Sử Tự Đức chủ hòa hay chủ chiến ? Trách nhiệm của ông trước việc mất nước nửa sau thế kỷ XIX

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

LTG: bài này được viết theo câu hỏi của một bạn trong diễn đàn này. Bạn hỏi: Tự Đức chủ chiến hay chủ hòa ? Đây là một vấn đề khó lý giải một cách chính xác về bản thân của vị Hoàng đế nhà Nguyễn đã sống và cai trị trong thời điểm biến động của đất nước: thời kỳ các vương quốc ở phương Đông phải đối đầu với sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản từ thế kỷ XVII - XIX. Ở bài viết này thì tác giả tóm tắt vài suy nghĩ của các nhà sử học về thời kỳ biến động của đất nước mà trong đó có vai trò của Hoàng đế Tự Đức, để các bạn xem và ai có ý kiến gì mới thì vào thảo luận tại đây....
222px-Vua_Tu_Duc.jpg
Dực Tông Anh Hoàng đế (Tự Đức): 5/10/1847 – 19/7/1883

Đây là một vấn đề được các nhà sử học bàn luận trong thời gian khá dài và họ cũng đưa ra vài ý kiến tương đối thống nhất. Đơn cử vài ví dụ cụ thể:
- GS Trần Văn Giàu trong hai quyển sách (Lịch sử cận đại Việt Nam, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử) chia thành 2 thời kỳ: 1858 - 1862 là chủ chiến, cũng lúc đó (năm 1860) đã xuất hiện tư tưởng chủ hòa; năm 1862 - 1883 là chủ hòa làm chính
- Phân khoa sử ĐHSP Hà Nội khi soạn sách Lịch sử Việt Nam, tập 3 - phần I và II thì chia lại: 1858 - 1861 là chủ trương kháng chiến; sau trận thua Đại đồn Chí Hòa (2/1861) đã chuyển sang chủ hòa "hoàn toàn"
Để giúp các bạn hình dung và từ từ trả lời cho câu hỏi trên, tác giả sẽ đề cập đến hai giai đoạn trong chính sách cai trị của Tự Đức khi Pháp bắt đầu xâm lược, cụ thể gồm"
+ Từ năm 1858 đến năm 1862, triều đình Tự Đức còn chủ trương kháng chiến
+ Từ năm 1862 đến năm 1883, triều đình Tự Đức thực hiện cùng lúc hai chủ trương: chủ chiến, chủ hòa. Biểu hiện cụ thể:
- Xu hướng "chủ chiến":
Sau khi Hiệp ước 1862 được ký kết. Khi Trương Định phất cờ kháng Pháp, nhà vua hết sức ủng hộ và khen ông là "Lòng người như thế cũng là một sự giúp cho mưu tính lấy lại". Lúc Tiến sĩ Phan Hiển Đạt đánh Pháp, nhưng bị Phan Thanh Giản gây sức ép buộc tự tử thì nhà vua rất đau buồn: "Danh tiết của một sĩ phu, nên phải xét rõ tâm tính. Riêng ta thấy lòng thương tiếc". Khi bị bọn Pháp đòi bắt thủ lĩnh Võ Duy Dương đem nộp, Tự Đức "ngầm" không làm theo yêu cầu của chúng. Đặc biệt khi Nguyễn Trung Trực diệt tàu "Hi vọng" của Pháp (12/1861) và đồn Kiên Giang (1868), Tự Đức cảm phục bèn ban cho chức tước và làm thơ khen ngợi.
Từ năm 1866 đến 1868, triều đình Tự Đức tiến hành phòng thủ chặt chẽ: củng cố thành lũy ở Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh (nay là Quảng Ninh); dựng thêm pháo đài và lũy đá phòng thủ ở cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn); đắp thêm thành lũy và lập thêm các vật cản dưới sống, tuyển mới binh lính và cho luyện tập ở Quảng Ngãi, cấp thêm vũ khí cho quân dân địa phương (nhất là ở ven biển), lập mạng lưới liên lạc theo dõi quân giặc khắp nơi và báo về triều đình Huế
Sau trận thắng Cầu Giấy lần thứ nhất (21/12/1873), Tự Đức phấn chấn và cho xét công trạng, ban thưởng chu đáo cho các tướng lĩnh Đại Nam tham gia trận thắng lịch sử này
Sau điều ước 1874, Tự Đức quá xót xa vì chủ quyền đất nước bị Pháp vi phạm quá trắng trợn nên có những phản kháng mạnh hơn:
+ Năm 1877, triều đình Huế cứ sứ đoàn sang cầu viện nhà Thanh. Quân Thanh tiến nhanh sang nước ta làm nhà vua tỏ nhiều thái độ cứng rắn hơn với Pháp. Nhưng quân Thanh không có quyết tâm đánh Pháp và vua Thanh nuôi âm mưu chia nhau quyền lợi với Pháp, nên Tự Đức bèn thôi
+ Năm 1882, quân Pháp chuẩn bị tiến ra Bắc Kỳ. Quan quân ta đẩy mạnh chuẩn bị kháng chiến khiến tên khâm sứ Pháp là P. Rheinart phản kháng, nên nhà vua gợi ý với quan quân là "phải lo phòng bị" và không rút đi vì sẽ "trúng mưu giặc Pháp". Tháng 4/1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội và Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu tuẫn tiết, Tự Đức nghe tin đã ra lệnh tế lễ cho Tổng đốc Hà Nội và trách phạt nặng nề các quan lại trốn bỏ nhiệm vụ chiến đấu. Sau đó Tự Đức sai đắp thêm thành lũy và đúc thêm đại bác đặt ở nơi quan yếu, ra chỉ thị cho các quân thứ Bắc Kỳ phải "tùy trường hợp mà tổ chức chiến đấu"
+ Đầu năm 1883, nghe tin các quân thứ Bắc Kỳ đánh tan tác quân Pháp ở các trận Gia Lâm và Cầu Giấy, Tự Đức phấn chấn và hết lời khen ngợi các quân thứ, khuyến khích quân ta đánh giặc mạnh hơn nữa
+ Tháng 7/1883, Tự Đức thực hiện một quyết định rất sáng suốt là cho vời đại thần Tôn Thất Thuyết làm Thượng thư Bộ binh, sung vào Viện Cơ mật. Được nhà vua đồng ý, Tôn Thất Thuyết củng cố các sơn phòng và biến Tân Sở (Quảng Trị) thành "kinh đô dự bị" thứ hai, đưa các kho báu của triều đình ra Tân Sở. Khi lâm chung, nhà vua làm di chúc cho các đại thần phải giúp đỡ vua mới - thành lập Hội đồng phụ chính gồm ba người: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành; trong đó Tôn Thất Thuyết đứng đầu phái chủ chiến và được nhà vua gia phong thêm chức Đệ tam phụ chính, cùng phụ giúp có "Trấn Bắc tướng quân" Hoàng Tá Viêm
- Xu hướng "chủ hòa":
+ Tháng 6/1862, triều đình ký Hiệp ước 5/6/1862 với 12 khoản. Trong đó, chúng tôi chú ý đến thủ đoạn mà Pháp "trả lại" thành Vĩnh Long củng các "hứa hẹn lâu dài" nhằm hợp pháp hóa việc chúng chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn. Nhà vua bồi thường chiến phí hai lần: lần 1 là lấy từ nguồn thu thuế thuốc phiện ở các tỉnh Trung Bộ (triều đình đánh thuế rất cao), lần 2 là cũng đánh thuế cao và thu về hơn 80 nghìn lạng quan tiền cùng 1 vạn đồng bạc, 10 vạn quan tiền; ra lệnh giải giáp nghĩa quân và cấm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ không được đánh Pháp
+ Năm 1862 đến 1863, Tự Đức cử hai sứ đoàn do Võ Phẩm, Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc đất, nhưng bất thành
+ Năm 1865 đến 1866, nhà vua mật bàn với các đại thần nhằm trao đổi đất đai: đổi 3 tỉnh miền Tây để lấy 3 tỉnh miền Đông, thậm chí đổi ba tỉnh miền Tây cộng với Định Tường để đổi Biên Hòa và Gia Định
+ Năm 1871, Pháp bị Phổ đánh bại nhưng Tự Đức chỉ gửi thư "thăm hỏi" chính quyền Pháp để "đánh động" ân tình của họ; không hề thúc đẩy toàn dân chống Pháp
+ Năm 1874, Tự Đức chủ động thương thuyết với Pháp bằng Hiệp ước 15/3/1874 sau khi quân giặc đánh thành Hà Nội vào tháng 11/1873; trong hiệp ước này thì Pháp trả thành Hà Nội và một số thành lũy khác, nhưng vẫn giữ lại một số thành quách có vị trí chiến lược quan trọng. Bị nhân dân phản đối mạnh, Tự Đức ra sức bào chữa, nhưng không thoát tội khi ông ta ghi: "Trẫm nghĩ một chữ "hòa" có thể làm quốc sách mà thôi"

- Vài nhận xét rút ra:
+ Tự Đức áp dụng đồng thời hai giải pháp: chủ chiến và chủ hòa. Lúc đầu, Tự Đức áp dụng chủ chiến (1858 - 1862). Sau Hiệp ước 1862, tuy "chủ hòa" có phần thắng thế, nhưng Tự Đức vẫn tồn tại ý thức phản kháng. Sau thập niên 70 trở đi, xu hướng chủ chiến mạnh hơn và lên đỉnh điểm khi nhà vua phong Tôn Thất Thuyết làm Thượng thư Bộ binh, đứng đầu phái chủ chiến và có lực lượng quân sự khá mạnh mẽ
+ Về quan hệ cá nhân, lúc đầu Tự Đức chịu ảnh hưởng của các đại thần chủ hòa như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Trương Đăng Quế..... Càng lấn sau vào kháng Pháp, nhà vua ngày càng có cảm tình với các đại thần chủ chiến và gia tăng quyền lực cho họ. Là người có thể chất yếu đuối và không có tài quân sự, Tự Đức khâm phục tài năng của các thủ lĩnh nghĩa quân và các tướng lĩnh chủ chiến. Cho dù xu thế chủ hòa vượt trội hơn, nhưng bản thân thể chất yếu đuối và hay sợ sệt, nên Tự Đức không kiên định với các quyết định của mình. Có lẽ nhà vua "nể" các đại thần chủ hòa hơn vì lẽ họ đã phục vụ cho tiên vương nhiều năm, thuộc nằm lòng các tư tưởng Nho giáo lỗi thời với trật tự sắt đá và có uy tín, quyền lực khá lớn... nên những lời nói của họ không thể không bị nhà vua phải nghe theo. Nếu như đại thần chủ hòa Nguyễn Bá Nghi "trừ một chước hòa tôi xin chịu tội" thì Nguyễn Công Nhàn lại "giặc đến bên Tranh run cầm cập - tàu vô cửa Tiểu chạy bò càng". Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Trương Đăng Quế..... đều quyết hòa ở nhiều mức độ khác nhau. Với các lý do trên, Tự Đức không dám có các quyết định chính xác cho vận mệnh đất nước, chỉ kiên định theo "trì cửu" và nói nhiều hơn làm, thiếu tự tin
+ Thiếu tự tin nên Tự Đức không kiểm soát được quân đội, không cai quản được đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông ta sợ vũ khí tối tân của bọn thực dân và hi vọng rằng, thương lượng sẽ giúp chặn đà xâm lăng của bọn Pháp. Trong thâm tâm Tự Đức nghĩ rằng nếu không thương lượng, đất đai vẫn bị mất và quan hệ Việt - Pháp sẽ căng thẳng hơn. Bị ràng buộc bởi chữ "tín" trong Nho giáo, Tự Đức không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận mọi điều kiện của kẻ địch đưa ra
+ Thế kỷ XIX, dân tộc ta đứng trước một kẻ thù hơn hẳn về trình độ phát triển. Chúng kết hợp khéo giữa đánh và đàm; giỏi đóng kịch khi đàm phán với ta nên các phái đoàn của ta bị "thôi miên" bởi những lời hứa "đánh chiếm thành rồi trả thành, hứa hẹn giúp đỡ" của quân giặc, buộc phải ký hiệp ước cho Pháp
=> Tóm lại, Tự Đức đan xen giữa chủ hòa và chủ chiến - mặc dù xu hướng chủ chiến có ưu thế hơn. Trước đây người ta giải thích là do giai cấp thống trị không bao giờ từ bỏ địa vị thống trị của nó. Theo quan điểm hiện nay, chính lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã tiếp thêm ý chí kháng Pháp của nhà vua. Là người giỏi về lịch sử dân tộc nên Tự Đức ý thức được danh dự của triều đại mình. Nhưng sự thối nát của triều đại và sự nhu nhược của bọn quan lại làm nhà vua trở lên bất lực và hèn yếu; không tin tưởng dân và thế là cái kết về sau cũng được biết rõ.....

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb KHXH, Hà Nội, 1973
2. Hoàng Văn Lân và Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam, quyển 3, tập 1 (phần 1), Nxb GD, Hà Nội, 1974
3. Ca Văn Thỉnh, Văn thơ yêu nước Nam Bộ (phần: văn thơ Trung - Nam - Bắc phản ánh cuộc kháng chiến), Nxb Văn hóa, 1974
 
Last edited:

minhthu2k5

Học sinh tiến bộ
Thành viên
31 Tháng năm 2018
1,070
1,095
201
Quảng Nam
Hogwarts
Năm 1877, triều đình Huế cứ sứ đoàn sang cầu viện nhà Thanh. Quân Thanh tiến nhanh sang nước ta làm nhà vua tỏ nhiều thái độ cứng rắn hơn với Pháp. Nhưng quân Thanh không có quyết tâm đánh Pháp và vua Thanh nuôi âm mưu chia nhau quyền lợi với Pháp, nên Tự Đức bèn thôi
Đây là một việc làm phi lí của nhà Nguyễn vì theo em biết thì lúc này nhà Thanh đang bị các nước để quốc tranh nhau chia sẻ chiếc bánh ngọt này, thân họ còn lo chưa xong sao lại lo cho mình được.
Sau khi Hiệp ước 1862 được ký kết. Khi Trương Định phất cờ kháng Pháp, nhà vua hết sức ủng hộ và khen ông là "Lòng người như thế cũng là một sự giúp cho mưu tính lấy lại".
ý này em thấy hơi lạ, nếu nhà vui khen Trương Định thì tại sao lại gọi Trương Định về không cho đánh Pháp nữa chứ?
 

Đỗ Anh Thái

Học sinh tiến bộ
Thành viên
8 Tháng năm 2016
624
1,360
171
Hà Nội
THPT HVT
Đây là một việc làm phi lí của nhà Nguyễn vì theo em biết thì lúc này nhà Thanh đang bị các nước để quốc tranh nhau chia sẻ chiếc bánh ngọt này, thân họ còn lo chưa xong sao lại lo cho mình được.

ý này em thấy hơi lạ, nếu nhà vui khen Trương Định thì tại sao lại gọi Trương Định về không cho đánh Pháp nữa chứ?
nếu nhà vua mà khen và gọi trương định về đánh pháp thì pháp sẽ thấy nhà vua không hợp tác thì nhà vua sẽ bị đi đày hoắc tử hình hay căng hơn là dồn tấn công tổng lực vào kinh thành
 
  • Like
Reactions: Thái Minh Quân
Top Bottom