Sử 6 [ Lịch Sử 6] Các quốc gia cổ đại phương tây

Status
Không mở trả lời sau này.
H

hiensau99

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Nằm trên bờ Bắc Địa Trung Hải, Hi Lạp và Rô-ma bao gồm bán đảo và nhiều đảo nhỏ. Địa Trung Hải giống như một cái hồ rất lớn, tạo nên sự giao thông thuận lợi giữa các nước với nhau, do đó, từ rất sớm đã có những hoạt động hàng hải, ngư nghiệp và thương nghiệp. Trên cơ sở đó, Hi Lạp và Rô-ma đã phát triển cao về kinh tế và xã hội, làm cơ sở cho một nền văn hoá rất rực rỡ.
1. Điều kiện tự nhiên và đời sống của con người

Vùng Địa Trung Hải có cảnh sông, núi, biển đẹp đẽ, muôn màu; khí hậu ấm áp trong lành. Ban đầu, các bộ lạc đều sống trong các thung lũng. Ở đấy, những dẫy núi cao từ lục địa chạy ra biển đã ngăn cách thung lũng này với thung lũng khác, tạo thành những đồng bằng sinh sống thuận lợi. Tuy nhiên, không phải chỉ có toàn thuận lợi. Phần lớn lãnh thổ là núi và cao nguyên. Đất canh tác đã ít lại không màu mỡ lắm, chủ yếu là đất ven đồi, khô và rắn. Do đó, lưỡi cuốc, lưỡi cày bằng đồng không có tác dụng.

Vào khoảng đầu thiên niên kỉ I trước Công nguyên, cư dân vùng Địa Trung Hải bắt đầu biết chế tạo công cụ bằng sắt.

Nhờ công cụ sắt, diện tích canh tác tăng hơn, việc trồng trọt đã có kết quả. Thực ra, chỉ ở những vùng đất mềm và tốt mới có thể trồng lúa. Đất đai ở đây thuận tiện hơn cho việc trồng các loại cây lưu niên có giá trị cao như: nho, ô liu, cam, chanh… Con người phải gian khổ khai phá từng mảnh đất, phải lao động khó nhọc mới bảo đám được một phần lương thực. Vì thế, cư dân ở đây vẫn mua lúa mì, lúa mạch của người Ai Cập, Tây Á…

Nếu như nông nghiệp có phần hạn chế thì để bù lại, thủ công nghiệp rất phát đạt. Bấy giờ sản xuất thủ công nghiệp đã chia thành nhiều ngành nhiều nghề khác nhau: luyện kim, đồ mĩ nghệ, đồ gốm, đồ gỗ, đồ da, nấu rượu, dầu ô liu… Nhiều thợ giỏi, khéo tay đã xuất hiện. Họ làm ra những sản phẩm nổi tiếng như đồ gốm với đủ các loại bình, chum, bát… bằng gốm tráng men có trang trí hoa văn với màu sắc và hình vẽ đẹp.

Đã có nhiều xưởng thủ công chuyên sản xuất một mặt hàng có chất lượng cao. Nhiều xưởng thủ công có quy mô khá lớn: có xưởng từ 10 đến 15 người làm, lại có xưởng lớn sử dụng từ 10 đến 100 nhân công, đặc biệt mỏ bạc ở At-tích có tới 2000 lao động.

Sự phát triển của thủ công nghiệp làm cho sản xuất hàng hoá tăng nhanh, quan hệ thương mại được mở rộng. Người Hi Lạp và Rô-ma đem các sản phẩm của mình như rượu nho, dầu ô liu, đồ mĩ nghệ, đồ dùng kim loại, đồ gốm… đi bán ở mọi miền ven Địa Trung Hải. Sản phẩm mua về là lúa mì, súc vật, lông thú từ vùng Hắc Hải, Ai Cập…; tơ lụa, hương liệu, xa xỉ phẩm từ các nước phương Đông. Trong xã hội chiếm nô ở vùng này, nô lệ là thứ hàng hoá quan trọng bậc nhất. Nhiều nơi như

Đê-lốt, Pi-rê… đã trở thành những trung tâm buôn bán nô lệ lớn của thế giới cổ đại.

Hàng hoá được chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có buồm và nhiều mái chèo của các nhà buôn giàu có. Một chiếc tàu chở rượu nho của Rô-ma dài 40m, chứa được từ 7000 đến 8000 vò (tức trọng tải từ 350 đến 400 tấn) bị đắm từ thời ấy đã được các nhà khảo cổ tìm thấy vào năm 1967 ở vùng biển phía nam nước Pháp.
Hoạt động thương mại phát đạt đã thúc đẩy việc mở rộng lưu thông tiền tệ. Các thị quốc đều có tiền riêng của mình. Đồng tiền As ở Rô-ma bằng đồng có hình con bò, đồng tiền bạc có hình chim cú và đồng tiền vàng A-tê-na có hình nữ thần của A-ten là những đồng tiền thuộc loại cổ nhất trên thế giới.

Như thế, nền kinh tế của các nhà nước ở vùng Địa Trung Hải phát triển mau lẹ. Hi Lạp và Rô-ma sớm trở thành các quốc gia giàu mạnh. Lao động của nô lệ đã đóng vai trò chủ yếu trong tất cả các hoạt động sản xuất. Phương thức sản xuất chiếm nô thời bấy giờ đạt đến mức hoàn chỉnh và cao nhất của nó trong xã hội phương Tây cổ đại.
2. Chế độ chiếm nô

Nền kinh tế công thương nghiệp cổ đại phát triển đòi hỏi một số lượng lớn lao động làm trong những lò rèn, đúc sắt, mỏ bạc, xưởng làm gốm, xưởng thuộc da, xưởng chế rượu nho, dầu ô liu, các thuyền buôn lớn… Người lao động trong đó đều là nô lệ, do chủ mua về. Việc sản xuất và buôn bán càng mở rộng thì nhu cầu về nô lệ càng lớn. Các đạo quân đi xâm lược nước ngoài, bắt được tù binh mang ra chợ bán. Bọn cướp biển tấn công các thuyền đi lẻ, vừa cướp của, vừa cướp cả người đem bán. Chợ A-ten có ngày bán hàng vạn nô lệ.

Số nô lệ trở nên rất đông, nhiều gấp chục lần chủ nô và những người bình dân.

Ở Rô-ma, việc sử dụng nô lệ còn được mở rộng hơn nữa trong công việc trang trại. Chủ nô có tiền mua đất trồng nho và ô liu theo quy mô lớn, rồi đưa vào mỗi trang trại (gọi là đại trại) hàng trăm nô lệ làm việc dưới sự kiểm soát chặt chẽ.

Người Rô-ma còn dùng những nô lệ khoẻ mạnh, cho ăn và huấn luyện võ nghệ để chuyên làm các đấu sĩ, mua vui trong những ngày lễ hội.

Việc bắt và mua bán nô lệ một cách bừa bãi như thế nên nhiều khi có cả các nhà thơ, triết gia, vũ nữ, đầu bếp cũng bị đem bán làm nô lệ. Những người này phải phục vụ theo yêu cầu của người chủ đã mua họ về.

Trong lịch sử loài người, xuất hiện một tầng lớp đông đảo những người lao động giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất và phục vụ các yêu cầu khác nhau của đời sống, nhưng lại hoàn toàn lệ thuộc người chủ mua mình và không có chút quyền nào, kể cả quyền được coi là một con người, đó là nô lệ.

Ngoài nô lệ, dân mỗi nước phần đông là người bình dân, tức là những người dân tự do, có nghề nghiệp và chút ít tài sản để tự sinh sống bằng lao động của bản thân mình. Họ làm đủ các việc như sản xuất hàng mĩ nghệ, hàng tiêu dùng theo quy mô nhỏ, làm dịch vụ và buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, điều tai hại là số đông những người này thích rong chơi an nhàn, sống nhờ trợ cấp xã hội, kinh lao động vì họ coi lao động là công việc dành riêng cho nô lệ.

Một bộ phận nhỏ của cư dân này là chủ nô. Chủ nô chính là các chủ xưởng, chủ lò, chủ thuyền rất giàu có, có nhiều nô lệ để bắt lao động và hầu hạ. Họ rất có thế lực về kinh tế và cả về chính trị. Chính họ đã dùng tiền vào việc kinh doanh ruộng đất, do đó đã xoá bỏ ảnh hưởng và địa vị của tầng lớp quý tộc cũ sống gắn với ruộng đất, thủ tiêu hết tàn tích của xã hội nguyên thuỷ.

Một chế độ kinh tế - xã hội dựa chủ yếu trên lao động của nô lệ, bóc lột nô lệ, được gọi là chế độ chiếm nô, một hình thức phát triển cao của nền kinh tế thời cổ đại và cũng là hình thức bóc lột đầu tiên thô bạo nhất của xã hội có giai cấp.
3. Thị quốc Địa Trung Hải

Ven bờ bắc Địa Trung Hải có nhiều đồi núi chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ, không có điều kiện tập trung đông dân cư. Mỗi vùng, mỗi mỏm bán đảo là giang sơn của một bộ lạc. Khi xã hội có giai cấp hình thành thì đây cũng là một nước. Mỗi thành viên là công dân của nước mình. Nước thì nhỏ, nghề buôn phát triển nên dân cư sống tập trung ở thành thị. Phần chủ yếu của nước là thành thị với một vùng đất đai trồng trọt ở xung quanh. Thành thị có phố xá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát và quan trọng hơn cả là có bến cảng. Cho nên, người ta còn gọi nước đó là thị quốc (thành thị là quốc gia, Trước đây gọi là thành bang)

Chẳng hạn, At-tích là một mũi đất nhỏ ở Đông Nam Hi Lạp ngày xưa, xưa kia là một thị quốc, có diện tích hơn 2000 km2, có số dân khoảng 400000 người, phần lớn sống ở thành thị A-ten (nay là thủ đô Hi Lạp), có ba hải cảng, trong số đó lớn nhất là cảng Pi-rê. Người ta gọi A-ten là thị quốc, đại diện cho cả khu vực At-tích.

Hơn 30000 người là công dân A-ten, có tư cách và có quyền công dân (1). Khoảng 15000 kiều dân (dân nơi khác đến ngụ cư) được tự do sinh sống, buôn bán, làm ăn, nhưng không có quyền công dân. Chừng hơn 300000 nô lệ lao động, phục dịch, nhưng không có quyền gì cả, mà là tài sản riêng của mỗi chủ nô.

Uy thế của quý tộc, xuất thân là bô lão của thị tộc, đã bị đánh bạt. Quyền lực xã hội chuyển vào tay các chủ nô, chủ xưởng và các nhà buôn. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt. Nhưng thắng lợi quyết định trong cuộc đấu tranh này là hình thành một thể chế dân chủ. Hơn 30000 công dân họp thành Đại hội công dân, bầu và cử ra các cơ quan nhà nước, quyết định mọi công việc của nhà nước.

(1): Ngoài ra, có khoảng hơn 10000 người nữa, gồm phụ nữ và trẻ em thuộc các gia đình của công dân.

Người ta không chấp nhận có vua. Có 50 phường, mỗi phường cử 10 người, làm thành một Hội đồng 500, có vai trò như “quốc hội”, thay mặt dân quyết định công việc trong nhiệm kì 1 năm. Ở đây, người ta bầu ra 10 viên chức điều hành công việc (như kiểu một chính phủ) và cũng có nhiệm kì 1 năm. Viên chức có thể tái cử nếu được bầu. Hằng năm, mọi công dân họp một lần ở quảng trường, nơi ai cũng được phát biểu và biểu quyết các việc lớn của cả nước.

Thể chế dân chủ như thế đã phát triển cao nhất ở A-ten. Nơi nào kém, cũng có hình thức đại hội nhân dân.
4. Từ thị quốc đến đế quốc cổ đại

Nói thị quốc cổ đại là nói tới đô thị buôn bán, làm nghề thủ công và sinh hoạt dân chủ. Mỗi thành thị là một nước riêng. Ở đó, người ta bàn và quyết định nên buôn bán với nước nào và loại hàng gì, dùng ngân quỹ vào việc gì, nên trợ cấp cho dân nghèo bao nhiêu; có biện pháp gì để duy trì thể chế dân chủ và đặc biệt là có chấp nhận tiến hành chiến tranh hay không.

So với thời ấy thì đất thị quốc không rộng nhưng dân lại đông, trồng trọt đã ít, lại càng ít trồng lúa. Do đó, các thị quốc luôn giữ quan hệ buôn bán với nhau và với các vùng xa.

Nhờ đó, các thị quốc trở nên rất giàu có. Nhiều chủ nô giàu đến mức không một quý tộc phương Đông nào có thể so sánh được. Đặc biệt là A-ten, sau cuộc chiến tranh với Ba Tư, trở thành minh chủ của các quốc gia Hi Lạp, lại nắm ưu thế trên biển, đã quản lý một ngân quỹ rất lớn, có thu nhập hằng năm rất cao. A-ten đã miễn thuế cho mọi công dân và trợ cấp cho các công dân nghèo đủ sống.

Giữa các thị quốc có quan hệ độc lập, tự do với nhau. Tuy nhiên, đến thế kỉ III trước Công nguyên, thành thị Rô-ma lớn mạnh vượt lên, đã xâm chiếm tất cả các nước và thành thị trên bán đảo Ý (I-ta-li-a). Tiếp đó, họ chinh phục cả các vùng của người Hi Lạp, các nước ven bờ Địa Trung Hải, trong đó có Ai Cập, các lãnh thổ miền Nam châu Âu và trở thành một đế quốc cổ đại – đế quốc Rô-ma. Dần dần thì thể chế dân chủ cũng bị bóp chết, thay vào đó là một nguyên thủ, một hoàng đế đầy quyền lực.
 
Last edited by a moderator:
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom