Đề 10 Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn TPHCM 2018 - 2019

Status
Không mở trả lời sau này.

Kuroko - chan

Học sinh tiêu biểu
HV CLB Hội họa
Thành viên
27 Tháng mười 2017
4,573
7,825
774
21
Hà Nội
Trường Đời
Câu 1.
a)Rác thải nhựa sẽ gây nên thảm họa đối với môi trường.
Ảnh hưởng tới:
- Hệ Sinh Thái
- Ô Nhiễm môi trường đất, môi trường nước
- Gây nguy hại cho nguồn thủy hải sản
- Tác động xấu tới sức khỏe con người
b)Thành phần biệt lập đoạn 2 :
- Chắc chắn những hành động này sẽ góp phần giúp môi trường trở nên xanh,sạch,đẹp hơn
c)Mối liên hệ về nội dung :
- Vấn đề sử dụng túi nhựa và hạn chế trong việc sử dụng và thải rác thải nhựa
d)Giải pháp hiệu quả nhất là :
Việc đầu tiên ta cần làm là: Khuyến khích và nêu gương những người có ý thức. Việc làm này có lẽ có sẽ có tầm ảnh hưởng lớn với người dân,họ sẽ học tập nhau và hành động . Việc tiếp theo là : Huy động các bạn thanh niên, sinh viên, tình nguyện viên đi tuyên truyền và tái chế nhằm mục đích vừa bớt lượng rác thải, lại có thêm nhiều thứ hay và hữu dụng. Và việc cuối cùng là :Không sản xuất túi nhựa. Khi sản xuất túi nhựa và hộp nhựa, sẽ có người mua, người bán, lượng rác thải cũng sẽ không thể giảm bớt được. Vì vậy nên theo em, ba việc làm này là quan trọng nhất đối với nước ta

Câu 2:
- Hình ảnh 1 : Sự bao bọc, nâng níu con quá mức của cha mẹ
- Hình ảnh 2 : hình ảnh hài hòa, mang sự sẻ chia , gắn kết, không quá dựa dẫm cũng không quá độc lập
- hình ảnh 3 : Con cái và cha mẹ tách rời nhau. Quá tự lập, tin tưởng con cái
 
Last edited:

ShennWhisper

Học sinh gương mẫu
Thành viên
13 Tháng hai 2018
681
2,450
311
Bắc Ninh
Hogwarts
Về nội dung cơ bản trên mạng thì nó như này
gBgn5JU.png
 

Hà Chi0503

Học sinh tiêu biểu
Thành viên
26 Tháng mười 2017
1,685
4,334
529
Nghệ An
Video Thầy Nguyễn Phi Hùng - Giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định và hướng dẫn giải đề thi vào 10 TP .HCM
Mọi người tham khảo ạ, thầy giảng rất hay :>
Câu 2 từ phút 12- phút thứ 24 .

Gợi ý giải đề thi Ngữ Văn vào 10 TP.HCM
Câu 1: (3,0 điểm)
a. Dựa vào văn bản, hãy cho biết tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống.
Rác thải nhựa có nhiều tác hại với cuộc sống con người. Nhựa có hạn chế lớn nhất là rất lâu phân hủy nên nó sẽ gây nên thảm họa mội trường nếu không có cách giải quyết. Những tác hại có thể kể đến như:
+ Làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái
+ Làm ô nhiễm môi trường đất, nước
+ Gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản
+ Tác động xấu đến sức khỏe con người.
b. Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2.
Thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2: là thành phần tình thái: Chắc chắn.
c. Chỉ ra mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên.
Mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên là: Ở văn bản 1 chỉ ra được thực trạng và những tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống (con người và môi trường). Còn văn bản 2 nêu giải pháp với những kế hoạch hành động của các nước (trong đó có Việt Nam) nhằm hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa.
Vậy: văn bản 1 nêu thực trạng tác hại => văn bản 2 nêu giải pháp, cách xử lí.
d. Theo em giải pháp nào là hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm môi trường rác thải nhựa ở nước ta hiện nay, Vì sao? (Em có thể lựa chọn giải pháp trong văn bản hoặc tự đề ra giải pháp khác. Trả lời khoảng 3-5 dòng):
Yêu cầu: Học sinh được phép tự do lựa chọn giải pháp và có cách giải thích phù hợp. HS trả lời khoảng 3-5 dòng.
Gợi ý: HS có thể đưa ra các giải pháp như:
+ Khuyến khích các sản phẩm làm từ tự nhiên – những sản phẩm sẵn có mà lại dễ phân hủy; có lợi ích cho sức khỏe của con người.
+ Cần biết cách tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng hữu ích.
+ Cấm sản xuất, sử dụng, kinh doanh các sản phẩm từ nhựa gây độc hại; nếu có thể tính phí sử dụng hoặc xử lí vi phạm với các cá nhân tổ chức không có ý thức trong quy trình sử dụng với các chất thải nhựa....

Câu 2: (3,0 điểm)
+ Yêu cầu hình thức: HS từ 1 trong 3 hình ảnh trên đề bài, viết thành 1 bài văn ngắn bố cục đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài (khoảng 1 trang giấy thi). Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. Khuyến khích HS có sự sáng tạo; có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. Đây là dạng câu hỏi mở, HS có thể lựa chọn 1 trong 3 hình để viết.
+ Yêu cầu nội dung: Dù là hình ảnh nào được lựa chọn, thì HS cần viết đúng vấn đề cần nghị luận đó là: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Học sinh lựa chọn một trong ba hình ảnh (tương ứng với một biểu hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái).
+ Gợi ý với từng hình ảnh:
a. Hình ảnh 1: Hình ảnh thể hiện mối quan hệ cha mẹ bảo bọc con cái tuyệt đối; cha mẹ kiểm soát con cái và đứa trẻ dễ mất đi tính độc lập tự chủ; đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc, yêu chiều, dễ sinh ỷ lại, thụ động…
b. Hình ảnh 2: Hình ảnh thể hiện mối quan hệ hài hòa, có sự sẻ chia, gắn kết, gắn bó giữa bố mẹ và con cái. Cha mẹ tôn trọng và tạo cho con cái có sự độc lập tự chủ riêng; cha mẹ vẫn luôn ở bên đồng hành, san sẻ và giúp đỡ con cái khi cần. Đứa con sẽ lớn lên trong ý thức tự lập; luôn được sự định hướng tương trợ từ cha mẹ.
c. Hình ảnh 3: Hình ảnh thể hiện mối quan hệ bình đẳng, riêng biệt, độc lập giữa bố mẹ và con cái. Có thể hiểu: cha mẹ tin tưởng hoàn toàn và không cần tác động ảnh hưởng nhiều tới con trẻ. Với cách thức như vậy, con trẻ sẽ lớn lên có thể theo hai chiều hướng: một là sự tự lập tự chủ cao; hai là đứa trẻ sẽ “còi cọc”; không vươn lên được; luôn gặp khó khăn trong định hướng ở cuộc sống…

Câu 3: (4,0 điểm)
HS chọn 1 trong 2 đề:
a. Yêu cầu hình thức: HS được phép chọn 1 trong 2 đề của đề bài. HSviết thành 1 bài văn ngắn bố cục đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài. Bài viết đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. Khuyến khích HS có sự sáng tạo; có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
+ Nếu chọn đề 1: HS biết kết hợp kiến thức, kỹ năng làm bài nghị luận văn học. Yêu cầu cơ bản HS cảm nhận về hai đoạn thơ trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Yêu cầu nâng cao: HS sau đó biết liên hệ với một tác phẩm khác về đề tài người lính để thấy được nét gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài này.
+ Nếu chọn đề 2: HS biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm bài nghị luận văn học. Yêu cầu HS cần phân tích một số tác phẩm văn học tự chọn để nói lên những trải nghiệm, những thu hoạch mà bản thân học sinh có được khi đọc tác phẩm văn học với tinh thần “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.

b. Yêu cầu nội dung với từng đề cụ thể:
*.Gợi ý đề 1:
A: MB: Nêu vấn đề nghị luận:
1. HS giới thiệu đôi nét về tác giả và tác phẩm:
+ Phạm Tiến Duật, một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại trong thời chống Mỹ, là nhà thơ khoác áo lính. Hình tượng trung tâm trong thơ ông thường là những người lính thanh niên xùn phong với lí tưởng yêu nước, tinh thần lạc quan, sự hồn nhiên vô tư của tuổi trẻ. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho những điều ấy là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
+ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” sáng tác năm 1969 - là một thi phẩm thể hiện đặc sắc hình ảnh người lính lái xe vận tải trên đường mòn Trường Sơn trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”.
2. HS giới thiệu sang đoạn thơ của đề bài: Hình ảnh đẹp về người lính được khắc họa trong toàn bộ bài thơ nhưng ấn tượng nhất với người đọc là hai khổ thơ sau (trích dẫn hai khổ thơ được nêu trong đề bài).
B. Thân bài:
1. Yêu cầu cơ bản: Cảm nhận hình ảnh người lính trong hai khổ thơ:
a. Khổ 1:

*.Hai câu đầu: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.
- Với lối giải thích tự nhiên, đơn giản, câu thơ giàu chất văn xuôi, tác giả cho ta ngầm hiểu sau lời thơ đó là một điều khác: đâu phải tự nhiên xe không có kính; lý do xe không kính là vì “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.
- Với thể thơ tự do phóng khoáng, hình ảnh thơ cụ thể, nhịp thơ 2/2/4 biến đổi theo giọng thơ, tác giả đã nêu lên hiện thực ở chiến trường, súng đạn quân thù đã làm “kính vỡ đi rồi”.
- Trong hoàn cảnh chiến tranh – sự khốc liệt nơi chiến trường, những những người lính lái xe vẫn lái những chiếc xe thiếu kính chắn gió ra trận trong sự gan góc, kiên cường.
*.Hai câu thơ sau:
- Nếu câu trên đọc lên có cái gì đó ngộ nghĩnh thì đọc đến câu sau lòng ta bỗng chùng xuống. “Bom giật, bom rung”, sức mạnh tàn phá luôn dội xuống con đường, dội xuống cuộc sống như muốn phá vỡ, muốn làm trụi đi tất cả. Qua cái nhìn của người chiến sĩ lái xe, sự hủy diệt của cuộc chiến tranh ở Trường Sơn là thế.
- Nhưng nhìn nhận cuộc chiến tranh ấy, dẫu nó tàn bạo, trong hai câu thơ vẫn không có một từ, một âm thanh, ẩn ý nào nói lên nỗi khiếp sợ, cay đắng của con người. Người chiến sĩ nhắc đến chiến tranh như một yếu tố ngoại cảnh, một thách thức để chủ yếu là nói đến thái độ của mình.
- Những câu thơ nhanh gấp mà vẫn nhịp nhàng như bánh xe đang lăn trên đường. So với ý của hai câu trên, ở hai câu này có sự đối lập.Đó là hoàn cảnh chiến trường đối lập với lại tư thế của người chiến sĩ.Chiến trường “Bom giật,bom rung” dội xuống ác liệt,hiểm nguy mà anh lính vẫn ung dung “ngồi đúng vị trí trong “buồng lái” đưa xe vượt Trường Sơn”..
- Cách ngắt nhịp 2/2/2 khắc họa thái độ, tư tưởng người lính. Họ quyết tâm, tin tưởng vượt qua gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ. “Nhìn đất, nhìn trời” nghĩa là rất ung dung, hiên ngang. “Nhìn thẳng” là nhìn về phía trước, nhìn vào con đường đi, nhìn vào nhiệm vụ của người lính lái xe, nhìn vào mục đích của cuộc chiến đấu.
b. Khổ 2:
- Trong tư thế ung dung ấy, người lính lái xe có những cảm nhận rất riêng khi được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài: Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa, như ùa vào buồng lái.
- Sau tay lái của chiếc xe không có kính chắn gió nên các yếu tố về thiên nhiên, chướng ngại vật rơi rụng, quăng ném, va đạp vào trong buồng lái. Song, quan trọng hơn là các anh có được cảm giác như bay lên, hòa mình với thiên nhiên rồi được tự do giao cảm, chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài.Điều này được thể hiện ở nhịp thơ đều đặn, trôi chảy như xe lăn với việc vận dụng linh hoạt điệp ngữ “thấy” và phép liệt kê. Có rất nhiều cảm giác thú vị đến với người lính trên những chiếc xe không có kính.
- Các hình ảnh “con đường”,”sao trời”,”cánh chim”… diễn tả rất cụ thể cảm giác của những người lính khi được lái những chiếc xe không kính. Khi xe chạy trên đường bằng, tốc độ xe chạy đi nhanh, giữa các anh với con đường dường như không còn khoảng cách, chính vì thế, các anh mới có cảm giác con đường đang chạy thẳng vào tim.
Và cái cảm giác thú vị khi xe chạy vào ban đêm, được “thấy sao trời” và khi đi qua những đoạn đường cua dốc thì những cánh chim như đột ngột “ùa vào buồng lái”. Thiên nhiên, vạn vật dường như cũng bay theo ra chiến trường. Tất cả điều này đã giúp người đọc cảm nhận được ở các anh nét hào hoa, kiêu bạc, lãng mạn và yêu đời của những người trẻ tuổi. Tất cả là hiện thực nhưng qua cảm nhận của nhà thơ đã trở thành những hình ảnh lãng mạn.

