Văn 12 Đề minh họa THPT QG 2020 môn Ngữ văn (kèm đáp án tham khảo)

Status
Không mở trả lời sau này.

Hà Chi0503

Học sinh tiêu biểu
Thành viên
26 Tháng mười 2017
1,685
4,334
529
Nghệ An
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bản pdf: Văn 12 - Đề minh họa THPT QG 2020 - môn Ngữ văn
91859193_257992681893047_4387923243122556928_n.jpg


Đáp án tham khảo:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Phương thức nghị luận
Câu 2: Anh hùng là người có thái độ trước khó khăn, nghịch cảnh như sau:
- Can đảm cống hiến trong mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất
- Hành động không vị kỉ và luôn đòi hỏi bản thân mình phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người.
- Xem thường nghịch cảnh để kiên quyết thực hiện điều mình tin tưởng mà không hề sợ hãi.
Câu 3: Câu "Anh hùng không phải là mẫu người "hoàn hảo" vì chẳng có ai hoàn hảo"
- Anh hùng cũng là một cá nhân trong cộng đồng. Họ cũng có điểm mạnh và điểm yếu như mỗi chúng ta.
- Anh hùng có cuộc sống riêng như những người khác. Song có điều, những suy nghĩ, hành động của họ xuất phát từ nỗ lực, thái độ và hành động của họ trong cuộc sống để chúng ta học tập, noi theo.
- Anh hùng không phải hình mẫu lí tưởng. Anh hùng cũng có thể là những con người xung quanh cuộc sống.
Câu 4:
- Đồng ý với quan niệm.
- Vì:
+ Cá nhân con người trong cuộc đời không thể hoàn hảo tất cả, thậm chí cũng có thể mắc sai lầm, dù ở bất kì mức độ nào.
+ Không thể vì một sai lầm mà phủ nhận tất cả những cống hiến của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
+ Những cống hiến là những đóng góp về công sức, trí tuệ của mỗi cá nhân. Vì vậy, không thể dùng những sai lầm để bác bỏ những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
+ Mỗi chúng ta cần có thái độ sống có ích cho bản thân, xã hội; cố gắng tự hoàn chỉnh chính mình trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN
Câu 1:

- Đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ
- Yêu cầu:
+ Hình thức trình bày: Đoạn văn tổng-phân-hợp
+ Thao tác sử dụng: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ
- Gợi ý nội dung:
+ Giải thích: hành động nhỏ là hành động bình thường, giản dị có thể bắt gặp ở bất cứ ai, bất kì hoàn cảnh nào. Anh hùng giữa đời thường là con người xung quanh ta với những suy nghĩ, hành động cao đẹp đối với xã hội.
+ Bình luận: Hành động nhỏ có ý nghĩa đối với cá nhân, cộng đồng sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn; truyền đi nhiều thông điệp sống có ích tới cộng đồng. Cá nhân mỗi con người đó luôn biết sống vì mọi người, họ làm việc và hành động vì cái tâm trong sáng, không vụ lợi; cho đi mà không hề nhận lại. Họ sống và làm việc không phải để nhận được sự ca ngợi, tuyên dương. Họ tự nhận thấy mình cần sống có trách nhiệm, có ý nghĩa cho xã hội. Họ anh hùng ngay trong lời nói, hành động của chính mình. Vì thế, anh hùng có thể chính là những con người giản dị sống xung quanh chúng ta, không phải những con người quyền thế.
+ Chứng minh: những người hiến máu nhân đạo, làm từ thiện. Cụ thể: các chiến sĩ, bác sĩ trong công tác chống dịch Covid -19 hay những người ủng hộ (các bà, các mẹ tuổi cao; những người nghèo)
+ Bác bỏ: Xã hội có nhiều người sống ích kỉ, sống chỉ vì mình; không quan tâm tới mọi người xung quanh
+ Khẳng định: Tính đúng đắn của nhận định
+ Liên hệ: cá nhân mỗi người, nhất là học sinh cần sống có trách nhiệm với chính mình và sống có ý nghĩa cộng đồng, xã hội.
Câu 2
a. Mở bài:

- Vị trí tác giả, p/c sáng tác:
+ Là nhà văn lớn, có sức sáng tạo dồi dào nhất trong làng văn chương Việt Nam hiện đại.
+ Sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật đời thường; thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau.
- Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”:
+ Là một truyện ngắn trong tập “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài, được giải nhất tiểu thuyết, giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
+ Tác phẩm ra đời từ kết quả cuộc thâm nhập đời sống đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc, kể về cuộc đời khốn khó trăm chiều của người dân vùng cao khi chưa có ánh sáng của Đảng.
- Dẫn vấn đề:
Đọc “Vợ chồng A Phủ”, ta không thể quên được sức sống tiềm tàng của Mị trong những đêm tình mùa xuân.
b. Thân bài:
1. Khái quát
- Nguyên nhân về làm dâu: vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ từ hồi cưới nhau.
- Mị bị bóc lột về sức khỏe, áp chế tinh thần -> Mị sống như đã chết.
2. Phân tích:
a. Những nhân tố:
- Cảnh sắc mùa xuân Tây Bắc: gió và rét rất dữ dội…những chiếc váy hoa đem ra phơi…đám trẻ cười ầm….-> mùa xuân tràn đầy niềm vui và sức sống, là một mùa xuân đến sớm.
- Rượu: Mị uống rượu, lén lấy hũ rượu cứ uống ừng ực từng bát, như nuốt căm hờn, tủi nhục -> giúp Mị quên đi thực tại đau đớn.
- Tiếng sáo: 8 lần đề cập và 3 lần đặc tả, gợi nhắc quá khứ trong Mị và dẫn bước ý thức của Mị.
b. Diễn biến tâm trạng:
- Ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi
- Uống rượu ừng ực từng bát
- Ý thức cuộc sống trở lại
+ Nhớ lại những kỉ niệm ngọt ngào của quá khứ: thổi sáo, thổi lá giỏi, “có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”
+ “… Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước… Mị muốn đi chơi…”
+ Mị muốn chết:
“Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”
+ Trong đầu Mị vẫn đang rập rờn tiếng sáo:
“Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi”.
- Mị hành động:
+ “lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa dầu” cho sáng -> như thể Mị đang tự thắp lên ánh sáng cho cuộc đời tối tăm của mình.
+ “quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”
-> Mị muốn được đi chơi xuân, Mị như quên hẳn sự có mặt của A Sử. Bời giờ đây Mị đang sống của những ngày tháng trong quá khứ tươi đẹp.
- Tâm trạng trong đêm bị trói:
Tiếng sáo vẫn đưa Mị đi theo những cuộc chơi. Mị thấy mình không bằng con trâu con ngựa. Mị sợ phải chết như người đàn bà đời trước.
- Đánh giá: Ý thức về cuộc sống, lòng yêu đời và khát vọng sống mãnh liệt đã thực sự trỗi dậy trong Mị. Sự trỗi dậy này không đủ để thay đổi số phận nhưng nó là tiền đề quan trọng chuẩn bị cho những đột biến lớn hơn trong cuộc đời Mị.
c. Về nghệ thuật: bút pháp khắc họa nội tâm tinh tế, bút pháp trần thuật hấp dẫn, đối lập giữa hiện tại và quá khứ.v.v…
c. Kết bài:
Thông qua việc phát hiện sức sống tiềm tàng của Mị ở đoạn miêu tả thứ hai, Tô Hoài gửi gắm sự đồng cảm, sẻ chia với số phận khổ đau của Mị; phát hiện và nâng niu những phẩm chất tốt đẹp, những khát vọng chân chính của người lao động; tin tưởng vào khả năng tự giải phóng của họ - > Ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Tô Hoài.
(Đáp án sưu tầm từ thầy Hoài Thanh)
 

Hà Chi0503

Học sinh tiêu biểu
Thành viên
26 Tháng mười 2017
1,685
4,334
529
Nghệ An
BỔ SUNG: ĐÁP ÁN ĐỀ MINH HỌA MÔN VĂN - 2020 (ĐÁP ÁN SIÊU CHI TIẾT)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1.
Phương thức biểu đạt: Nghị luận.

Câu 2.
Trong đoạn trích, trước khó khăn, nghịch cảnh, tác giả cho rằng anh hùng là người có thái độ:
- Anh hùng là người can đảm cống hiến trong mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất, hành động không vị kỉ và luôn đòi hỏi bản thân mình phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người.
- Kiên quyết thực hiện điều mình tin tưởng, hành động không hề sợ hãi, có thái độ xem thường nghịch cảnh.
- Luôn muốn cống hiến, sẵn sàng trở thành hình mẫu và sống thành thật với niềm tin xác quyết của mình.

Câu 3.
Câu "Anh hùng không phải là mẫu người "hoàn hảo vì chẳng có ai hoàn hảo" có ý nghĩa như sau:
Những việc "anh hùng" làm, những điều mà họ cống hiến và xây dựng có thể thích hợp với người này, nhưng lại chưa phải kỳ vọng của người khác. Bởi lẽ, góc nhìn và suy nghĩ của mỗi cá nhân trong xã hội đều không giống nhau, mong muốn của họ cũng khác nhau, "anh hùng" không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Từ đó đối với mọi người nói chung, anh hùng chưa hẳn là mẫu người hoàn hảo.
Không phải là một người có sức mạnh siêu nhiên, anh hùng cũng là một con người có đầy đủ điểm yếu và yếu điểm như những người khác, họ có thể hoàn hảo trong mắt người này, nhưng sẽ trở nên thật bình thường trong mắt những người khác. Thế nên, anh hùng chỉ là "hình mẫu hoàn hảo" nhất của chính mình.
(Câu này cần trả lời được 2 ý trên. Các em có thể RÚT GỌN mỗi ý lại để căn chỉnh thời gian làm bài hợp lí nhé).
=> GỢI Ý RÚT GỌN:
Góc nhìn và suy nghĩ của mỗi cá nhân trong xã hội đều không giống nhau, mong muốn của họ cũng khác nhau, "anh hùng" không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Họ có thể hoàn hảo trong mắt người này, nhưng sẽ trở nên thật bình thường trong mắt những người khác. Từ đó đối với mọi người nói chung, anh hùng chưa hẳn là mẫu người hoàn hảo. Anh hùng chỉ là "hình mẫu hoàn hảo" nhất của chính mình.

Câu 4.
(Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình, nhưng cần có lí lẽ, lập luận, dẫn chứng xác đáng, thuyết phục).
Chị đồng ý với quan điểm "Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời". Bởi vì:
Trong cuộc đời này, ai cũng từng có ít nhất một lần mắc phải sai lầm. Ta chỉ là một con người bằng xương bằng thịt, có ưu điểm và khuyết điểm, có những lúc vui - buồn và cạn nghĩ, vị kỷ, dại khờ. Khi ấy, ta dễ hành động cảm tính, dẫn đến sai lầm và sai lầm đó có thể là một lỗi nhỏ dễ dàng bỏ qua, cũng có thể là một lỗi nghiêm trọng mà ta phải hối tiếc rất lâu sau đó. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng nhất của một người từng phạm lỗi là thái độ nhìn nhận lỗi lầm, hành động sửa sai kịp thời. Chỉ cần ta biết nỗ lực hành động đúng đắn hơn, cống hiến thật nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời thì những sai lầm cũ không thể phủ nhận được những cống hiến tuyệt vời của chúng ta.
Trong câu chuyện "Hai viên gạch xấu xí", dù bức tường trắng có 998 viên gạch đẹp và 2 viên gạch bị đặt nghiêng, nhưng khi nhìn thấy chúng, hai vị sư già đã khen ngợi bức tường thật đẹp mà không mảy may chê trách nó vì những viên gạch xấu. Tương tự, khi chúng ta cống hiến được rất nhiều điều tốt đẹp vào cuộc đời, đừng chỉ vì một chút sai phạm mà bỏ cả "bức tường đẹp đẽ" ấy.
(Chị không có thời gian livestream giảng giải cụ thể, nên chị làm phần này chi tiết để các em hiểu đường đi. Dựa vào câu trả lời trên, các em chọn lọc những ý đầu mỗi đoạn để RÚT GỌN cho phù hợp với thời gian làm Đọc - hiểu nhé: 20 phút tối đa).
=> GỢI Ý RÚT GỌN: Đồng tình với ý kiến. Vì:
Trong cuộc đời này, ai cũng từng có ít nhất một lần mắc phải sai lầm. Nhưng điều quan trọng nhất của một người từng phạm lỗi là thái độ nhìn nhận lỗi lầm, hành động sửa sai kịp thời. Chỉ cần ta biết nỗ lực hành động đúng đắn hơn, cống hiến thật nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời thì những sai lầm cũ không thể phủ nhận được những cống hiến tuyệt vời của chúng ta. Nếu ta chỉ vì một sai lầm mà bỏ qua những cống hiến trước kia, thì ta đã phạm phải một sai lầm tai hại khác đối với chính bản thân mình.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)

BƯỚC 1: DẪN DẮT Ý ĐỀ
Trong dãy ngân hà phía xa xa mà nhiều người phải luôn ngước nhìn và nguyện cầu về hạnh phúc, ta thấy lấp lánh những vì sao giữa đêm đen tối mịt, sáng ngời thứ ánh sáng đặc biệt của riêng mình. Giữa đời thường tấp nập bủa vây với nhiều khó khăn như đêm đen kia, các anh hùng đời thường đã xuất hiện thật lấp lánh, cống hiến điều tuyệt vời bằng chính từ những hành động nhỏ, từng nghĩa cử tốt đẹp của mình - và chính những điều nhỏ bé ấy đã làm nên giá trị của họ, “định nghĩa” họ bằng danh xưng “anh hùng giữa đời thường”.
BƯỚC 2: GIẢI THÍCH - CHỨNG MINH
Trong quyển “Đánh thức con người phi thường trong bạn”, tác giả Anthony Robbins cho rằng: Anh hùng là người có lý tưởng cao đẹp với lối sống cống hiến, thực hiện điều mình tin tưởng mà không hề sợ hãi hay lùi bước trước khó khăn. Họ luôn kiên quyết hành động những điều tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng, dựa trên lý tưởng đúng đắn của bản thân và kỳ vọng của mọi người. Những hành động nhỏ giữa đời thường của họ không phải là những điều siêu nhiên, kì diệu nào đó, mà chính là những nghĩa cử tốt đẹp họ đã dành cho mọi người, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh khi khó khăn, hoạn nạn; đó có thể là hình ảnh cậu học sinh lớp Mười đã cứu sống một em bé bị đuối nước; một anh nhặt ve chai bỏ cái Tết sôi động mà đi nhặt đinh trên quốc lộ 1 giữa cái nắng oi bức của Sài Gòn. Hay trong thời gian gần đây, bao câu chuyện về đồng bào đồng lòng chống dịch đã làm nhiều người xúc động: từ việc "những chiến sĩ áo trắng” ngày đêm túc trực, tích cực làm việc để tìm ra những phương án phòng tránh, chữa trị, chống dịch Covid-19 đến những câu chuyện ý nghĩa của từng “anh hùng trong đời thường” như: câu chuyện mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi) quyên góp 5 triệu đồng dành dụm để ủng hộ chống dịch, những em học sinh nhỏ tuổi dành tiền tiết kiệm để mua khẩu trang phát miễn phí cho người nghèo, nhiều nhà hảo tâm đã chuẩn bị cơm miễn phí cho các bệnh viện, nhiều tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ khu cách ly mà không quản ngại vất vả,... Những “anh hùng đời thường” ấy đã lấp đầy “bầu trời đêm” đen kịt bằng thứ ánh sáng nhỏ bé của mình, bằng từng hành động giản dị, chân thành, xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tiếp nối truyền thống đạo lí muôn đời của dân tộc: “Thương người như thể thương thân”.
(Ở bước này, chị viết nhiều dẫn chứng để gợi ý cho các em, các em có thể chọn lọc một vài DC mình tâm đắc nhất và viết NGẮN GỌN HƠN nhé).
BƯỚC 3. MỞ RỘNG VẤN ĐỀ
Bên cạnh ánh sáng của những “anh hùng đời thường”, vẫn còn đâu đó một số người bàng quan, vị kỷ và chỉ xem trọng bản thân mình, không chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh. Đó là lối sống tiêu cực, cần thay đổi.
BƯỚC 4. LIÊN HỆ BẢN THÂN (BÀI HỌC, HÀNH ĐỘNG)
- Em sẽ làm gì để cống hiến những điều tốt đẹp vào cuộc đời, trở thành “anh hùng đời thường”, thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình?
- Em có nhắn nhủ gì đến mọi người không?

Câu 2. (5.0 điểm)
A. MỞ BÀI:
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài với sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do, hạnh phúc mãnh liệt.
B. THÂN BÀI:
1. Khái quát chung (hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, phong cách sáng tác tác giả)
2. Phân tích nhân vật Mị trong đêm mùa xuân.
2.1. Mị trước khi về làm dâu và khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra:
Dù sống trong cảnh nghèo khó từ nhỏ, nhưng cô Mị vẫn lớn lên khỏe mạnh và xinh đẹp, vẻ đẹp ấy đã khiến bao gã trai Mèo si mê, khiến cha mẹ cô không ngủ được vào những đêm tình mùa xuân, vì trai làng ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Mị không chỉ xinh đẹp, mà còn là một cô gái tài sắc vẹn toàn. Cô có tài thổi sáo, thổi đàn môi: “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, tiếng sáo của Mị như tiếng lòng trong trẻo, tinh khôi của cô gái trẻ với biết bao ước mơ về một mái ấm hạnh phúc trong tương lai. Cô cũng là một người con gái yêu quý lao động, chăm chỉ chịu khó - một cô gái tài đức đều trọn vẹn. Không chỉ vậy, Mị còn hiện lên là người con gái tài đức với khát khao tự chủ, khát khao sự tự do và tình yêu đến từ trái tim mình. Mị còn mang tư tưởng độc lập đáng quý, muốn tự quyết định số phận của mình mà không chấp nhận biến mình thành con dâu gạt nợ. Và tính cách đó được bộc lộ rõ nét qua việc Mị thẳng thắn nói với bố mình: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Nhưng cuối cùng, Mị đã phải chịu cảnh làm con dâu gạt nợ khi bị A Sử bắt về và thực hiện hủ tục cúng trình ma, từ đây, bóng ma của thần quyền đã ghì chặt Mị. Mị khổ quá, hàng tháng trời đều khóc và muốn tự giải thoát bằng cái chết, nhưng vì thương bố, cô đã “bưng mặt khóc, ném nắm lá ngón xuống đất”, gạt nước mắt quay trở lại nhà thống lí tiếp tục cuộc đời súc nô đáng sợ hơn cái chết. Và từ đây, Mị sống một tuổi trẻ “không nói, cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Chai sạn, lạnh băng.
2.2. Nhưng dẫu cho đến cùng cực tuyệt vọng, con người vẫn muốn vươn lên để tìm ánh sáng, khát khao ấy tưởng chừng chết lặng trong lòng Mị, mà hóa ra lại âm thầm mạnh mẽ như ánh lửa giấu nhẹm trong đống tro tàn chờ dịp bùng lên. Và “ánh lửa” ấy trong đêm tình mùa xuân, mang theo bao khát khao tự do, hạnh phúc của Mị.
a/ Ngoại cảnh tác động và hồi sinh sức sống trong tâm hồn Mị:
Tưởng chừng cánh hoa đã héo tàn vì bão tố trời giông, nhưng một ngày kia, vầng dương ánh lên những tia nắng lấp lánh của mùa xuân, cánh hoa ấy đã trỗi dậy, khao khát bung nở một lần nữa. Đó là cánh hoa của Mị, cô gái Mèo đã hồi sinh sau những năm dài nghe tiếng sáo văng vẳng bên tai. Lần này, với những men say, Mị đã nghe thấy tiếng nhịp đập trái tim mình vẫn nóng hổi và thao thức. Ấy là những ngày xuân ở Hồng Ngài, khi người ta gặt hái vừa xong, ngô lúa xếp đầy kho, báo hiệu cho sự sung túc và no đủ. Khoảng thời gian này là thời gian người ta gác lại mọi vất vả của một năm trồng ngô, cấy lúa, người ta đưa nhau đi chơi xuân. Không khí ngày xuân rộn rã, tưng bừng khắp bản Mèo với tiếng nô đùa của đám trẻ chơi quay, những chiếc váy hoa sặc sỡ, trai gái tụ tập đánh pao, thổi sáo, thổi khèn và nhảy. Nhưng đặc biệt hơn cả chính là những đêm tình mùa xuân, mang đến tình yêu và hạnh phúc cho biết bao đôi uyên ương, cũng như mang đến cho Mị những cảm xúc thật khó tả.
Ngày xuân đến, Mị lặng lẽ nhìn ra ngoài, một không khí chộn rộn cả bờ tâm tư người con gái đã chai lì bấy lâu nay. Mị đánh bạo, lén lấy rượu ra uống. Ngay lúc này, Mị uống ực từng bát, uống như nuốt từng ngụm tủi hờn vào trong cổ, ứ nghẹn và sặc sụa chua chát. Những chén rượu như một chất xúc tác của tâm hồn, dẫn Mị về một miền thăm thẳm xưa kia. Thuở ấy, có cô Mị xinh đẹp rạng ngời, trẻ trung, dạt dào sức sống luôn tin yêu cuộc đời. Còn giờ đây, cô gái ấy đang trông ra cái ô cửa nhỏ bé để mường tượng cuộc đời ngoài kia, một cuộc đời với nụ cười ngày xuân mà cô hằng mong muốn được quay về một lần nữa. Trong lúc say sưa trong men say chếnh choáng, Mị vẳng nghe tiếng sáo “vọng lại, thiết tha, bồi hồi”:
Mị nhẩm thầm bài hát quen thuộc mà thời con gái cô hay hát:
"Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu".
Đây là âm thanh quen thuộc, đặc trưng của người Mèo ở vùng cao mỗi độ xuân về, là tiếng sáo gọi bạn yêu, như một tín hiệu riêng để nối kết những người tìm nhau, yêu nhau, bày tỏ thương yêu của mình. Âm thanh của tiếng sáo đã khứ hồi những cảm xúc cháy bỏng trong trái tim Mị, Mị “nhẩm thầm bài hát của người đang thỏi”, đây cũng là chi tiết được Tô Hoài dày công miêu tả và mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Bởi, Mị đã bắt đầu mở lòng mình ra.
Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, tiếng sáo được xuất hiện nhiều lần, trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau. Đó là tiếng sáo Mị nhớ lại trong quá khứ, về khoảng thời gian tươi đẹp của mình. Đó còn là tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, đến tiếng sáo văng vẳng đầu làng, “lửng lơ bay ngoài đường”. Cuối cùng là tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị. Tất cả cung bậc của tiếng sáo cũng như cung bật của lòng Mị, không phân định, cứ vang vọng một lời hờn trách thân phận, nhưng cũng yêu quý cuộc đời này vô cùng, Mị bồi hồi nhớ lại “những ngày xưa”, rằng có biết bao người đã ngày đêm thổi sáo đi theo Mị, lúc ấy - Mị xinh đẹp và tự do, yêu thương cháy bỏng trong lòng. Và tiếng sáo ấy, cộng hưởng với men rượu say sưa, với những chiếc váy hoa xòe đẹp đẽ, với không khí náo nhiệt của ngày xuân đang phủ khắp bản làng đã thôi thúc Mị đi tìm những đêm tình ngày xuân, khứ hồi một thời thanh xuân đẹp đẽ: “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
Và rồi trong lúc này, khi ngồi ngẫm nghĩ lại số phận của mình, Mị bắt đầu tháo gỡ sợi xích vô cảm trong chính bản thân. Mị đã suy nghĩ cho chính mình. Mị so sánh mình với bao người phụ nữ khác: Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi ngày Tết. Mị tìm lấy lý do để tiếp sức cho những mong muốn đang dần hồi sinh. Đây là diễn biến tâm trạng với nhiều cung bậc đan xen khi Mị ở trong căn buồng với cái lỗ sáng vuông bằng bàn tay, nghĩ về những ngày trẻ tự do và khát khao tự do mãnh liệt: “đã từ nãy Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Nhưng, kéo Mị lại thực trạng đau đớn chính là cuộc hôn nhân phi lí của mình, một cuộc hôn nhân “không có lòng mà vẫn phải ở với nhau”, và khi nhắc lại điều này, ý thức tự tử của Mị đã trở lại. Thực tế mà cô từng chấp nhận nay bỗng trở nên vô lí, khó cam chịu. Đột nhiên, Mị muốn chết: nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa vì nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn vang vọng bồi hồi:
"Anh ném pao, em không bắt,
Em không yêu, quả pao rơi rồi..."
Đây là một tình tiết đặc biệt trong thiên truyện, tình tiết mang giá trị nhân đạo sâu sắc mà Tô Hoài đã gửi gắm. Ngay trong lúc này, Mị muốn chết, nhưng chính mong muốn đó đã bộc lộ lòng ham sống mãnh liệt của Mị, bởi vì ý thức về bản thân chưa bao giờ mất đi trong Mị, và chỉ khi người ta mong muốn đến tột cùng một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa mà không tài nào có được, người ta mới muốn chết đi. Đó chính là sự phản ánh lại số phận nghiệt ngã, là khát khao muốn được tự do của Mị. Đây chính là sự thay đổi trong ý thức của cô gái Mèo đặc biệt ấy, cũng là nét tài hoa trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Ông dường như đã thấu hiểu từng xúc cảm, từng diễn biến tâm lý của Mị để đưa nó vào trang văn một cách sinh động đến vậy.
b/ Khát vọng tự do, hạnh phúc thể hiện trong Hành động nổi loạn:
Bao năm qua, Mị bị đọa đày trong nhà thống lý, mọi cảm xúc của cô hầu như tê liệt. Tinh thần phản kháng cũng vậy. Ấy vậy mà hôm nay, hơi men rượu cay nồng nàn dìu cô về với những khát khao ngày cũ, sự vùng dậy trong nhận thức đã làm Mị thức tỉnh và muốn được chết, hoặc phải sống cho ra sống, tuyệt nhiên không phải “sống không bằng chết” như thời gian qua. Và từ sự ý thức trong tâm hồn, Mị có sự thay đổi trong hành động. Lúc này đây, Mị không còn là một cỗ máy được lập trình sẵn nữa, Mị chủ động đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Cái ánh sáng mà con người ta vẫn thường mong muốn nhìn thấy mỗi khi cuộc đời vùi họ sâu trong những góc tối, ánh sáng tàu điện mà Liên và An hằng trông đợi mỗi đêm về, giờ đây, ánh sáng của chiếc đèn nhỏ nơi góc nhà, tuy bé mọn, nhưng cũng đủ làm Mị vui. Hành động ấy mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, đèn thêm sáng, có lẽ sẽ thắp cả cuộc đời Mị cũng sáng sủa lên chăng? Thứ ánh sáng ấy đã mở ra một niềm hy vọng mới, một thế giới tươi sáng hơn được “bắt đầu” với cuộc đời cô gái Mèo phố núi.
Thế rồi, Mị quấn lại tóc, lấy cái váy hoa chuẩn bị đi chơi. Mị vẫn còn trẻ lắm, vẫn sẽ xinh lắm nếu như có thể “vì mình” mà chăm sóc bản thân nhiều hơn. Mị lúc này đã nhận thức được như thế, Mị bước theo tiếng gọi của tiếng sáo, của những khát vọng trong lòng, Mị cởi sợi xích ràng buộc ra để sống thật với chính mong muốn của mình. Lúc này đây, hình ảnh một con người thực sự là con người được hiện ra rõ nét, Mị đã thoát được một hình ảnh không bằng con trâu, con ngựa, con rùa, bởi lẽ Mị đang mong chờ, tha thiết được hòa vào cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia, nơi có những tiếng sáo mùa xuân đang chờ Mị đến.
c/ Khát vọng bị dập tắt tàn nhẫn nhưng vẫn âm ỉ tiềm tàng:
Nhưng A Sử đã về, A Sử nhìn thấy Mị chuẩn bị đi chơi, hắn lập tức trói đứng Mị vào cột. Mị không giải thích, hắn cũng chưa bao giờ muốn nghe Mị nói. Thế là hình ảnh một “người chồng” đang dùng sợi dây xích của tàn bạo, độc ác trói vợ mình, giam hãm cả thanh xuân của cô ấy. A Sử cuốn luôn mái tóc thanh xuân của Mị vào cột, không cho cúi hay nghiêng, nước mắt Mị rơi xuống cổ không lau đi được, trơ ra nhìn từng dòng lệ khô cạn trên mặt, trên cổ mình. Một cảm giác chơ vơ đến tận cùng, hình phạt ấy như sự tra tấn dã man thời trung cổ. A Sử ở đó như đại diện cho cường quyền, thần quyền, tuyệt tình gạt phăng đi những khát khao trong lòng cô gái trẻ.
Mị đứng trong gian phòng đầy bóng tối, sợi dây trói không giam được tâm hồn của cô, “Mị vùng bước đi”. Câu văn ngắn gọn miêu tả một hành động nhanh gọn, một hành động đại diện cho tâm hồn và mong mỏi của Mị vẫn chưa bị sợi dây trói làm cho khựng lại. Đó là sức sống tiềm tàng trỗi dậy mãnh liệt, là sự phản kháng, chống lại mọi bức bách mà cô phải chịu đựng, dù sức phản kháng ấy không đủ để phá tan sợi dây trói. Hơi men của rượu vẫn len lỏi vào tâm hồn cô, thế nhưng, ai có thể say mãi để mạnh mẽ mãi trong cuộc đời? Mị dần tỉnh, men rượu tan, tiếng sáo cũng biến mất, Mị trở về với hiện thực phũ phàng, với sợi dây trói đau đớn mà mình đang gánh chịu. Lúc này, Mị thổn thức nghĩa mình không bằng con ngựa, bởi lẽ con ngựa khi bị trói còn có thể cựa quậy, gãi chân, nhai cỏ, còn Mị, ngay cả cái nghiêng đầu còn khó khăn. Mị cựa quậy tự xem mình có đang còn sống, trong lúc nửa tỉnh nửa mê ấy, Mị tưởng như mình đã chết đứng ở đấy, Mị mông lung và chơi vơi. Và rồi, ngọn lửa trong lòng Mị nguội dần, còn đâu tiếng sáo, còn đâu ngày xuân mong mỏi. Mị trở về với hiện thực nguội lạnh, ngọn lửa khát vọng lùi sâu vào những hòn than ấm nóng, chờ đợi một ngày “hồi sinh” - như đêm mùa đông định mệnh sẽ tới.
2.3. Tiểu kết: Dù đã trở lại với thực tiễn tàn nhẫn, suốt đêm mùa xuân ấy, quá khứ vẫn nồng nàn tha thiết trong nỗi nhớ của Mị với hơi rượu tỏa, tiếng sáo rập rờn, tiếng chó sủa xa xa… Mị phải sống trong giằng xé đau đớn giữa khát vọng đã trở lại và cũng đã bị vùi dập tàn nhẫn, nhưng sau đêm hội mùa xuân ấy, có lẽ nó sẽ mãi còn ám ảnh, thao thức trong lòng Mị, dù chỉ mơ hồ, xa thoảng.
Sau đêm tình mùa xuân ấy, thái độ và dáng vẻ bên ngoài của Mị dường như lại quay về với con người cũ: nhẫn nhục và vô cảm. Tuy nhiên, sức sống vẫn âm ỉ tiềm tàng đâu đó trong lòng Mị, đó là điều mà thậm chí chính Mị cũng chưa nhận ra. Có lẽ, cô vẫn nghĩ lòng mình đã chết hẳn và không thể ngờ rằng sức sống mãnh liệt ấy sẽ trở về với cô trong một đêm đông lạnh lẽo ở Hồng Ngài.
3. Đánh giá chung về Nội dung và Nghệ thuật.
C. KẾT BÀI:
- Khẳng định vấn đề nghị luận.
- Liên hệ, mở rộng (các em có thể liên hệ, mở rộng trong quá trình làm bài hoặc ở phần 3 đều được nhé).
Nguồn: Chi #linhin - Thưởng Thức Sách.
 
  • Like
Reactions: jehinguyen
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom