Kinh nghiệm viết một bài văn hay!

R

ruoi_vip

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Thầy Lê Văn Ca

Tôi không phải là một ngưới sáng tác văn học. Tôi chuyên viết các bài tiểu luận, phê bình văn học. Vậy kinh nghiệm viết một bài văn nói ở đây là kinh nghiệm viết một bài tiểu luận, phê bình văn học.
Tiểu luận, phê bình văn học có thể có nhiều kiểu dạng khác nhau, với nhiều tầm cỡ, nhiều khuôn khổ dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát nhất, có thể gọi chung là thể văn nghị luận văn học.
Nghị luận là bàn luận, là nói lí nói lẽ, là thuyết phục người đọc bằng lập luận lôgic chặt chẽ. Nhưng đối tượng của nghị luận văn học lại là các hiện tượng văn học, các tác phẩm văn chương. Đối tượng này không thể lĩnh hội chỉ bằng lí trí đơn thuần, bằng trí tuệ tỉnh táo. Trong lĩnh vực này, mọi nhận thức chỉ có nghĩa lí khi kết hợp lí trí với tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ. Bêlinxki nói: "Thẩm mĩ không phải là đại số (...) ngoài trí thông minh và học vấn còn đòi hỏi cảm xúc về cái đẹp". Hoài Thanh thì quan niệm, hiểu thơ là đồng cảm với tâm hồn thi sĩ. Vì thế ông chủ trương "lấy hồn tôi để hiểu hồn người".
Vậy nghị luận văn học là thuyết phục người đọc bằng lí trí, bằng lập luận, bằng chứng minh theo những quy tắc lôgic. Nhưng lí lẽ ấy phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức văn chương bằng cả tâm hồn rung lên trước những hình tượng đẹp. Người viết nghị luận văn học, vì thế phải có hai điều kiện chủ quan: tư duy lôgic va năng lực thẩm văn tương đối khá. Và một bài nghị luận văn học hay cũng phải thể hiện được hai năng lực ấy. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở các phần sau.

I. KINH NGHIỆM LẬP Ý:

Kinh nghiệm viết một bài văn nói ở đây, tất nhiên là kinh nghiệm viết một bài văn hay.
Một bài văn nghị luận văn học hay trước hết phải có ý hay. Ý hay là ý đúng, ý sâu, ý mới, ý riêng. Ý đúng, ý sâu phải là ý của mình mới hay. Cho nên tìm ra ý mới, ý riêng đúng và sâu là công việc quyết định nhất và tất nhiên cũng là khó khăn nhất.
Văn chương không chỉ phản ánh sự sống mà chính nó cũng là sự sống - tất nhiên là nói văn đạt phẩm chất nghệ thuật cao. Người nghệ sĩ tài năng có thể được xem là một tiểu hoá công, nghĩa là tạo ra được sự sống. Một hiện tượng sống thì bao giờ cũng phong phú, đa chiều, đa dạng, đa diện và vì thế đa nghĩa. Cho nên người ta nói một áng văn hay là một áng văn không có đáy, nghĩa là khai thác mãi vẫn không cạn ý, cũng không hết nghĩa. Và mỗi độc giả, do vốn sống, vốn văn hoá, trình độ thẩm mĩ khác nhau, có thể phát hiện ra ở cùng một tác phẩm văn học những vẻ đẹp khác nhau và những ý nghĩa khác nhau. Cái gọi là ý mới, ý riêng của người viết bài nghị luận văn học chính là ở đấy mà ra.

Dưới đây là một số kinh nghiệm tìm ý, lập ý:

1. Rút ra nhận xét khái quát từ những hiện tượng "ám ảnh" trong thế giới nghệ thuật của nhà văn.

Đó là những hiện tượng được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng nói lặp đi lặp lại thì chỉ có nghĩa thuần tuý về số lượng. Nói "ám ảnh" mới bao hàm phẩm chất của hình tượng, nghĩa là chứa đựng tư tưởng nghệ thuật, chứa đựng tâm huyết của nhà văn.
Thí dụ: Đọc các tác phẩm của Nam Cao, thấy ông hay nói đến hiện tượng con người trước miếng ăn không giữ được nhân phẩm, nhân tính nghĩa là bị biến chất, bị tha hoá (Một bữa no, Quên điều độ, Tư cách mõ, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đòn chồng, Chí Phèo, Sống mòn...). Từ đó, có thể rút ra nhận xét khái quát về tư tưởng chi phối sâu sắc những tác phẩm tiêu biểu của Nam cao: ấy là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ được nhân tính, nhân phẩm do miếng cơm manh áo. Ở tầng lớp trí thức nghèo thì đó là tình trạng chết mòn (Sống mòn hay Đời thừa...); ở người nông dân nghèo, thì là tình trạng chết hẳn về tinh thần, mất hết ý thức về cái nhục (Một bữa no, Tư cách mõ...), hoặc trở thành quỷ dữ (Chí Phèo)... Như thế là khác với Ngô Tất Tố, lên án xã hội cũ đã xô đẩy con người vào nạn đói, vào cái khổ; Nam Cao cũng tố cáo xã hội ấy, nhưng ở chỗ nó lăng nhục con người, huỷ hoại nhân tính, nhân phẩm của con người.


Một thí dụ khác: Nguyễn Công Hoan có sở trường đặc biệt về truyện ngắn trào phúng. Ông tạo ra hàng trăm thiên truyện ngắn rất ngắn và rất vui. Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan thường được tổ chức xoay quanh một mâu thuẫn giữa hai hạng người. Ở những truyện viết về đề tài xã hội, là mâu thuẫn giữa một gã nhà giàu nào đó với một người nghèo. Và Nguyễn Công Hoan đứng hẳn về phía người nghèo để châm biếm, lật tẩy bản chất bất lương, vô liêm sĩ của kẻ giàu có quyền thế cùng tay sai của chúng. Còn ở những truyện viết về đề tài luân lí gia đình, thì lại là mâu thuẫn giữa một nam, một nữ hoặc lớp già, lớp trẻ. Và nhà văn đứng hẳn về phía nam giới và thế hệ già. Ông đả kích rất ác loại phụ nữ gọi là tân thời và lớp thanh niên Âu hoá mà ông cho là đàng điếm, hư hỏng, vô giáo dục.
Hiện tượng nói trên rất phổ biến trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng tháng Tám, gần như không có ngoại lệ. Vì thế cần hết sức lưu ý. Từ những hiện tượng trở đi trở lại với tần số cao ấy có thể rút ra nhận xét khái quát: về thái độ đối với xã hội thực dân, Nguyễn Công Hoan có tinh thần dân chủ khá sâu sắc. Nhưng về quan điểm đạo đức trong quan hệ hôn nhân, gia đình, ông tỏ ra hết sức bảo thủ lạc hậu.

Đọc Vũ Trọng Phụng, thấy ông hay dùng cụm từ "vô nghĩa lí" (đời vô nghĩa lí, loai người vô nghĩa lí, con người vô nghĩa lí, hành vi vô nghĩa lí...). Từ đó có thể phán đoán: con người sính khái quát, triết lí này đã ráo riết đi tìm nghĩa lí cuộc đời mà không hiểu được, đâu đâu cũng chỉ thấy toàn chuyện vô nghĩa lí. Vì thế ông đã rơi vào tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa: định mệnh, số đen, số đỏ, ấy là cách giải thích "thoả mãn" nhất đối với mọi thắc mắc về các hiện tượng vô nghĩa lí trên đời...

Tìm hiểu thơ của Hồ Chí Minh (phần lớn bằng chữ Hán, theo thể tuyệt cú) thấy ở câu cuối, ở phần cuối của bài thơ tác giả thường tô đậm hình ảnh con người hoạt động, sự sống tươi vui, bình minh rực rỡ:
Phương đông màu sắc chuyển sang hồng
Bóng tôí đêm tàn quét sạch không
(Giải đi sớm)
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
(Chiều tối)
Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh
( Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)
Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi
( Buổi sớm)
v.v...
Từ đó có thể kết luận: mạch thơ, hình tượng thơ của Bác Hồ luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.
 
R

ruoi_vip

2. Đề xuất luận điểm từ sự so sánh những đối tượng cùng loại.

Tất nhiên so sánh theo quy tắc logic thì phải so sánh những hiện tượng cùng loại và trên cùng một bình diện.
Hoài Thanh thường lập ý bằng cách này.Thí dụ ông so sánh hình ảnh Hồ Chí Minh trong các bài thơ của Tố Hữu ra đời trong những thời kỳ khác nhau để thấy những đổi mới về nhận thức và phát hiện những sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ ở mỗi tác phẩm. Xuân Diệu cũng làm như thế khi bình thơ Huy Cận. Chẳng hạn ông so sánh hai bài thơ của Huy Cận ra đời trước và sau Cách mạng tháng Tám cùng viết về mưa (Buồn đêm mưa và Mưa xuân trên biển) để thấy những chuyển biến tư tưởng và nghệ thuật của tác giả. Mùa thu, cảnh thu là đề tài của hàng loạt bài thơ kim cổ đặc sắc. Vì thế bình giảng thơ về đề tài này người ta cũng thường lập ý bằng lối so sánh.
Tôi cũng thường lập ý bằng cách đó.
Chẳng hạn so sánh những phát hiện khác nhau của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao về nỗi khổ của người nông dân trong xã hội cũ, qua ba tác phẩm Tắt đèn, Bước đường cùng và Chí Phèo: "Khi Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân dưới ánh đế quốc phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn những nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta thường nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị huỷ hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán chó, bán con, bán sữa...nhưng đời chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình đi để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại ".
Trong văn học Việt Nam, có một đề tài mà nhiều cây bút đề cập đến, đó là vấn đề miếng ăn: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng...So sánh cách tiếp cận khác nhau về miếng ăn của những cây bút ấy, có thể phát hiện được nhiều thú vị. Ngô Tất Tố đề cập đến miếng ăn của người nông dân nghèo là để nói đến nạn đói thê thảm ở nông thôn ta ngày trước. Nam Cao nói miếng ăn là nói cái nhục của con người - miếng ăn là miếng nhục. Nguyên Hồng đề cập đến miếng ăn của người dân nghèo lại phát hiện ra cái tinh tế, sành sỏi riêng của khẩu vị người dân lao động. Còn Nguyễn Tuân lại tiếp cận miếng ăn không như một thực phẩm, mà như một giá trị văn hoá nghệ thuật tinh vi "sang trọng", rất đáng tự hào của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến... Nghĩa là từ một đề tài có vẻ hết sức nhỏ mọn là miếng ăn, nhờ so sánh mà ta có thể phát hiện tư tưởng nghệ thuật rất khác nhau của các tác giả.
Để thấy được đặc sắc của những bức tranh thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu, tôi so sánh với thơ Thế Lữ. Thơ Thế Lữ rất giàu chât hoạ (ông vốn là một hoạ sĩ). Màu sắc trong thơ ông thường rõ ràng, có thể gọi tên ra được:
Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá
Trời trong xanh, chân trời đỏ hây hây...
(...) Trời cao xanh ngắt. Ô kìa !
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai...
Nhưng trên những bức tranh của Xuân Diệu thì hình ảnh, màu sắc rất khó định danh. Có một cái gì không rõ đường viền, là một thứ màu sắc, ánh sáng đang chuyển, đang ở dạng biến thái rất khó nắm bắt:
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
( Xuân Diệu )
Nhưng chính cái hay, cái tài của thơ Xuân Diệu là ở đó, đúng như lời bình của tác giả Thi nhân Việt Nam : "...cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng". Thơ Xuân Diệu tinh vi là ở đấy. Vận dụng kinh nghiệm của trường thơ tượng trưng Pháp, đặc biệt là của Bôđơle, Xuân Diệu muốn ghi lại bằng ngôn ngữ thơ ca những biến thái tinh vi của tạo vật và lòng người. Thậm chí ông còn muốn diễn tả cả những cảm ứng vô hình trong đôi cánh của một con cò trên ruộng:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần...
Một trong những vẻ đẹp độc đáo của thơ nghệ thuật Hồ Chí Minh là màu sắc cổ điển đậm đà. Vì thế , bình thơ Bác, người ta thường so sánh với thơ Đường, thơ Tống. Chẳng hạn Xuân Diệu so sánh bài thơ Nhập Tĩnh Tây huyện ngục của Bác với bài Độc toạ Kính Đình san của Lý Bạch; hoặc như Hoàng Trung Thông so sánh bài Tẩu lộ của Hồ Chí Minh với bài Đăng Quán Tước lâu của Vương Chi Hoán...
Bình bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh tôi cũng lập ý bằng cách so sánh tiếng suối trong thơ Bác với tiếng suối trong bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi: "Ta lắng nghe một tiếng hát từ xa vọng lại. Không, đó là tiếng suối ngân nga trong rừng sâu:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa...
Câu thơ đột nhiên có một dáng điệu trẻ trung rất thích. Hình như người xưa thường nói đàn suối, phách suối, - "Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm" (Nguyễn Trãi) - chứ không nói suối hát chăng? Một hiện tượng rất thực, phù hợp với cảnh vật và sinh hoạt của con người ta lúc bấy giờ ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng lối ví von thoát sáo ấy, đồng thời lại muốn đưa thẳng trí tưởng tượng của nhà thơ vào cõi mơ màng: tiếng suối hay giọng người , âm thanh của tự nhiên hay điệu hát cất lên từ một cõi xa xăm nào giữa rừng khuya lung linh bóng nguyệt?"...

Trong quá trình tìm hiểu những cách tân của thơ Xuân Diệu, tôi đã nhận ra được một đặc điểm độc đáo của thi pháp tác giả Thơ Thơ và Gửi hương cho gió bằng cách đối chiếu thơ ông với thơ ca truyền thống: Trong cái vũ trụ nghệ thuật Xuân Diệu mà Xuân và Tình làm chủ "ngưòi ta thấy một nguyên tắc mỹ học được xác định: vẻ đẹp của con người là vẻ đẹp chuẩn mực của vẻ đẹp thế giới, vẻ đẹp của vũ trụ. Nếu như chúng ta nhớ rằng trong văn chương xưa, ngưòi ta lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn cho vẻ đẹp của con người thì mới thấy nguyên tắc mĩ học nói trên của Xuân Diệu là cả một cuộc đỏi mơi đáng kể trong thơ ca Việt Nam hiện đại"
Thơ xưa viết về người đẹp thì nào là mặt hoa, tóc mây , mày liễu, làn thu thuỷ, nét xuân sơn...
Bây giờ Xuân Diệu so sánh ngược lại:
...Lá liễu dài như một nét mi...
...Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ...
...Hơi gió thở như ngực người yêu đến...
...Mây đa tình như thi sĩ đời xưa...
Quan niệm mĩ học ấy đã giúp ông sáng tạo nên một câu thơ vào loại tuyệt vời của nền thi ca VIệt Nam hiện đại:
"Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"
và v.v...
 
Top Bottom