Đôi dép Bác Hồ, đôi dép cao su

haibang6868@yahoo.com

Học sinh mới
Thành viên
9 Tháng năm 2016
4
5
6
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Trong cuộc sống thường ngày, Bác Hồ thích vận động, đi lại; khi xong công việc, Bác hay đi bộ. Vào những năm kháng chiến trên khu Việt Bắc, các cơ quan quân, dân, chính đảng đều đóng cách xa nhau qua những sườn đồi, con suối. Đi họp thường là đi bộ, phải trèo đồi, lội suối. Có những lúc chuyển nhà đi nơi khác, Bác vẫn thường cùng các anh cảnh vệ đi xa không ngần ngại.

Ngày ấy, Bác Hồ mang đôi dép cao su có quai hậu, đế lốp. Trên những con đường núi, đèo khúc khuỷu Bác thường chống gậy bước nhanh. Có lần cơ quan chuyển đến một địa điểm mới khá xa. Anh em bảo vệ đã chuẩn bị cho Bác đi ngựa.

Sáng sớm, ngựa đã chờ sẵn ở cửa rừng. Một đồng chí cảnh vệ mời Bác lên ngựa. Bác đi lại, cái túi dết đã treo chéo trên vai. Sáu cảnh vệ mặc áo quần màu chàm đã đeo trên vai lỉnh kỉnh nào ba lô quần áo, ống nước và những ruột tượng gạo căng phồng. Bác nhìn hết các đồng chí sắp hàng sau chân ngựa.

Bác nói:

- Chúng ta tất cả bảy người mà ngựa thì chỉ có một con. Bác đi ngựa sao tiện.

Mọi người đều mời Bác lên ngựa. Có người khẩn thiết:

- Chúng cháu còn trẻ. Bác đã cao tuổi, đường thì xa, chỉ lo Bác mệt.

Bác cười:

- Để cùng đi xem các chú có theo kịp Bác không nhé? Bác tính thế này: ngựa để thồ ba lô, gạo nước. Dọc đường ai mệt thì đi ngựa.

Đoàn người đi từ sáng sớm đến chập tối mà chưa đến địa điểm mới. Trên đường đi, thỉnh thoảng Bác lại kể chuyện vui, và thật rõ là cụ già còn sức trẻ hơn các thanh niên. Cả ngày rong ruổi, các cảnh vệ bối rối day dứt lại khẩn khoản mời Bác lên ngựa.

Bác ôn tồn bảo:

- Bác mệt thì các chú cũng mệt. Ta vẫn cùng đi bộ cho vui, sắp đến nơi rồi.

Thế là hết con đường núi quanh co ấy, cuối cùng rồi cũng đến. Bác vẫn thở đều không thấm mệt. Bác nói:

- Đó là nhờ Bác ngày nào cũng đi bộ, nhờ tập luyện mà Bác theo kịp các cháu thanh niên.

Vào những năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác về làm việc ở Phủ Chủ Tịch. Bác ở nhà sàn, gần đấy có con đường dẫn ra ao cá và ngôi nhà của bộ phận bếp núc. Hàng ngày sau giờ làm việc, Bác thường đi bộ từ nhà sàn theo con đường vòng quanh ao cá để sang phòng ăn.

Có một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi trưa, trời bỗng nhiên đổ mưa. Thấy vậy, đồng chí phục vụ lên mời Bác ở lại nhà sàn để anh em đưa cơm sang cho Bác.

- Bác đã cao tuổi mà để Bác đi nhỡ mưa to thì anh em phục vụ không yên tâm.

Bác liền bảo đồng chí phục vụ:

- Bác vẫn đi khỏe, không việc gì đâu. Thế chú muốn một mình Bác đỡ vất vả mà để nhiều người phải vất vả vì Bác?

Lời Bác nói rất nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Thấy thế đồng chí phục vụ nhìn thấy Bác vẫn ngồi làm việc, lui ra đi chuẩn bị bữa ăn cho Bác.

Hết giờ làm việc, Bác xếp tài liệu báo chí gọn gàng xắn cao quần, cầm ô, chống gậy sang nhà bếp ăn trưa như thường lệ.

Gần như suốt đời Bác, Bác mang dép. Đôi dép của Bác đã được đồng bào của ta nhìn thấy mỗi khi được gặp Bác. Khách bốn phương cũng đã chiêm ngưỡng đôi dép cao su hết sức giản dị của Bác. Đã có những nhà văn nước ngoài viết về đôi dép của Bác.

Nhưng có lẽ vào năm 1970, một năm sau ngày Bác đi xa, nhà thơ Nam Yên đã viết một bài thơ lời lẽ dung dị nhưng rất mực thắm thiết, gợi lên cảm xúc thương mến Bác vô bờ. Bài thơ được nhạc sĩ Vân An phổ nhạc:

"Dép Bác, đôi dép cao su

Bác đi từ ở chiến khu Bác về

Phố phường trận địa

Nhà máy đồng quê

Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi,

Dép này, Bác trải đường dài

Dép này, Bác mở tương lai nước nhà

Đường đi chiến đấu gần xa

Dấu dép cha già dẫn lối con đi."

Bác Hồ là biểu trưng của tất cả những gì dung dị, mang một bản sắc dân tộc Việt Nam nhuần nhị, sâu xa nhất. Ngay cả quần áo, đồ dùng tiện nghi của Bác cũng đơn sơ, mộc mạc trong đó đôi dép của Bác trở thành một hình tượng thân quen, thắm thiết đối với chúng ta, trở thành huyền thoại với bạn bè năm châu.

Ca khúc "Đôi dép Bác Hồ" đã chắp cánh cho bài thơ một nguồn cảm xúc mới sâu đậm hát lên tình yêu của nhân dân ta đối với Bác.
 
Top Bottom