờ thầy bị thầy thấy rồi thầy chỉ châu mày lại, nói: “Học hành kiểu này thì chắc rớt…rớt…rớt…quá!” Đi học ai lại muốn thi trượt bao giờ, vậy mà thầy lại cảnh báo thế! Hình như đó là lúc con không học bài môn thầy, bị thầy gọi lên trả bài, không thuộc, thầy nói nhẹ nhàng mà giờ đây khi đang là một giáo sinh con mới biết rằng lúc ấy chắc thầy cũng chua xót lắm: “Đơn giản thế này mà làm không xong thì thôi rồi rồi, mình phải biết tự thương mình chứ!” Thầy ơi! Có bao nhiêu điều con muốn nói về thầy, về một hình mẫu mà con đã ấp ủ để chờ ngày tạo dáng mình khi đứng trên bục giảng. Đó là cái nhìn hiền hòa, trìu mến với học trò, với đồng nghiệp; đó là sự tận tâm, tận tụy với nghề; đó là những giọt mồ hôi ướt đẫm áo thầy; đó là khi khuôn mặt thầy hằn thêm nếp nhăn, là tóc thầy có thêm sợi bạc…và còn biết bao cái “đó là” như thế. Vậy mà, với một chút ngây ngô, vụng dại của lứa tuổi học trò, chúng con có biết gì đâu. Con còn nhớ có lần thầy bị bệnh nhưng vẫn cố gắng đến lớp để dạy chúng con. Chúng con vô tư học, có ai hỏi thăm sức khỏe thầy đâu! Cuối giờ, thầy cho làm kiểm tra. Cả lớp nhốn nháo làm bài. Thầy hôm nay không giống mọi khi. Thầy chỉ ngồi, mắt có vẻ hơi sụp xuống nhưng vẫn cố nhướng lên nhìn lớp. Cái bọn A3 đâu chịu để yên, lũ chúng con nhận ra đây chính là “thời cơ ngàn năm có một” nên bàn luận rất xôn xao. Ấy thế mà…khi phát bài ra, toàn là… dưới trung bình. Thầy bảo: “Kì này tôi ra đề cho rụng que, rụng càng hết cho rồi!”

Suốt những năm học Phổ Thông, thầy đều dạy chúng con môn Hóa. Tên từng đứa, thầy nhớ hết; tính tình đứa nào ra sao, thầy biết rõ hơn Giáo viên Chủ nhiệm. Vậy mà khi nhận được giấy trúng tuyển Đại học, con có thăm thầy đâu? Không phải vì con không nhớ thầy mà là con sợ, sợ sau này giống thầy: từ sáng tới chiều: ở trong trường miết. Với chiếc xe đòn gánh, cái nón kết bạc màu, thầy vẫn lặng lẽ đi trên con đường quen thuộc để đem đến tri thức cho bao thế hệ học trò.

Ba năm rồi còn gì, con cứ tự nói với lòng: “Khai giảng này sẽ về thăm thầy!”, “20/11 này thăm thầy mới được!”, “Tết dương lịch thăm thầy thôi!”, “Đợi khi nào đến cắm trại, mình sẽ về trường!”, “Mùng 3 Tết, xuống nhà thầy chơi”…Cứ thế đấy!Hết cái hẹn hày tới cái hẹn khác. Và bây giờ con mới tự hỏi: “Liệu cái hẹn cuối cùng của con là khi nào? Liệu thầy có còn sức khỏe để đợi những đứa học trò như con về thăm? Chỉ mất một giờ xe buýt từ Mỹ Tho về Gò Công mà sao con thấy chạnh lòng quá thầy ơi!”

Nhớ Học kì I năm hai, tinh thần học tập của con sa sút, con quyết định đón chuyến xe buýt cuối cùng về quê. Con không về nhà liền mà vào trường tìm thầy. Con muốn gặp thầy để kể thầy nghe, để được thầy khuyên…nhưng không có thầy ở trường. “Thầy Sơn vừa dắt chiếc xe đạp ra ấy mà!” lời của chú bảo vệ làm con buồn rười rượi, con lầm lủi trở về nhà mà không quên ngoái đầu nhìn về phía con đường – nơi ấy có “ông giáo già” không vợ, không con, vẫn cọc cạch trên chiếc xe đòn gánh, mang trong người tấm lòng yêu thương học trò vô bờ bến…

Thầy ơi! Giờ đây con đang chập chững trên con đường mà thầy đã đi suốt hơn hai mươi năm qua: nghiệp “chèo đò đưa khách sang sông”. Và có lẽ hơn bao giờ hết, con đã hiểu thêm về những điều giản dị của thầy mà chất chứa lòng yêu nghề, yêu người biết mấy! Cảm ơn đời vì con được học thầy, cảm ơn thầy vì tất cả những gì mà thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cho cả thế hệ chúng con. Bằng cả tấm lòng mình, con muốn nói với thầy: “Con thương thầy nhiều lắm, thầy ơi!”
 
T

taylor_nhacdongque

các bạn cú truy cập vào hoa học trò online ý. khác có. ở bên tay phải của phần giới thiệu ý
 
D

diep_2802

Người thầy trong tâm hồn tôi
Mỗi dịp xuân về, tôi thường nhận được những tờ lịch có in chữ thư pháp rất đẹp từ bạn bè. Nhìn những chữ ấy tôi lại nhớ về thầy,một người thầy tuyệt vời của tôi
Ngày ấy, khi đang học lớp 5, tôi gặp nhiều khó khăn khi học môn ngữ văn . Ông thầy dạy tôi là người rất khó tính.Mỗi tiết dạy ông đều bắt chúng tôi viết các bài thơ chính tả.Chữ viết của tôi rất xấu nên cứ bị thầy chỉnh hoài. Tôi thật sự sợ học môn này. Biết thầy Phiệt là người thầy ngiêm nghị. Vì thế tôi rất sợ thầy
Một chiều cuối năm, tôi chạy xe từ Thị xã đến Khu phố 2 thị trấn Châu Thành tìm gặp thầy. Chưa kịp giới thiệu thầy đã nhận ra tôi. Khi ấy thầy là cộng tác viên thường xuyên, chuyên viết bài cho mục Đông Tây kim cổ. Tôi rất thích những lời bình luận ngắn gọn của thầy. Tôi học được từ những câu chuyện đó nhiều bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Sau này những chuyện thầy viết được in thành sách.
Lần đầu tiên ngồi đối diện trước thầy, tôi cảm nhận thầy giống như những ông đồ ngày xưa hơi khó tính. Dáng người mảnh khảnh. Mái tóc đã điểm sương. Đôi mắt sáng.Giọng nói nhỏ nhẹ. Sau khi nghe tôi trình bày rõ ý định nhờ thầy giúp đỡ, thầy cởi mở hơn. Thầy bảo: việc học là chuyện cả đời. Ngày xưa cái chữ nó quan trọng lắm. Người ta thành người được hay không là nhờ cái chữ đấy. Vì vậy, ngày nay nhiều người mới nói nét chữ nét người là vậy.Tôi thật sự rất thích cách thầy giảng bài. Thầy khuyên tôi nên đi sâu vào tìm hiểu các tác phẩm văn học sẽ tìm thấy nhiều cái hay cái đẹp ở đó. Khi đã hiểu rồi chắc chắn em sẽ yêu thích môn văn hơn.Sau mấy ngày nhờ chỉ bảo tôi đã tiến bộ nhiều.Thi môn đó tôi đạt tám điểm. Lòng vui khôn tả. Người đầu tiên tôi báo tin vui là thầy.Nghe xong thầy còn dặn có gì khó khăn cứ mạnh dạn hỏi thầy đừng ngại. Mình không biết thì hỏi, hỏi để biết. Không biết sau này mà dạy sai là nguy hiểm lắm.
Nhà thầy vẫn là nơi tôi thường lui tới mỗi khi tôi thấy chưa hiểu kĩ một vấn đề gì đó của các tác phẩm văn học,tôi cũng nhận thấy các bạn rất sợ học các bài thơ đó. Có bạn còn tâm sự :mình học mấy bài đó giống như con vẹt học nói vậy cô. Thuộc mà có hiểu gì đâu. Tôi đem điều này nói với thầy. Sau khi nghe xong thầy bảo: lỗi của giáo viên đấy. Rồi thầy giảng cho tôi nghe một bài thơ ngắn cùa nhà thơ Lí Bạch. Tôi nghe mà như nuốt từng lời. Thầy nói đúng quá.
Tôi lạnh người.Lần đầu tự hỏi mình: có khi nào mình tìm tòi, suy nghĩ thấu đáo như thầy chưa?Mình đã bao giờ thổi hồn mình vào những con chữ như thầy chưa? Có khi nào mình nghĩ dùng chữ ra sao chưa hay là cứ dùng đại ? Và tôi chợt hiểu ra vì sao thầy không mở một cửa hàng bán chữ dù chữ của thầy rất có hồn. Nhiều người mơ ước được một lần thầy cho chữ. Thậm chí có người cho rằng thầy cao ngạo khi họ xin mà thầy chẳng viết cho.
Đã một mùa xuân thầy vắng mặt trên cõi đời này. Thầy đã ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo.Mồng ba Tết thầy tôi vẫn mang tập sách của thầy tặng năm nào ra đọc như một thú vui đầu năm.Tôi đọc để tự răn mình. Và sống cho thanh thản. Thú thực mỗi khi nhìn vào cuốn sách ấy tôi lại nhớ đến thầy da diết.Thầy ơi! Con viết bài này như thắp nên một nén tâm nhang tưởng nhớ người.
(nếu hay nhớ thanks mình nha!!!!!!!!!!!!!!!!)
 
D

diep_2802

Ký ức đọng lại trong con

Thầy Hào kính mến..!
Con buồn quá thầy ạ!Con chẳng biết phải giãi bày cùng ai nên cầm bút viết thư cho thầy. Có thể những dòng thư mỏng manh cuả con không đến được tay thầy nhưng con vẫn viết, viết để chia sẻ, để mong có hơn một người đọc được bức thư này, mong họ thấy được người thầy đặc biệt nhất trong thẳm sâu đáy lòng con.
Trời hôm nay lạnh quá!Con bùi ngùi nhớ lại những ký ức về thầy, Thầy ạ! Lần đầu tiên trong đời con khóc vì một kì thi. Vẫn biết cuộc thi này chỉ là thử sức, cọ xát. Nhưng vì sao con không kìm được những giọt nước mắt, chúng cứ từ từ lăn ra, xô tới, tràn trề ở khoé mắt con như sự tủi nhục, hổ thẹn nén lại thành hạt. Con không dám đối mặt với sự thật, đối mặt với thầy và không xứng đáng với tấm lòng thầy trao cho con.Con chỉ muốn oà lên khóc, khóc như một đứa trẻ nhỏ.Đợt thi học sinh giỏi năm ấy con không được kết quả tốt như thầy mong muốn. .Con nhớ trước hôm đi thi thầy dặn dò chúng con tỉ mỉ, động viên, khích lệ ân cần… Con nhìn thấy đôi mắt thầy ánh lên nhìn con như trao gửi một điều gì đó. Thầy đã đặt vào con sự mong mỏi và một niềm hi vọng chiến thắng. Nhưng giờ con đã mang lại được điều gì cho thầy đây! Thầy ơi, thầy đang nghĩ gì về con? Con thật là vô dụng, không mang được gì về cho trường, cho lớp. Con xấu hổ lắm thầy ạ!
Con nhớ từ khi con bỡ ngỡ bắt đầu bước vào lớp 4, cho đến khi kết thúc năm học, thầy đã dạy cho con biết bao điều. Thầy dạy cho con biết chín chắn hơn khi nói trước đám đông, kiên cường hơn khi đấu tranh vì lẽ công bằng, thói quen mau lẹ khi làm một bài toán đại số,…. Thời gian thấm thoắt trôi đi có chờ đợi ai bao giờ, ba năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, con giật mình bàng hoàng khi biết rằng sang ngôi trường mới rồi mà con vẫn chưa làm được gì cho thầy cả! 2 năm trời con được thầy vất vả dìu dắt, trời mưa cũng như trời nắng, có khi bão lũ lụt cả sân trường sao thầy vẫn lội nước đi dạy chúng con? Thầy để lại trong con những kí ức chẳng thể nào quên. Thầy chỉ cho con biết những mẹo làm bài hình, những bài ca dao về môn Toán,…mà cho đến tận giờ khi đã là một cô học sinh lớp 7 con vẫn nhớ y nguyên lời thầy dạy. Từng công việc, hành động thầy làm, đồ vật thầy dùng đều tự chúng vô thức ghi vào tâm trí con. Con quên sao được cái hộp đựng phấn sắt bằng vỏ bao thuốc lá mà cứ tiết ra chơi là con lại lên nghịch, cây thước gỗ sơn vàng đã mòn góc ngày nào thầy cũng mang đi dạy, cái cặp sách đen đã bong da ở chỗ tay cầm, chiếc cavat vàng nhạt thầy hay đeo trong những ngày lễ trọng đại,… con nhiều thứ, nhiều điều khác nữa về thầy mà con không nói ra hết. Thầy đặc biệt trong lòng con không phải vì thầy là hiệu trưởng mà là từ những điều bình thường, giản dị đó thôi.
Con nhớ quá nụ cười nheo mắt tươi tắn trong những tiết học, nét mặt rạng rỡ của thầy khi chúng con được điểm cao, nụ cười ấy, nét mặt ấy ấm lên, hiện hữu trong lòng con giúp con thoát khỏi cái vỏ bọc nhút nhát ngày nào, để giờ đây trở thành một học sinh trưởng thành hơn trong suy nghĩ, tầm nhìn.Thầy đã từ từ đi vào lòng con và trở thành một “ thần tượng” như thế đấy. Từ khi đi học đến giờ con chưa bao giờ có những tình cảm hơi “quá” về thầy cô nhưng với riêng thầy, tình yêu thầy trong con vượt ngưỡng bình thường. Thầy hoàn hảo và đặc biệt vô cùng, con trân trọng đưa hình ảnh Thầy lên vị trí cao nhất trong những kỉ niệm về thầy cô giáo cũ của con. Bởi lẽ, thầy là người đầu tiên giúp con yêu những con số khô khan trong Toán học và cho con những rung cảm đầu tiên về cuộc sống quanh mình. Thầy đã chấm vào con những sắc màu dù nhỏ thôi nhưng nó đã giúp con trở nên hoàn thiện hơn.
Và Thầy ơi! Con sẽ cố gắng bay thật cao vì hoài bão của con và vì niềm hi vọng khát khao của thầy. Để mong sao phía sau lồng ngực ấm áp của thầy con có một chỗ đứng. Mong thầy đừng bao giờ quên con!
(nếu hay nhok thanks mjnh nhak)
 
D

diep_2802

mình có một bài nữa nè nếuhaynhak Có một niềm tin

Sững sờ nghe tin báo từ bạn bè ở quê nhà, cầm điện thoại trên tay, em muốn gọi cho cô mà cứ do dự, sợ rằng sẽ vô tình gợi nhắc trong cô nỗi buồn thương quá lớn. Lòng nghẹn ngào không thể lắng lại, những tháng ngày xa xưa bỗng chốc ùa về trước mắt em.
Năm đó cô mới chuyển về trường, và thật “không may”, được phân làm chủ nhiệm lớp em – lớp quậy phá và “ít hy vọng” nhất trong khối lớp tám. Cô đã nhận trách nhiệm đó một cách điềm tĩnh. Và cứ điềm tĩnh như thế, cô đã làm nên một bước ngoặt.
Cái lớp từng đội sổ về mọi mặt trong trường, chỉ một thời gian ngắn sau khi cô tiếp nhận đã vươn lên đứng trong top đầu những lớp hạnh kiểm tốt, thành tích học tập cũng tỏa sáng từng ngày. Ánh mắt của mọi người đã thay đổi khi nhìn vào lớp học ấy. Cô đã làm được việc mà những giáo viên khác lắc đầu không thử. Không phải là biện pháp thần thánh, cao siêu gì, cô chỉ đơn giản tạo cho chúng em cảm giác như người thân trong nhà. Là người thân trong nhà không có nghĩa là cô chăm bẵm chúng em như con trẻ, mà nghĩa là cô đối xử với chúng em hết sức tự nhiên, giản dị và công bằng. Giống như người mẹ, người chị lớn, khi chúng em làm sai cô thẳng thắn phê bình và khiển trách rất nghiêm khắc. Khi chúng em lập được thành tích, dù rất nhỏ cô cũng tuyên dương nhiệt thành. Không bao giờ tỏ ra đặc biệt thiên vị một ai, cô khiến học trò cảm thấy đứa nào cũng được tin cậy và tôn trọng trong lớp học của cô.
Từ nhỏ đã không được đánh giá cao trong môn toán, lúc nào cũng nằm trong nhóm trung bình toán của lớp, điểm mười toán với em giống như một giấc mơ. Nhưng cô đã biến giấc mơ ấy thành sự thật. Em không bao giờ quên được tiết thực hành môn hình học hôm ấy. Những chiếc hình hộp em cẩn thận tô vẽ và cắt dán, tính toán sao cho đúng tỉ lệ, chuẩn bị rất kỳ công. Cô đã thừa nhận thành quả của em với một điểm mười. Ánh mắt của cô lúc quan sát những chiếc hộp đầy tâm huyết của em dường như lấp lánh. Rồi những bài thi của em cứ khá dần lên. Được cô xướng tên như một trong những người có tiến bộ rõ ràng nhất lớp là một cảm giác rất hãnh diện đối với em. Cô đã làm em tin rằng mình có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể, chỉ cần thật sự quyết tâm. Em đã nhận ra, với học trò, không gì đáng quý bằng sự thấu hiểu, khuyến khích và thừa nhận của thầy cô.
Em rời khỏi trường cấp hai, mang theo những tình cảm tốt đẹp, tri ân đối với cô. Đó cũng là tâm trạng chung của lứa học trò lớp cô gánh vác năm ấy.
Vào cấp ba, thật sự bất ngờ khi em học ở lớp mà thầy dạy môn lý lại chính là người cùng chung mái ấm của cô. Ở trường cấp ba thầy gây ấn tượng cho học sinh không khác nào cô ở cấp hai. “Thầy hiền lắm, trầm tính và yêu nghề. Sáng nào thầy cũng đến trường từ sớm, đứng trên bậc thềm ngắm dòng học trò tiến vào trường mà mỉm cười xa xăm…”, một cô giáo đồng nghiệp của thầy đã nói như thế khi chúng em hỏi. Thầy cô đều còn trẻ và từng là bạn học chung trường đại học. Đến với nhau bằng tình yêu chân thành, cùng có một tình yêu thứ hai với nghề dạy học, thầy cô đã chung tay xây dựng một gia đình nhà giáo kiểu mẫu mà bất cứ ai cũng quý trọng.
Vì tất cả những điều đó mà học trò của thầy cô đã thảng thốt khi nghe tin thầy qua đời. Thầy đã im lặng mang trong mình cơn bạo bệnh suốt những ngày đứng trên bục giảng. Dù mệt mỏi, đau đớn cũng không để ai nhận thấy, thầy vẫn tận tâm với công việc cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Thầy mất khi ngày Nhà Giáo Việt Nam mới qua chưa bao lâu. Nghe tin thầy nằm viện, những học trò yêu quý thầy bàn với nhau chuẩn bị cho thầy một tấm nệm thật ấm trong mùa đông này, nhưng kế hoạch chưa thực hiện được thì thầy đã ra đi mãi mãi. Cái tin quá đột ngột và đau lòng. Thầy còn trẻ mà? Bệnh thầy đâu phải nghiêm trọng đúng không? Tại sao lại có thể như thế? Là những câu hỏi liên tục được truyền đi trong đêm giữa những đứa học trò từ Bắc chí Na . Có nhiều đứa đã bật khóc nức nở trong điện thoại. Không khí buồn thương đã bao trùm lên ngôi trường suốt những tháng sau đám tang thầy, mãi vẫn không vợi bớt. “Một giáo viên giỏi, một người thầy tận tâm, một đồng nghiệp tốt của chúng ta đã mãi mãi ra đi…”.
Nỗi tiếc thương với thầy cô đan xen trong ngổn ngang cảm xúc, sự chiêm nghiệm về ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết đã theo em trong một đêm dài. Thầy đã ra đi còn cô và hai đứa con còn quá bé dại. Một gia đình đẹp như mơ giờ chỉ còn là ký ức. Học trò tới thăm cô mà không thể gặp, chỉ biết cô giờ suy kiệt cả tinh thần và thể chất. Bóng hình người cô mà em tự nhủ sẽ khắc ghi trong đời vốn mạnh mẽ và quả quyết giờ tựa như chiếc bóng.
Thời gian qua đi có thể làm dịu đi nỗi đau này chăng? Câu hỏi đó tuy chưa thể trả lời nhưng là điều ai cũng hy vọng. Có một điều mà đứa học trò nhỏ năm xưa giờ đã đi xa muốn gửi tới cô: “Cô ơi, cô đã cho em niềm tin vào bản thân, hình ảnh mạnh mẽ mà gần gũi của cô đã gợi cho em con đường để tìm ra nhân cách của riêng mình. Em mong cô mãi mãi mạnh mẽ như thế. Những điều thầy cô để lại cho từng thế hệ học trò, chúng em sẽ luôn luôn ghi nhớ và kính trọng, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra chăng nữa. Lúc nào cũng có những học trò đồng cảm, đứng bên cạnh ủng hộ và cầu nguyện cho cô tìm lại được hạnh phúc, can đảm sống trong cuộc đời này. Rồi tất cả sẽ lại bắt đầu vì cuộc sống không bao giờ ngừng luân chuyển. Em mong cô có và mãi giữ được niềm tin như thế”.
 
Top Bottom