phân tích

F

faustvn01

Đề văn yêu cầu phân tích Tấm lòng (tình yêu) đối với quê hương đất nước trong một số bài thơ Mới (cụ thể là ba tác phẩm).
Trước hết, chúng ta cần có cái nhìn khái quát về bối cảnh lịch sử, văn hóa, văn học của đất nước trong những năm đầu thế kỉ XX, trước Cách mạng tháng Tám 1945. Thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ trên đất nước ta, thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng, yêu nước. Mở các trường học dạy tiếng Pháp để đào tạo đội ngũ viên chức phục vụ cho bộ máy hành chính thuộc địa. Các ấn phẩm văn hóa, trong đó có các tác phẩm văn học, bị kiểm duyệt gắt gao. Đa phần các nhà thơ Mới đều là những thanh niên, nhận một nền giáo dục Tây học với những giá trị, những quan niệm,những tư tưởng phương Tây, được tiếp cận với những nền văn học phương Tây. Những ảnh hưởng, tiếp nhận ấy thể hiện rất rõ trong các tác phẩm Thơ Mới, cả về nội dung và hình thức.

Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà thơ quay lưng lại với vận mệnh dân tộc, thờ ơ trước thời cuộc. Mặc dù họ chưa tìm được con đường Cách mạng để đấu tranh, giải phóng dân tộc (như các nhà thơ Cách mạng mà Tố Hữu là tiêu biểu) nhưng trong họ vẫn luôn luôn ấp ủ một tình yêu đối với đất nước, một sự gắn bó sâu nặng với quê hương. Và tình yêu ấy, tấm lòng ấy, dù được ý thức hay vô thức, vẫn thể hiện ra trong thơ họ, dù kín đáo, xa xôi. Trong ba bài thơ đề yêu cấu phân tích, theo mình có thể nêu ra một số khía cạnh cụ thể của "Tấm lòng với đất nước":
+ Tình yêu đối với thiên nhiên, phong cảnh của quê hương, đất nước:
Đó là tình yêu, sự gắn bó, trân trọng đối với những cảnh vật thân quen, gần gũi, giản dị của làng quê VIệt (Chiều xuân), với dòng tràng giang mênh mông sóng nước hay với thôn Vĩ thân thương, tươi đẹp. Thiên nhiên trong các bài thơ, dù buồn, dù vui, nhưng đều gợi lên vẻ đẹp, sự thân thương của những miền quê đất nước, nó "ca hát quê hương đất nước" - như lời nhận xét của Xuân Diệu với bài Tràng Giang.
(Bạn có thể tập trung phân tích vẻ đẹp thiên nhiên ở các bài thơ).
+ Tình yêu đối với cuộc sống sinh hoạt bình dị hàng ngày.(nổi bật nhất là bài thơ Chiều xuân)
+ Nỗi buồn man mác, "vô cớ", hay trĩu nặng, mênh mang cũng thể hiện nỗi ưu tư trước thời cuộc, trước tình cảnh xã hội. Nỗi buồn đã tiểu biểu cho cả một thế hệ các nhà thơ Mới. Đất nước bị thực dân xâm chiếm, bản thân nhà thơ cũng chịu chung số phận nô lệ như những người dân khác. Buồn bã, cô đơn là tâm trạng, cũng là cách phản ứng của các nhà thơ mới trước thực tại (một hình thức phản ứng dù không mạnh mẽ quyết liệt nhưng cũng là sự phủ nhận thực tại, không cam chịu làm "bồi bút" cho chính quyền thực dân). Bài Tràng giang rất tiêu biểu cho khía cạnh này (nhà thơ cảm thấy cô đơn, trơ trọi, lạc lõng, trở thành người "lữ khách" ngay trên chính quê hương mình).
+ Tình yêu và sự trân trọng đối với tiếng Việt. Các nhà thơ đã sử dụng thứ tiếng mẹ đẻ một cách thành thục, nhuần nhị để diễn tả những trạng thái tâm lí tinh tế, sâu kín của tâm hồn. Đây cũng là một đặc điểm thể hiện tình yêu, sự gắn bó đối với quê hương đất nước của các nhà thơ, đồng thời cũng là một đóng góp của thơ Mới đối với ngôn ngữ dân tộc.

Đó mới chỉ là một vài ý mình nêu ra, mong bạn tiếp tục bổ sung để có được một bài viết ưng ý.
 
Top Bottom