[Ngữ Văn 12]Chiếc thuyền ngoài xa

L

l0v3_sweet_381

- Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo yêu cầu của trưởng phòng, anh đã đến một vùng biển miền Trung, nơi phong cảnh “thật là thơ mộng”, để chụp bổ sung vào bộ ảnh lịch một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Và anh đã phát hiện thấy “một cảnh “đắt” trời cho”, cảnh “chiếc thuyền ngoài xa” với đường nét, màu sắc “đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, anh “tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong ngần, ngập tràn hạnh phúc trước “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, khiến anh chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Nhưng ngay sau đấy, anh bất ngờ chứng kiến đến hai lần cái cảnh bạo hành tồi tệ, dã man, nhức nhối của chính cái gia đình sống trên chiếc thuyền “thơ mộng” đó. Trước nghịch cảnh ấy, điều gì đang “vỡ ra” trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng? Phải chăng đó là cái vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng thường che lấp cái sự thực bên trong? Bởi vậy, người nghệ sĩ sẽ không bao giờ hiểu thấu được sự thực ở đời nếu chỉ nhìn cuộc sống từ ngoài, từ xa. Và, nghệ thuật chỉ “chụp ảnh” cái bề ngoài là một thứ nghệ thuật giả dối, phi đạo đức. Không chỉ có vậy. Chứng kiến câu chuyện người đàn bà hàng chài kể lể ở tòa án, Phùng còn vỡ lẽ thêm nhiều điều khác. Thì ra, ở người đàn bà hàng chài, đằng sau sự nhẫn nhục chịu đựng xúc phạm, hành hạ, là đức hi sinh lớn lao của tình mẫu tử; đằng sau vẻ ù lì thất học, lại là một người "thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời"… Và, khuất sau hành vi côn đồ, vô đạo của thằng con đánh bố, là tình thương sâu nặng dành cho người mẹ. Chưa hết, điều vỡ lẽ bất ngờ, sâu sắc hơn ở Phùng là những nhận thức về cái lão hàng chài "độc ác và tàn nhẫn nhất thế gian". Ban đầu, với nhận thức giản đơn Phùng đinh ninh cái xấu cái ác ở lão có nguồn gốc từ phía địch, hoặc từ rượu chè hay từ bản tính của lão. Hóa ra không phải. Lão không đi lính ngụy mà trốn lính. Rượu chè cũng không. Bản tính lão vốn “cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ". Và bây giờ, mỗi khi đánh vợ, lão cũng "rên rỉ đau đớn". Không phải từ bản tính, từ rượu chè, từ phía địch. Vậy thì từ đâu? Hóa ra, cái ác cái xấu ở lão là do lão bị cầm tù trong cuộc sống quẩn quanh, đói khổ, trong tập quán lạc hậu, khiến bị thui chột ý thức về nhân phẩm, về giá trị người, giá trị sống, cho nên lão chà đạp lên nhân phẩm, giá trị người mà vẫn không hay biết. Hóa ra, lão đàn ông vừa là tội phạm, lại vừa là nạn nhân. Đối mặt với những sự thực ấy, điều gì đang “vỡ ra” trong đầu nghệ sĩ Phùng? Phải chăng người nghệ sĩ nếu chỉ nhìn nhận giản đơn, sơ lược thì không thể phát hiện được cái khuất lấp, cái bề sâu của cuộc đời và con người. Bởi vậy, người nghệ sĩ phải biết dấn thân vào cuộc đời, phải có cái nhìn bề sâu, đa diện, nhiều chiều mới có thể phát hiện ra sự thật và cái đẹp thường bị che lấp bởi cái vẻ đẹp bên ngoài, cái xấu bề nổi của cuộc sống và con người.

- Đẩu là một vị chánh án huyện, vốn trước đây là một người lính, nên với lối nghĩ thời chiến, anh tin luật pháp công bằng và thiện chí của mình sẽ giúp thay đổi số phận người đàn bà hàng chài. Anh đã giáo dục, răn đe chồng bà ta nhiều lần nhưng không mấy kết quả. Thấy "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng", anh nghĩ bà ta “không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy” nên đành gợi ý bà ta bỏ chồng để khỏi bị hành hạ. Nhưng bà ta vẫn khăng khăng gắn bó, lạy lục van xin đừng bắt bỏ chồng. Đẩu đã phải thốt lên "không thể nào hiểu được!". Đến khi thấu hết lời người đàn bà hàng chài, trong đầu vị chánh án cấp huyện ấy có “một cái gì vừa mới vỡ ra”. Cái điều “vỡ ra” ấy, phải chăng là anh đã có thể hiểu được những nghịch lí của đời sống mà con người phải chấp nhận? Phải chăng trong cuộc sống, bao việc tưởng vô lí nhưng xem ra lại có lí riêng; nhiều chuyện ngỡ đơn giản, kì thực, hết sức phức tạp? Không thể đem thiện chí và ý chí đơn thuần giải quyết mà xong được.


________________

P.s: Chị/Anh không được dùng mực đỏ nhé! Chỉ có mod mới được dùng ^^!
Thân! :)
 
Top Bottom