2. Yêu cầu nâng cao: Liên hệ với tác phẩm khác cũng viết về đề tài người lính: HS có thể chọn lựa các tác phẩm khác nhau.
- Có thể chọn “Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê.
- Có thể chọn “Đồng chí” - Chính Hữu.
Gợi ý Liên hệ với hình ảnh người lính trong bài thơ: “Đồng chí” - Chính Hữu
a. Giới thiệu vài nét về nhà thơ Chính Hữu và hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Đồng chí”:
Trong dòng thơ ca về anh bộ đội cụ Hồ, “Đồng chí” của Chính Hữu ghi nhận một thành công xuất sắc. Bài thơ Đồng chí, sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi Chính Hữu đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Thu đông 1947, đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc.
b. Cảm nhận về hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí: xuất thân từ nông dân, từ những miền quê nghèo khó; nhưng họ có điểm chung là lòng yêu nước, lí tưởng sống chiến đấu và tinh thần đồng đội cao đẹp. Trong chiến đấu, những người lính cùng chia sẻ những khó khăn gian khổ, cùng chung lí tưởng nên trở thành những đồng chí thân thiết với nhau, sát cạnh bên nhau trong nhiệm vụ chiến đấu, trong ước mơ hòa bình....
c. Chỉ ra những nét gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài người lính:
- Cả hai nhà thơ khi viết về đề tài người lính đều lấy chất liệu từ hình ảnh hiện thực cuộc sống, gian khổ của người lính.
- Người lính trong cả 2 bài thơ đều có lí tưởng sống cao đẹp, sống và chiến đấu trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt. Ở họ luôn chứa đựng sự gắn bó yêu thương, tinh thần đồng đội, sẻ chia; sự lạc quan tin tưởng vào cuộc chiến đấu của dân tộc.
- Cảm hứng sáng tác xuất phát từ sự trân trọng và đồng cảm với cuộc sống gian khổ, tinh thần lạc quan, thái độ hiên ngang của người bộ đội Việt Nam dù đó là người vệ quốc quân của thời chống Pháp hay người giải phóng quân của thời chống Mỹ.
C. Kết bài: Khẳng định đánh giá vấn đề.

*Gợi ý Đề 2:
A: MB: Nêu vấn đề nghị luận: Vai trò của việc học và đọc các tác phẩm văn học: Đọc những tác phẩm văn học góp phần làm giàu kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho tuổi trẻ. Đôi khi có những quyển sách làm thay đổi rất nhiều cuộc đời và rất nhiều số phận. Chính vì thế đã có “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
B. TB:
1. Giải thích “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”: là hình ảnh ẩn dụ độc đáo.
+ Nó khẳng định vai trò của đọc sách, học tập giúp cho con người có thêm những bài học, kinh nghiệm sống giàu ý nghĩa, tiếp thêm cho con người động lực và sức mạnh.
+ Nhờ có trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, người đọc có thể rút ra cho riêng mình những động lực và sức mạnh đầy nhiệt huyết.
+ Đọc và sống với một tác phẩm văn học, người đọc sẽ tiếp thu được nhiều điều quý báu của tác giả. Có những tác phẩm đánh thức trong chúng ta những khát vọng lớn lao, những tình yêu cao đẹp đối với quê hương, đất nước, con người.
2.Phân tích và chứng minh:
a. Ngọn lửa của nhận thức về lịch sử, xã hội, con người:
- Phản ánh số phận người phụ nữ đáng thương trong xã hội cũ (trong ca dao, Truyện Kiều, Chuyện người con gái Nam Xương...)
- Phản ánh những năm tháng khói lửa chiến tranh của dân tộc: chống Pháp (Đồng chí); chống Mĩ (Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Những ngôi sao xa xôi)....
b. Ngọn lửa của những bài học giáo dục:
- Tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước: Cảnh ngày xuân (Truyện Kiêu); Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)...
- Tình yêu với những con người với những phẩm chất cao đẹp: Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương; Thúy Kiều (Truyện Kiều); anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”; những cô thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi”...
c. Ngọn lửa của giá trị thẩm mĩ:
- Giúp con người thêm yêu cuộc đời, tiếp thêm nghị lực sống qua học “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải); “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long)...
- Giúp ta thêm yêu thương trân trọng tình cảm gia đình: qua việc học “Bếp lửa” (Bằng Việt); “Nói với con” (Y Phương)....
3. Bình luận:
- Việc đọc sách nói chung và sách văn học nói riêng rất quan trọng cho việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, do đó đòi hỏi trách nhiệm của những người chọn lựa việc đưa tác phẩm văn học vào sách giáo khoa cần phải thận trọng hơn. Mong rằng có nhiều ngọn lửa chân thiện mỹ hơn trong những trang sách giáo khoa để học sinh Việt Nam có thể có những ấn tượng đầu đời đẹp đẽ, thanh cao và đứng đắn.
-Để nhận ra "ngọn lửa" trong mỗi trang đọc, người đọc cần phải đọc sách với tình cảm say mê, hào hứng, biết đặt mình vào nhân vật để suy tư, chiêm nghiệm. Có vậy, lẽ sống đẹp trong từng trang sách mới chạm được đến trái tim mỗi người.
C. Kết bài : Tóm lược, đánh giá vấn đề.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom