Phân tích cảnh cho chữ

S

snow.fox_hp2010

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Khi nhắc tới lối văn chương luôn khát khao hướng tới chân-thiện-mĩ, người ta thường nhắc tới Nguyễn Tuân- một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông được đánh giá là một trong những cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong các sáng tác của Nguyễn Tuân, các nhân vật thường được miêu tả, nhìn nhận như một nghệ sĩ . Và tác phẩm “Chữ người tử tù” cũng được xây dựng bằng cách nhìn nhận như vậy. Bên cạnh đó, nhà văn đã khéo léo sáng tạo lên một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là cảnh cho chữ trong nhà giam- là phần đặc sắc nhất của thiên truyện này “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Truyện kể về nhân vật Huấn Cao- một kẻ cầm đầu bọn phản loạn dám đứng lên chống lại triều đình. Khi bị bắt giam ở nhà tù tỉnh Sơn, vì cảm mến trước tấm lòng viên quản ngục ông đã đồng ý cho chữ. Và đó là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Tình huống truyện vô cùng độc đáo. Huấn Cao là người cho chữ nhưng lại là tử tù chờ ngày ra pháp trường, viên quản ngục là người xin chữ nhưng đồng thời lại là người quản lí trại giam nơi giam giữ Huấn Cao. Đoạn cho chữ nằm ở phần cuối tác phẩm. Ở vị trí này tình huống truyện được đẩy lên đến đỉnh điểm vì viên quản ngục bỗng nhận được công văn về việc xử tử những tên phản loạn, trong đó có Huấn Cao. Do vậy cảnh cho chữ có ý nghĩa cởi nút, giải tỏa những băn khoăn, chờ đợi nơi người đọc, từ đó toát lên những giá trị lớn lao của tác phẩm.

Sau khi nhận được công văn, viên quản ngục đã rãi bày tâm sự của mình với thầy thơ lại. Nghe xong truyện, thầy thơ lại đã chạy xuống buồng giam Huấn Cao để kể rõ nỗi lòng viên quản ngục. Và đêm hôm đó, trong một buồng tối chật hẹp với ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, “ một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đang diễn ra. Lẽ thường việc cho chữ thường diễn ra nơi thư phòng, nhưng trong "chữ người tử tù" khung cảnh cho chữ lại diễn ra ở nơi buồng giam "chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Việc cho chữ diễn ra vào ban đêm không gian lại vắng lặng chỉ có tiếng mõ trên vọng canh điểm nhịp. Thời gian ở đây cũng gợi cho ta tình cảnh của người tử tù. Đây có lẽ là đêm cuối cùng của Huấn Cao ở trại giam tỉnh Sơn. Có thể nói, ở đoạn văn cuối này tác giả đã thể hiện nghệ thuật dựng cảnh vừa giàu giá trị gợi cảm, vừa giàu chất điện ảnh và nghệ thuật tương phản được dùng rất đắc địa.
Vị thế người cho chữ và người xin chữ cũng xưa nay chưa từng có. Người cho chữ là Huấn Cao- người cầm đầu những kẻ phản nghịch chống lại triều đình, một con người chọc trời khuấy nước, chỉ sáng mai thôi là sẽ vào kinh lãnh án tử hình. Người xin chữ là viên quản ngục và thầy thơ lại là những người bảo vệ trật tự xã hội phong kiến. Như vậy họ là những người đối lập, là kẻ thù của nhau. Về tư thế, người cho chữ là tử tù, mất tự do về thể xác , trong hoàn cảnh " cổ đeo gông, chân vướng xiềng" nhưng lại hoàn toàn tự do về mặt tinh thần, ung dung " dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván". Và tử tù ấy chỉ chăm chú vào việc viết chữ, ông đang sáng tạo cái đẹp. Vì vậy sẽ không còn tử tù nữa chỉ còn lại một người nghệ sĩ tài hoa đang "toàn tâm, toàn chí, toàn ý, toàn hồn vào việc sáng tạo cái đẹp. Vậy là cái tâm sẽ tạo điều kiện cho cái tài, cái tài quay lại phụng sự cho cái tâm để tạo nên một cái đẹp vĩnh cửu. Tư thế của người xin chữ là viên quản ngục thì "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì "run run bưng chậu mực". Cái tư thế ấy cho thấy viên quản ngục và thầy thơ lại cảm thấy mình thật nhỏ bé trước một nghệ sĩ tài hoa, một con người có khí phách anh hùng, một con người không vì vàng bạc mà ép mình cho chữ, một con người mà đến cảnh chém chết còn không sợ nhưng lại sợ "phụ một tấm lòng trong thiên hạ".

Cảnh cho chữ còn giúp chúng ta thấy ngục tù tăm tối là hiện thân của tội ác, của sự tàn bạo, của sự đánh đập nhưng trong hoàn cảnh này thì không phải cái xấu cái ác đang thống trị nữa mà là cái đẹp cái thiện đang làm chủ. Với cảnh cho chữ thì nhà tù tăm tối đã sụp đổ vì không còn tử tù cũng không còn viên quản ngục và thầy thơ lại chỉ còn lại một người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước con mắt ngưỡng mộ sùng kính của người hiền tài. Tất cả đều thấm đẫm trong ánh sáng của thiên lương và cái đẹp. Và qua cảnh cho chữ thì Nguyễn Tuân muốn khẳng định rằng không phải Huấn Cao đã chết mà ông đang đi vào cõi bất tử. Chính vì vậy, nhà văn còn muốn khẳng định rằng "cái đẹp có thể nảy sinh trên đất chết, nhưng nó không thể chung sống với cái xấu, cái ác". Người biết yêu cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương không thể làm điều xấu điều ác. Cái đẹp còn phải gắn với cái thiện để tiến tới cái cao đẹp hơn, thánh thiện hơn, trong sáng hơn.

khi cho chữ xong, Huấn Cao "thở dài buồn bã" bởi sự kì ngộ trớ trêu giữa viên quản ngục và Huấn Cao nhưng cũng qua cảnh cho chữ và hình tượng Huấn Cao thì Nguyễn Tuân kín đáo biểu dương, ngợi ca một con người trong lịch sử mà ông hằng trân trọng là Cao Bá Quát và ngợi ca một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam - nghệ thuật thư pháp, một nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đó chính là cách thể hiện lòng yêu nước, tự hào về những cái đẹp để làm nên bản sắc dân tộc.

Thủ pháp tương phản đối lập là đặc trưng của văn xuôi lãng mạn. Những hình ảnh đối lập giữa ánh sáng của bó đuốc, của thiên lương với cái bóng tối của buồng giam, đối lập giữa cái thơm tho của mùi mực với cái nhơ bẩn của buồng giam, giữa cái thiện cái đẹp với cái ác, giữa sự đĩnh đạc đoàng hoàng của Huấn Cao với cái khúm núm run run của viên quản ngục và thầy thơ lại. Như vậy, nghệ thuật tương phản đối lập đã được Nguyễn Tuân sử dụng rất đắc địa. Lối đặc tả là sở trường của Nguyễn Tuân khi miêu tả bức lụa: "tấm lụa bạch", "tấm lụa trắng tinh", "phiến lụa óng", "bức lụa trắng", "bức châm". Bức châm là biểu tượng của cái đệp trong sáng, cái thuần khiết kết tinh của tài hoa, khí phách, thiên lương của nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục.

Sau khi cho chữ viên quản ngục, Huấn Cao đã đỡ viên quản ngục đứng thẳng dậy và dành cho viên quản ngục những lời khuyên rất chân thành: " thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi." Lời khuyên chân thành ấy khiến ngục quan rất cảm động "vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Nó là sự thức tỉnh lớn nhất đối với viên quản ngục, một kẻ mê muội nhận ra mình không còn mê muội nữa. Ở đời có những cái cúi đầu và những cái vái lạy khiến con người ta trở nên hèn hạ và cũng có những cái cúi đầu vái lạy khiến cho con người ta tốt đẹp hơn, trong sáng hơn và lương thiện hơn. Đó là những cái cúi đầu trước cái đẹp, cái thiện. Cái cúi đầu của viên quản ngục phải chăng là như vậy? Cái cúi đầu của viên quản ngục khép lại cảnh cho chữ nhưng lại mở ra một thế giới ánh sáng cho tâm hồn viên quản ngục. Vì vậy, cảnh cho chữ như khép lại quãng thời gian nửa tháng trong ngục tối của Huấn Cao và mở ra một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, một cuộc trùng phùng tương ngộ trước một tấm lòng với một tấm lòng.

Cảnh cho chữ là một đoạn văn xuất thần tập trung thể hiện tài năng tâm huyết của người nghệ sĩ bậc thầy trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng giữ thiên chức của người cầm bút - phát hiện, ngợi ca và tôn vinh cái đẹp.

Cảnh cho chữ trong "chữ người tử tù" đã góp phần tạo nên những trang văn xuôi đặc sắc đưa nền văn xuôi còn non trẻ của Việt Nam đầu thế kỉ XX có thể sánh ngang với những truyện ngắn xuất sắc của nhân loại và giúp chúng ta nhớ về một thời vang bóng.
 
Top Bottom