CLB lịch sử Một số vấn đề về phong trào Cần vương

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Sau khi cuộc phản công ở Kinh thành Huế thất bại(5/7/1885), Tôn Thất Thuyết đưa ông vua trẻ Hàm Nghi cùng triều đình xuất bôn lên Tân Sở; đồng thời hạ chiếu(1) Cần Vương kêu gọi sĩ phu, văn thân, nhân dân đồng lòng đứng lên phò vua giúp nước đánh đuổi ngoại xâm. Từ đây; một phong trào yêu nước diễn ra rộng rãi với khu vực ảnh hưởng sôi nổi nhất ở Bắc và Trung Kỳ bùng nổ-phong trào Cần Vương. Kéo dài từ năm 1885 đến năm 1896 với hai giai đoạn chủ yếu là trước và sau khi vua Hàm Nghi bị bắt; phong trào đã chứng kiến hàng loạt các cuộc khởi nghĩa, nổi dậy hưởng ứng của các tầng lớp đi theo tư tưởng Cần Vương khiến quân đội Pháp bao phen thất điên bát đảo. Và khi tiếng súng trên núi Vụ Quang của nghĩa quân Hương Khê tắt hẳn(1896) thì cũng là lúc đánh dấu phong trào Cần Vương chấm dứt. Vậy vì lẽ gì mà một phong trào diễn ra sôi nổi với quy mô rộng khắp như vậy sau cùng lại thất bại và sự thất bại ấy đã để lại bài học gì cho những người kế tiếp?

Các cuộc khởi nghĩa của phong trào tuy nổ ra mạnh mẽ nhưng lại chưa thể tập hợp thành một khối thống nhất chống lại quân Pháp mà vẫn mang tính chất đơn lẻ; bởi vậy khó lòng có thể cùng nhau hợp lực tạo nên chiến thắng quyết định mà khi gặp khó khăn lại chẳng có cách nào hỗ trợ lẫn nhau dẫn tới nhanh chóng bị cô lập, dập tắt. Một phong trào muốn thành công thì tất phải quan tâm xây dựng một tổ chức vững chắc; việc chưa thể tạo một cơ sở lãnh đạo vững chắc cho cuộc khởi nghĩa của các thủ lĩnh đã góp phần làm giảm khả năng chiến đấu; không cẩn trọng hành động tạo cơ hội cho những thành phần bị Pháp mua chuộc có cơ hội len lỏi vào sâu bên trong và phá hoại, cung cấp thông tin cũng như giúp địch có cơ hội truy lùng những người lãnh đạo. Các phong trào nổ ra một cách bộc phát nên khi gặp khó khăn về tương quan lực lượng; hay phía Pháp thương lượng ngoại trừ những chí sĩ quyết tâm chiến đấu đến cùng, không ít người đồng ý đầu hàng khiến nghĩa quân đó nhanh chóng tan rã vì thiếu người lãnh đạo. Tư tưởng Tôn Quân phò vua giúp nước tuy rằng đã thành công trong việc kêu gọi mọi người đứng lên nhưng ở hoàn cảnh giao thời, bản lề của cả Thế giới và Việt Nam lúc bấy giờ thì nó không còn phù hợp để duy trì, phát triển nữa. Những bất đồng trong quan hệ với dân chúng, giáo dân các nơi cũng đã làm suy giảm lực lượng, lòng tin và sự thuyết phục của các phong trào.

Trong khi quân Pháp có súng ống đạn dược tối tân thì các nghĩa quân hầu như đều sử dụng vũ khí thô sơ nên khó có khả năng chống cự khi tấn công-phòng thủ; nghĩa quân của Phan Đình nguyên(2) tuy có chế được ra kiểu súng tương tự mẫu súng của Pháp nhưng về khả năng sát thương vẫn khó lòng địch lại. Các cuộc khởi nghĩa không đủ mạnh và lực lượng còn yếu nên chỉ có thể tận dụng tấn công bất ngờ vào những đồn, tốp có sơ hở của địch chứ không thể đánh trực diện; vì vậy nhiều trận đánh tuy thành công nhưng vẫn chưa thể giúp ta có thế áp đảo và sau đó khi quân Pháp được tăng cường trở lại thì buộc lòng phải bỏ những cứ điểm chiếm được bởi khó lòng chống giữ lâu dài.

Phong trào Cần Vương tuy thất bại; nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về cách để duy trì và phát triển một phong trào sao cho vừa lớn mạnh nhưng phải chắc chắn, vững vàng. Từ cách tổ chức, liên kết tất cả mọi lực lượng, bảo đảm an toàn thông tin đến đường lối chiến thuật, trang bị vũ khí... mọi điều đạt và chưa đạt ở Cần Vương đều sẽ cho ta những kinh nghiệm để có thể áp dụng, hoàn thiện cho phù hợp. Đồng thời sự kết thúc của Cần Vương cũng cho cho thấy xu hướng xã hội tất yếu và phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam rồi đây sẽ không thể tiếp tục đi theo con đường phò vua giúp nước một lòng trung thành, hệ tư tưởng Tôn Quân của nền chính trị phong kiến quân chủ sẽ không thể tiếp tục được áp dụng cho những cuộc cách mạng sau này nữa, thay vào đó là một hệ tư tưởng, một con đường lãnh đạo hoàn thiện, vững chắc hơn; và lịch sử Việt Nam rồi sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những phong trào, những con đường hoàn toàn mới ấy.

Chú thích:
(1)Hiện có những tài liệu, quan điểm ghi nhận chỉ có dụ Cần Vương chứ không phải chiếu Cần Vương.
(2)Tức Phan Đình Phùng

Tài liệu tham khảo:
-Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)-Nguyễn Xuân Thọ-Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018.
-Chống xâm lăng-Trần Văn Giàu-Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
-Đại cương Lịch sử Việt Nam-Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn-Nhà xuất bản Giái dục, 2015.
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX-Đào Duy Anh-Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, 2018.
-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX-Lê Thành Khôi-Nhà xuất bản Thế Giới, 2016.
-Lịch sử Việt Nam tập III-Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh-Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2016.
-Lịch sử Việt Nam tập VI từ năm 1858 đến 1896-Võ Kim Cương, Hà Mạnh Khoa, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Thị Thu Hằng-Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2013.
-Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885)- Yoshiharu Tsuboi-Nguyễn Đình Đầu dịch-Nhà xuất bản Tri Thức, 2017.
-Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim-Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017.
-Việt sử tân biên tập V-Phạm Văn Sơn-Cơ sở xuất bản Đại Nam.

Nguồn: Trung Nguyễn
 

Attachments

  • inbound5253347095151854727.jpg
    inbound5253347095151854727.jpg
    50.8 KB · Đọc: 40
Top Bottom