Tố Hữu - Từ ấy - Việt Bắc

  • Thread starter doigiaythuytinh
  • Ngày gửi
  • Replies 2
  • Views 46,997

D

doigiaythuytinh

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.


TỪ ẤY

<Câu 5đ > Đề bài: Phân tích 4 câu thơ đầu bài thơ “Từ ấy” để làm rõ niềm hân hoan vui sướng của người thanh niên khi được giác ngộ cách mạng

Bài làm:

Dòng đời với những đợt xóng xô bồ đưa con người đến những ngã rẽ, mở ra những con đường mới. Không phải ngẫu nhiên mà những con đường ấy thường hiện lên trong những trang thơ, chạy thẳng vào lòng người làm dấy lên bao niềm suy tư hứng khởi. Tố Hữu cũng có một con đường như thế. Không lãng mạn như con đường tình yêu, không đầy tương lai ước vọng như con đường học vấn, con đường Tố Hữu đã chọn đẫm máu và nước mắt với những khó khăn thử thách lòng người – con đường cách mạng. Như một lăng kính đa diện, “Từ ấy” là sản phẩm phản quang của một tâm hồn hân hoan vui sướng khi tìm thấy lí tưởng của đời mình

Tố Hữu đã từng tâm sự:

“Tôi sinh ra chưa được làm người
Nước đã mất cha đã làm nô lệ”

Thật vậy, đó là một đoạn đời buồn của nhà thơ cũng như bao người Việt khác khi đất nước chìm đắm dưới bóng đen thực dân phong kiến. Hiện thực ấy như mũi dao nhọn cắm chặt vào tim làm người tri thức trẻ không khỏi đau đau trăn trở. Bởi thế, khi bắt gặp được lí tưởng, chàng thanh niên hẳn phải phấn khởi rạo rực lắm.Để rồi, dấu ấn để lại của ngày được chính thức đứng vào hàng ngũ cách mạng vẫn in đậm trong tâm trí nhà thơ. “Từ ấy” đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Gác lại bút mực xanh, bỏ qua bao hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp ở một ngôi trường danh giá, Tố Hữu tìm cho mình một lối đi khác bao bạn bè đồng khóa trong nỗi “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”. Nếu tâm hồn học trò nhạy cảm với bao oan trái bất công trong xã hội thì tinh thần thép của một ngươi con yêu nước lại góp phần tiếp sức mạnh của chàng thanh niên trẻ tuổi. Nếu có người tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới mộng tưởng, có người còn “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước” thì Tố Hữu đã chọn được con đường của đời mình, không để “nước trôi” trong vô nghĩa. Và sau bao tháng ngày tìm kiếm, nhà thơ đã tìm được lí tưởng của đời mình, đã được Đảng soi sáng lối đi. Hãy lắng nghe nỗi lòng của ông từ lời bộc bạch chân thành:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Bài thơ mở đầu với “từ ấy”, như một độ lùi thời gian hữu hạn . “Từ ấy”,tuy đã thuộc về quá khứ nhưng với nhân vật trữ tình, cái thời điểm ấy vẫn hiện lên rõ nét với những hồi tưởng thật tươi nguyên, đẹp đẽ. Nó khép lại một chặng đường cũ để mới ra một trang đời mới: “Từ ấy...” Nhà thơ đã dùng các động từ “bừng” và “chói” để diễn tả trạng thái tâm hồn; một chút giật mình chột dạ; một chút hứng khởi khi cuộc sống nhàm tẻ được bừng sáng, khi con tim được bơm đầy sức sống. Không phải những tia nắng mùa xuân ấm áp, duyên dáng, “nắng hạ” mang ánh vàng rực rỡ, chói lòa khiến con người không khỏi bỡ ngỡ ngượng ngùng. Ánh nắng ấy được vầng thái dương ban phát muôn loài, để vạn vật được tồn tại và cống hiến hết mình cho cuộc đời. Không chỉ là mặt trời của thiên nhiên vũ trụ mà là mặt trời chân lí. Vầng thái dương không chỉ mang lại sự sống cho vạn vật mà còn soi đường cho khát khao, ước vọng. Một con người bấy lâu cứ “vẩn vơ” theo cái vòng “quanh quẩn” nay bỗng tìm được hướng đi đích thực của đời mình thì hẳn phải háo hức lắm. Quả thật, lí tưởng là ngọn đường chỉ lối, là ngọn hải đăng giữa đại dương rộng lớn; mà phải rất tỉnh táo ta mới có thể nhận ra và hết sức nhẫn nại, nỗ lực mới có thể với tay đến nó. Tổ Hữu đã đón nhận lí tưởng bằng cả trái tim nồng nhiệt muốn tận hiến cho đất nước và nhân dân, để nó “chói qua” và chiếm giữ toàn bộ con tim mình. Trong phút giây hứng khởi đến đỉnh điểm, tâm hồn nhà thơ trở thành một “vườn hoa lá” với thoảng mùi “hương” và rộn ràng “tiếng chim”. Tưởng như, “hồn tôi” đang ngập tràn mùa xuân, với sức sống tràn đầy. Nếu cho rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi reo vang âm thanh và ngào ngạt hương vị thì Tố Hữu đã đạt được điều kỳ diệu ấy.

Bằng những nét tự sự xen lẫn trữ tình và cách hướng nội tinh tế, đoạn thơ là thế giới nội tâm với những cung bậc cảm xúc của con người khi giác ngộ lí tưởng. Hẳn đang phấn khởi, rạo rực lắm Tố Hữu mới có được những hình ảnh thơ giàu sức sống, giọng điệu hào hứng như thế.

“Từ ấy” như bản tuyên ngôn về nghệ thuật, lẽ sống của Tố Hữu, mở đường cho sự nghiệp thơ ca và cắm mốc cho con đường cách mạng của nhà thơ.Hay chăng, đây là khúc hát hân hoan của người thanh niên được bắt gặp lí tưởng của đời mình:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim....”
 
Last edited by a moderator:
D

doigiaythuytinh


<Câu 2đ> Những nét chính trong sự nghiệp sáng tác và phong cách nghệ thuật Tố Hữu:

(Sưu tầm + Chọn lọc + Biên soạn)


1.Sự nghiệp sáng tác:

Tố Hữu (1920-2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nơi xứ Huế mộng mơ. Là cánh chim đầu đàn của thơ ca cáh mạng Việt Nam, ở Tố Hữu, ta thấy được sự kết hợp hài hòa giữa con người chính trị và con người nghệ sĩ, sự gắn bó thống nhất giữa sự nghiệp cách mang và con đường thơ ca. Thơ Tố Hữu là sự tái hiện chân thực mà sống động từng chặng đường đấu tranh của dân tộc, đồng thời thiện hiện những chuyển biến trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.

- “Từ ấy” (1937-1946) gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng tương ứng với ba chặng đường trong mười năm đầu hoạt động cách mạng của nhà thơ. Nếu “Máu lửa” ra đời trong những ngày tháng Tố Hữu còn ngồi trên ghế nhà trường, thể hiện niềm hân hoan khi bắt gặp lí tưởng (Từ ấy,…), sự cảm thông với những người dưới đáy xã hội ( Lão đầy tớ, Cô gái giang hồ, Em bé đi,…); “Xiềng xích” là bản quyết tâm thư của người lính cách mạng, niềm khao khát tự do và hành động (Trăng trối, Con cá chột nưa,..) thì “Giải phóng” là khúc khải hoàn của niềm “vui bất tuyệt” ngày độc lập.

-“Việt Bắc” (1947-1954) là bản anh hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng, ca ngợi cuộc sống mới và con người kháng chiến (Lên Tây Bắc, Ta đi tới,…)

- Bước vào thời kì đất nước bị chia cắt, “Gió lộng” (1955-1961) thể hiện niềm tự hào, tin tưởng vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc và bày tỏ tình cảm thiết tha với miền Nam ruột thịt (Mùa thu mới, Tiếng chổi tre,…)

-Trong những năm dài chống Mĩ, “Ra trận” (1962-1972) , “Máu và hoa” (1972-1977) là lời cổ vũ chiến đấu, biểu dương những anh hùng và niềm vui ngày giải phóng (Ê-mi-li con, Đường vào,..)
Mang đậm tính chất chính luận và sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng anh hùng ca

- “Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999) bày tỏ những suy nghĩ của tác giả về cuộc đời và lẽ sống (Anh cùng em, Một tiếng đờn,…)

2. Phong cách sáng tác:


a. Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị sâu sắc. Tố Hữu ít nói đến những vấn đề đời tư mà thường đề cập đến cái ta chung của tập thể, cộng đồng. Bao trùm thơ Tố Hữu là vấn đề lí tưởng, lẽ sống: lẽ sống cách mạng, lẽ sống cộng sản, vì mục đích chung cảu đất nước. Đi liền với lẽ sống lớn là tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mang đối với lãnh tụ, nhân dân, đất nước.

b. Thơ Tố Hữu mang khuynh hướng sử thi. Nhà thơ chủ yếu quan tâm đến những vấn đề sống còn của đất nước. Cảm hứng của Tố Hữu là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự đời tư, với những con người mang phong cách tiêu biểu cho cả cộng đồng.

c. Thơ Tố Hữu có giọng điệu tâm tình ngọt ngào, đầy tình thương mến. Lớn lên trong cảnh “phận nghèo, nước mất, dân nô lệ”, xuất phát từ quan niệm về thơ: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình- Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”, tuy nói về những vấn đề chính trị nhưng thơ Tố Hữu lại như “thơ của một tình nhân”, đầy niềm say đắm. Điều này được thể hiện qua các hô ngữ, câu cảm thán, cách xưng hô: “anh em ơ”, “đồng bào ơi”,…

d. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Điều đó được thể hiện qua những thi liệu quen thuộc, gần gũi như phong cảnh quê hương đất nước, con người bình dân… và ngôn ngữ giản dị dễ hiểu. Tính dân tộc còn được thể hiện ở thể thơ lục bát, thơ 7 chữ được biến hóa linh hoạt; cùng với nhiều biện pháp tu từ cổ điển được sử dụng nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại. Giọng thơ đầy tính nhạc điệu.

*Với những phong cách đa dạng, hấp dẫn và sâu sắc nói trên, Tố Hữu xứng đáng là “ngọn cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”. Tố Hữu là nhà thơ cách mạng và thơ của ông là vũ khí đắc lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng

--------


Các tư liệu có thể dẫn chứng:


-“Phận nghèo, nước mất, dân nô lệ

-“Ôi hai tiếng đồng bào Tổ quốc
Đến hôm nay mới thuộc về ta” (Tố Hữu)

-“Sống là hành động, thơ cũng hành động. Với Tổ Hữu, thơ là hình thức tươi đẹp nhất của hoạt động cách mạng, của sự sống” (Đặng Thai Mai)

- “Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng, chứ không phải thơ tình yêu…Nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân, anh nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm. Cái sức mạng lớn nhất của Tố Hữu là quả tim anh” (Chế Lan Viên)

- “Tôi sinh ra chưa được làm người
Nước đã mất cha đã làm nô lệ” (Tố Hữu)
 
X

xungba_giangho

Phân tích bài thơ Việt Bắc

Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao của thơ tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử: tháng 10 năm l954, những người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân - tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm tính dân tộc.Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.


Hoàn cảnh sáng tác tạo nên một sắc thái tâm trạng đặc biệt, đầy xúc động bâng khuâng: Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.... Đó là cuộc chia tay của những người từng sống gắn bó suốt mười lăm năm ấy, có biết bao kỉ niệm ân tình, từng sẻ chia mọi cay đắng ngọt bùi, nay cùng nhau gợi lại những hồi ức đẹp đẽ, khẳng định nghĩa tình thuỷ chung và hướng về tương lai tươi sáng. Chuyện ân tình cách mạng đã được Tố Hữu khéo léo thể hiện như tâm trạng của tình yêu lứa đôi.

Diễn biến tâm trạng như trong tình yêu lứa đôi được tổ chức theo lối đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca, bên hỏi, bên đáp, người bày tỏ tâm sự, người hô ứng, đồng vọng. Hỏi và đáp đều mở ra bao nhiêu kỉ niệm về một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, mở ra bao nhiêu nỗi niềm nhớ thương. Thực ra, bên ngoài là đối đáp, còn bên trong là độc thoại, là sự biểu hiện tâm tư, tình cảm của chính nhà thơ, của những người tham gia kháng chiến.

Qua hồi tưởng của chủ thể trữ tình, cảnh và người Việt Bắc hiện lên thật đẹp. Nỗi nhớ thiết tha của người cán bộ sắp về xuôi đã khắc sâu thiên nhiên núi rừng Việt Bắc vời vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa thơ mộng, thi vi, gợi rõ những nét riêng biệt, độc đáo, khác hẳn những miền quê khác của đất nước. Chỉ những người đã từng sổng Việt Bắc, coi Việt Bắc cũng là quê hương thân thiết của mình mới có nỗi nhớ thật da diết, những cảm nhận thật sâu sắc, thấm thía về ánh nắng ban chiều, ánh trăng buổi tối, những bản làng mờ trong sương sớm, những bếp lửa hồng trong đêm khuya, những núi rừng sông suối mang những cái tên thân thuộc - tất cả là khoảng thời gian và không gian lóng lánh kỷ niệm :

Nhớ gì như nhớ người yêu
………………….
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Nhưng có lẽ đẹp nhất trong nỗi nhớ về Việt Bắc là sự hoà quyện thắm thiết giữa cảnh với người, là ấn tượng không thể phai mờ về những người dân Việt Bắc cần cù trong lao động, thuỷ chung trong nghĩa tình :

Ta về, mình có nhớ ta
……………………..
Nhớ ai Tiếng hất ân tình thuỷ chung

Có thể thấy thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với bao vẻ đẹp thật đa dạng, phong phú, sinh động, thay đổi theo từng thời tiết, từng mùa.
Gắn bó với từng khung cảnh ấy là hình ảnh những con người bình thường người đi làm nương rẫy, người đan nón, người hái măng,... .Bằng những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mình, họ đã góp phần tạo nên sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến. Chính nghĩa tình của nhân dân với cán bộ, bộ đội, sự đồng cảm và san sẻ, cùng chung mọi gian khổ và niềm vui, cùng gánh vác mọi nhiệm vụ nặng nề, khó khăn,... tất cả càng làm Việt Bắc thêm ngời sáng trong tâm trí của nhà thơ. Việt Bắc – đó là hình ảnh những mái nhà “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”, là hình ảnh người mẹ trong cái “nắng cháy lưng- Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”, là những tháng ngày đồng cam cộng khổ :

Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng,...

Có thể nói, âm hưởng trữ tình vang vọng suốt bài thơ đã tạo nên khúc ca ngọt ngào, đằm thắm của tình đồng chí, nghĩa đồng bào, của tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu đời.

Theo dòng hồi tưởng của chủ thể trữ tình, bài thơ dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu với không gian núi rừng rộng lớn, những hoạt động tấp nập, những hình ảnh hào hùng, những âm thanh sôi nổi, dồn dập, náo nức. Cách mạng và kháng chiến đã xua tan vẻ âm u, hiu hắt của núi rừng, đồng thời khơi dậy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Bài thơ tràn đầy âm hưởng anh hùng ca, mang dáng vẻ một sử thi hiện dại, bởi vì chỉ cần phác hoạ khung cảnh hùng tráng ở Việt Bắc, Tố Hữu đã cho thấy khí thế vô cùng mạnh mẽ của cả một dân tộc đứng lên chiến đấu vì Tổ quốc độc lập, tự do :

Những đường Việt Bắc của ta
…………………………….
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Dân tộc ấy đã vượt qua bao thiếu thốn, gian khổ, hi sinh để lập nên những kì tích, những chiến công gắn với những địa danh: Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng, Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên,... Nhưng Tố Hữu không chỉ miêu tả khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến mà còn đi sâu lí giải những cội nguồn sức mạnh đã dẫn tới chiến thắng. Đó là sức mạnh của lòng căm thù: Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai, sức mạnh của tình nghĩa thuỷ chung: Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của sự hoà quyện gắn bó giữa con người với thiên nhiên - tất cả tạo thành hình ảnh đất nước đứng lên :

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
…………………………
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

Đặc biệt, với những lời thơ trang trọng mà thiết tha, Tố Hữu đã nhấn mạnh, khẳng định Việt Bắc là quê hương của Cách mạng, là căn cứ địa vững chắc, là đầu não của cuộc kháng chiến, nơi hội tụ bao tình cảm, suy nghĩ, niềm tin và hi vọng của mọi người Việt Nam yêu nước. Trong những năm tháng đen tối trước Cách mạng, hình ảnh Việt Bắc hiện dần từ mờ xa (mưa nguồn suốt lũ, những mây cùng mù )đến xác định như một chiến khu kiên cường, nơi nuôi dưỡng bao sức mạnh đấu tranh, nơi khai sinh những địa danh sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc :

Mình về,còn nhờ núi non
………………………
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.

Trong những ngày kháng chiến gian lao, Việt Bắc là nơi có Cụ Hồ sáng soi, có Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công. Để khẳng định niềm tin yêu của cả nước với Việt Bắc, Tố Hữu lại dùng những vần thơ rất mộc mạc, giản dị mà thắm thiết nghĩa tình :

Ở đâu đau đớn giống nòi
……………………….
Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà .

Nghệ thuật biểu hiện của bài thơ đậm đà tính dân tộc. Điểm đáng chú ý trước hết là Tố Hữu đã phát huy được nhiều thế mạnh của thể lục bát truyền thống. Cấu tứ của bài thơ là cấu tứ ca dao với hai nhân vật trữ tình là ta và mình, người ra đi và người ở lại hát đối đáp với nhau. Trong cuộc hát đối đáp chia tay lịch sử này, người ở lại lên tiếng trước, nhớ về một thời xa hơn, thời đấu tranh gian khổ trước Cách mạng, sau đó người ra đi nối tiếp nhớ lại kỉ niệm thời chín năm kháng chiến.

Nhà thơ rất chú ý sử dụng kiểu tiểu đối của ca dao, chẳng những có tác dụng nhấn mạnh ý mà còn tạo ra nhịp thuyên chuyển, cân xứng, hài hoà, làm cho lời thơ dễ nhớ, dễ thuộc, thấm sâu vào tâm tư:

Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già;

…Điều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động giao thông mở đường,...

Về ngôn ngữ thơ, Tố Hữu chú ý sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân rất giản dị mộc mạc nhưng cũng rất sinh động để tái hiện lại một thời cách mạng và kháng chiến đầy gian khổ mà dạt dào tình nghĩa. Đó là thứ ngôn ngữ rất giàu hình ảnh cụ thể:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày;
Nắng trưa rực rỡ sao tràng;...

và cũng là thứ ngôn ngữ rất giàu nhạc điệu:

Chày đêm nện cối đều đều suối xa;
Đêm đêm rầm rập như là đất rung;...

Đặc biệt, thơ Tố Hữu sử dụng rất nhuần nhuyễn phép trùng điệp của ngôn ngữ dân gian:

Mình về, mình có nhớ ta;
Mình về, có nhớ chiến khu;
Nhớ sao lớp học i tờ;
Nhớ sao ngày tháng cơ quan,;
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều,...

tất cả tạo ra một giọng điệu trữ tình nghe thiết tha, êm ái, ngọt ngào như âm hưởng lời ru, đưa ta vào thế giới của kỉ niệm và tình nghĩa thuỷ chung.

Bài thơ là khúc ca ân nghĩa, là hồi tưởng đầy xúc động và ân tình của Tố Hữu về chặng đường mười lăm năm đã qua của đất nước (từ khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 đến hoà bình lập lại năm 1954), từ đó mà hướng về tương lai tươi sáng, nhắc nhớ tâm nguyện thuỷ chung. Viết về nghĩa tình dân tộc và hướng về đồng bào mình, Tố Hữu đã phát huy được hình thức nghệ thuật mang tính dân tộc, trong đó nổi bật là cách sử dụng thể thơ lục bát và ngôn ngữ thơ đậm sắc thái dân gian. Có thể coi Việt Bắc là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của nó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.
 
Top Bottom