Sử Niên biểu các sự kiện lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Lời người soạn: bài này liệt kê các sự kiện lịch sử (có chọn lọc) về quá trình xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc từ thế kỷ XV cho đến nay. Các sự kiện trên được chọn lọc và sắp xếp từ một loạt các tài liệu tham khảo được nghiên cứu, chọn lọc kỹ để các bạn dễ hình dung, các tài liệu trên sẽ được liệt kê ở cuối trang này.

- Ngày 25/4/1490, Lê Thánh Tông cho vẽ "Hồng Đức bản đồ", lần đầu tiên đề cập đến tên gọi quần đảo Trường Sa: Hồng Đức Bản Đồ phác họa từ thời Lê Thánh Tôn (1470-1498), vào ngày mồng 6 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (25 avril 1490); bản đồ có ghi nơi đất liền “Trường Sa nhất nhật trình”, tất nhiên đây không phải là quần đảo, mà là bờ biển chạy dài từ cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cho tới Phá Tam Giang (Thừa Thiên) qua các cửa Tùng Luật và Việt Yên (Quảng Trị). Bờ biển đầy cát trắng mênh mông, phải đi mất một ngày (nhất nhật trình). Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1555) cũng có nhắc tới Trường Sa đã chỉ định dải cát trắng dài dằng dặc chạy suốt duyên hải Bình Trị Thiên.
- Năm 1595, bản đồ của Van Langren (Hà Lan) đề cập đến tên gọi "Paracel" cho quần đảo Hoàng Sa:
Theo giáo sư Pierre Yves Manguin, danh từ Ilhas do Parcel (Paracels) do người Bồ Đào Nha đặt ra. Trong từ ngữ của họ, danh từ Parcel có nghĩa là “đá ngầm” (récif), cao tảng (haut-fond). (Xem biên khảo “Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Campa) đăng trong Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient, année 1972, page 74)
- Đầu thập niên 30 của thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho lập đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa ra đời ở Cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính chất dân sự, vừa mang tính chất quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý nhà nước ở Biển Đông. Đứng đầu đội Hoàng Sa là một "cai đội", những thành viên trong Đội được gọi là "lính". Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do Vua, Chúa ban.
- Năm 1631, người dân xã An Vĩnh (Quảng Ngãi) tâu xin chúa Nguyễn Phúc Lan lập thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm. Nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm 1775, do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: “Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người…”.
- Ngày 20/7/1634, Chúa Nguyễn giúp đỡ người Hà Lan gặp nạn ở quần đảo Hoàng Sa: Vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), 3 chiếc tàu biển đăng ký tại Hà Lan từ Batavia (Indonesia) đến Tuoranne (Đà Nẵng) cùng nhổ neo đi Đài Loan. Ngày 21, trên đường biển tại tọa độ khoảng 15 vĩ độ và 115 kinh tuyến, các tàu đã gặp bão nên lạc hướng, trong đó, 1 chiếc bị đắm gần tọa độ nêu trên, nơi có quần đảo Hoàng Sa. Thủy thủ để lại 50 người ở lại đảo, mang theo 2 người vào duyên hải xứ Đàng Trong xin giúp đỡ, và được đi nhờ tàu Nhật Bản về xứ Batavia (trích Ký sự Batavia (Journal de Batavia) của Công ty Đông Ấn - Hà Lan xuất bản).
- Năm 1636, quân dân của đội Hoàng Sa giúp tàu Hà Lan: Ngày 6-3-1636, tại Hội An, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc “chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã được các người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux”. Ông có nhiệm vụ xin được bồi hoàn số tiền đó. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng “những việc đó xảy ra từ thời Chúa trước (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, được miễn thuế. Nếu như sau này có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá được cứu hộ nữa”.
- Năm 1686, nhà địa lý học Đỗ Bá (tự Công Đạo) vẽ bản đồ xứ Quảng Nam trong tập bản đồ "Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư", trong đó có nói về việc xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa.
hinh7.jpg

Bản đồ có có đoạn văn viết bằng chữ Hán, nội dung như sau:
Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (chữ khoanh đỏ, tức Hoàng Sa), dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn”.

- Đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn Phúc Chu lập ra đội Bắc Hải, thuộc quyền cai quản của đội Hoàng Sa. Đội này có trách nhiệm khai thác hoá vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực “các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên”. Sách Phủ biên tạp lục chép: "Họ Nguyễn còn thiết lập đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm nhiệm vụ".
- Năm 1701, Một giáo sĩ phương Tây đi trên tàu Amphitrile từ Pháp sang Trung Quốc đã viết trong một lá thư rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam” (trích: J.Y.C. Trích dẫn trong bài “Bí mật các đảo San hô - Nhật ký về cuộc hành trình đến Hoàng Sa”. (Mystere des atolls - Journal de voyage aux Paracels) đăng trong tuần báo “Đông Dương” (Indochine) trong các số ngày 3, 10, 17 tháng 7 năm 1941 - Danh từ Vương quốc An Nam trong tài liệu chỉ nước Việt Nam thời bấy giờ.).
- Năm 1702, vào thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ tuần tiễu hải phận xứ Đàng Trong, kiểm soát các thương thuyền và đặc biệt thâu lượm được nhiều hàng hóa và kim khí, vật dụng tại quần đảo Hoàng Sa, đem về nộp cho Phủ Chúa tại Phú Xuân.
- Năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Chu đã phái người ra Trường Sa đo đạc. Trong mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 10 ghi rõ: tháng 4 mùa hạ, năm Tân Mão (1711): “Sai người đi đo đạc bãi biển Trường Sa, chiều dài, ngắn, rộng, hẹp là bao nhiêu”.
- Năm 1741, quyển sách Toản tập Thiên nam lộ đồ vẽ năm Cảnh Hưng thứ hai, có vẽ về "Bãi Cát Vàng" (tức quần đảo Hoàng Sa): Trong sách này, bãi cát ấy mang tên Tràng sa và trên hình nó có thêm ba chữ Quá nhất-nhật, nghĩa là đi đến đó phải hơn một ngày. Hình đảo ở xa ngoaì bể. Giữa khoảng bể từ cửa Sa-kì (cửa sông Tam kì) đến bãi Tràng sa có vẽ hình một đảo có núi đề tên Du-tràng sơn (viết lầm ra Chữ Tràng là dài, chính phải viết chữ Trường là xưởng, là nhà…).
- Tháng 11/1759, tranh chấp giữa hai làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa. Theo văn bản có nội dung xử lý việc kiện tụng của phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và làng Mỹ Lợi, lập ngày 19-9 năm Cảnh Hưng 20 (6-11-1759) về việc tranh chấp giữa hai làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa; cho thấy cách đây 250 năm, chúa Nguyễn đã có quân trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.
- Tháng 7/1754, “dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa [Nguyễn Phúc Khoát] sai viết thư [cám ơn]” (theo Đại Nam thực lục, tr.164)
- Năm 1774, "Giáp Ngọ bình Nam đồ” - bản đồ xứ Đàng Trong do Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.
- Năm 1775, dân Cù lao Ré nộp đơn xin vua Tây Sơn cho lập lại đội Hoàng Sa. Ngày 15 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) cai hợp Hà Liễu ở phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã làm đơn xin với chính quyền Tây Sơn được lập lại Đội Hoàng Sa và Quế Hương, sẵn sàng vượt biển ra các cù lao ngoài biển để làm nhiêm vụ theo thông lệ và sẵng sàng ứng chiến chống kẻ xâm phạm
- Năm 1776, chúa Nguyễn đặt Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi (theo Phủ biên tạp lục). Theo sách vừa trích dẫn, Lê Quý Đôn chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi.
- Năm 1786, dân Cù Lao Ré đã xin vua Thái Đức chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại (trích từ tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré)
- Tháng 1/1786, vua Tây Sơn là Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc quyết định sai phái Hội Đức Hầu, cai Đội Hoàng Sa, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển ra thẳng Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển.
- Năm 1793, bản Ngự phê lời tâu của dân xã An Vĩnh về việc dâng nộp các loại đồi mồi, hải ba, quế hương ở Hoàng Sa cho vua và xin miễn sưu dịch đã được thánh chỉ ban thưởng vàng và phê “chuẩn cho”. Văn bản chép rõ: “Niên hiệu Thái Đức năm đầu đến năm thứ 15 (1778-1792)” và “niên hiệu Cảnh Thịnh năm đầu đến năm thứ 9 (1793-1801). Khi ấy John Barrow là phái viên của phái bộ Macartney đi từ Anh sang Trung Quốc có ghé qua khu vực Đà Nẵng vào tháng 6 năm 1793 (dưới triều vua Quang Toản), trong A Voyage to Cochinchina, in the year 1792-1793 (Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, vào những năm 1792-1793) mô tả: “Tàu thuyền xứ Đàng Trong có nhiều kiểu dáng khác nhau, được dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa)”.
- Năm 1802 (đầu niên hiệu Gia Long), “cũng phỏng theo chế độ cũ, đặt Đội Hoàng Sa” (theo Đại Nam Nhất Thống Chí).
- Tháng 7/1803, vua Gia Long cho phép đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII đã ghi rõ: “cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”
- Tháng 1/1804, vua Gia Long giao cho đội Hoàng Sa có nhiệm vụ do thám và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa; đồng thời chức cai Đội Hoàng Sa kiêm chức cai cơ Thủ Ngự mà Thủ Ngự lại có nhiệm vụ do thám ngoài biển. Đơn xin của phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 01 tháng 02 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã ghi rõ nhiệm vụ này. Ngoài ra, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XXII ghi rõ: Võ Văn Phú được sai tái lập Đội Hoàng Sa, chính khi ấy là Thủ Ngự cửa biển Sa Kỳ.
-
Năm 1813, vua Gia Long cho xây Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An (thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay). Đây là một pháo đài quân sự kiên cố hình tròn, chu vi 285m, cao 6,3m, dày 4m; xung quanh có hào nước sâu bao bọc, trên đắp 99 ụ súng, ngoài đóng cọc, xây kè và cho trồng 4000 cây dừa để ngăn sóng biển. Theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí, trong thời Nguyễn đã có hàng chục tòa pháo đài, đồn bảo, cửa tấn được xây dựng kiên cố dọc theo vùng biển của đất nước bao gồm cả trên bờ và các đảo gần bờ từ Bắc chí Nam. Tại kinh đô Huế, ngoài tuyến phòng thủ từ xa và tuyến phòng thủ trung tâm trên đường bộ, triều Nguyễn còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đồn lũy, cửa tấn ven biển.
- Năm 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đường biển (theo Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển 50)
- Năm 1816, nhà vua tiếp tục sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyển ra Hoàng Sa để thăm dò đường biển (Theo Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển 52)
- Năm 1817, vua tiếp nhận địa đồ đảo Hoàng Sa do thuyền Ma Cao vẽ và dâng lên, ban thưởng 20 lạng bạc cho họ về việc này.
- Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, lập ra Nội các và các Bộ để thực thi việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Căn cứ vào các châu bản, các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường gồm có cơ quan Nội các, bộ Công, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Lại và các quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... Bộ Binh đảm nhiệm công việc điều quân, tuần tra cương giới lãnh thổ trên biển. Bộ Công đảm nhiệm công việc khảo sát, xây dựng, quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (trích theo hai tư liệu: (1) Tờ châu bản của quan tỉnh Quảng Ngãi đề ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15(1834) lưu giữ tại gia đình ông họ Đặng ở đảo Lý Sơn, hiện đã được trao tặng cho ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao; (2) Châu bản đề ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức 22 (1869) có dòng châu phê: Việc này bộ Binh đã tâu trình. Điều này chứng tỏ bộ Binh vẫn được giao nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi lãnh hải kể cả khi Pháp đã xâm chiếm Việt Nam)
- Tháng 2/1823, châu bản ngày 3.3 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), trấn thần Nghệ An Nguyễn Văn Xuân kính tâu: “Tháng 12 năm ngoái, nhận được công văn của sở Tào Chính về nhận được dụ chỉ: Năm nay việc vận chuyển lương thực của nhà nước ở hai quân thứ Bắc thành và đạo Ninh Bình (*), truyền cho trấn sức các nhân viên coi giữ các cửa biển tuần hành xem xét các tàu biển qua lại rồi lần lượt làm biểu tâu trình. Chúng thần đã ra lệnh ngay cho các nhân viên coi giữ ngày đêm tuần hành, dò la tin tức, rồi theo thứ tự tâu trình, đồng thời thúc giục các tàu thuyền lẻ vào đỗ ở cảng phải ra khơi đi theo đoàn”

- Năm 1830, đội Hoàng Sa giải cứu thành công tàu buôn Pháp gặp nạn ở Hoàng Sa. Châu bản triều Nguyễn về việc cứu nạn tàu buôn nước Pháp ở khu vực Hoàng Sa: “Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830), chủ thuyền buôn nước Pháp là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Philipinnes buôn bán. Thuyền qua phía Tây Hoàng Sa thì bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 thước. Thương thuyền đã dọn gấp hai rương tiền bạc cùng một số dụng cụ, đồ ăn chia lên 2 chiếc thuyền nhỏ theo gió trở vào bờ. Thuyền của Tài phó Y-đoá về được bờ mà thuyền của thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng thuyền viên và hòm tiền bạc thì thất lạc”.
Các Châu bản về việc cứu nạn này được tường trình chi tiết và được Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng báo cáo liên tục đến nhà Vua. Phía Việt Nam đã cho thuyền tuần tiễu của triều đình đi tìm kiếm và “đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn.”

- Ngày 27/6/1830, tại năm Minh Mệnh thứ 11, bản tấu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ trình bày việc cứu giúp thuyền buôn của Pháp bị mắc kẹt ở Hoàng Sa ngày 27/6/1830 được chuyển ngay tới Nội các của triều đình và nhanh chóng được vua ngự phê.
Tháng 7/1833, vua Minh Mạng cử đội dân binh ra Hoàng Sa để trồng cây cối, giải cứu tàu mắc cạn. Đại Nam thực lục chính biên, quyển 150 viết rõ: “Tháng tám mùa thu năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)... Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mảnh, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.
- Năm 1834, văn bản cổ họ Đặng cho biết tỉnh Quảng Ngãi trong năm 1834 đã chuẩn bị 4 thuyền, trong đó có 1 thuyền dành riêng cho ông Võ Văn Hùng đi với 8 thủy thủ ở tỉnh Quảng Ngãi ra làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa. "Đại Nam thực lục" thống kê có 7 thuyền ra Hoàng Sa, chưa kể đến thuyền của triều đình cử ra
- Năm 1835, Vua Minh Mạng truyền lập miếu Hoàng Sa dựng bia đá và tấm bình phong
- Tháng 7/1835, bản Dụ ngày 18-7 năm Minh Mạng 16 (1835) được lưu trữ trong tập Châu bản Minh Mạng 54, trang 92. Nội dung có đoạn viết: "Chuyến đi Hoàng Sa lần này, công vụ hoàn tất. Riêng Cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công hồi đã trì hoãn, có Chỉ giao Bộ Công trị tội. Nay phạt 80 trượng cho phục chức Cai đội. Các tên Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ họa đồ Hoàng Sa chưa chu tất, phạt mỗi tên 80 trượng. Các tên hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh thưởng mỗi tên một tiểu "Phi Long ngân tiền”. Binh thợ, dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo thưởng mỗi tên 1 quan tiền.”.
- Tháng 1/1836, bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12-2 năm Minh Mạng 17 (1836) nằm trong tập Châu bản Minh Mạng 55, trang 336. Châu phê (Vua phê): "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân (Minh Mạng 17), họ tên Cai đội Thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Đã phái Thuỷ quân Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật giờ Mão hôm qua đi Ô - thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ này. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi. Châu cải (Vua sửa lại): "Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện”. Châu phê: "Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”.
- Tháng 11/1836, vua Minh Mạng giúp đỡ tàu Anh bị mắc cạn ở Hoàng Sa: Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu lại có chép cả về vụ tàu buôn Anh-CátLợi qua bãi Hoàng-Sa bị cạn như sau: “ Tháng 12 năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17(1836) tàu buôn Anh-Cát-Lợi qua bãi Hoàng-Sa bị cạn phải ghé vào bãi biển Bình-Định với hơn 90 người. Việc này tấu trình lên nhà Vua, Ngài bèn sai lựa nơi cho các người lâm nạn tạm trú và hậu-cấp tiền-gạo cho họ, khiến chủ tàu cùng toàn thể thủy thủ rất cảm kích. Kế đến, Ngài lại sai ái bộ Nguyễn Tri Phương dẫn những người ấy xuống tàu theo Hạ-châu để học trở về Anh-Cát-Lợi

2011_170_12_anh2.jpg

Bản dập Mộc bản phản ánh nội dung vua Minh Mạng phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa

- Tháng 7/1837:
+ bản Tấu của Bộ Công ngày 13-7 năm Minh Mạng 18 (1837) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 244. Tấu rằng: Lần đi Hoàng Sa này trở về, trừ bọn Kinh phái Thuỷ sư Suất đội Phạm Văn Biện, hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, đà công Lưu Đức Trực khởi hành chậm trễ đã bị xử phạt. Nên chăng chiếu lệ thưởng tặng cho binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo, xin đợi Chỉ.
+ bản Dụ ngày 13-7 năm Minh Mạng 18 (1837) lưu tại tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245. Nội dung có đoạn: "Trước có phái Thuỷ sư, Giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm 4 tên can tội đã có Chỉ phạt trượng. Còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh định một tháng lương, dân phu mỗi tên 2 quan tiền”.
+ văn bản Tấu của Bộ Hộ ngày 11-7 năm Minh Mạng 17 (1837) lưu tại tập Châu bản Minh Mạng 57, tr 211, có đoạn ghi: "Xin 5 ngày cứu xét tấu sách của Quảng Ngãi xin khai tiêu (thanh toán) việc chi cấp lương tiền cho dân phu công vụ Hoàng Sa”.
- Tháng 7/1838, bản Tấu của Quảng Ngãi ngày 19-7 năm Minh Mạng 19 (1838) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 64, tr.146. Một đoạn Tấu viết: "Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho 2 chiếc "Bản chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về”.
- Tháng 4/1838, bản Tấu của Bộ Công ngày 2-4 nhuận (tháng 4 nhuận) năm Minh Mạng 19 (1838) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 68, trang 21. Một đoạn Tấu viết: "Việc phái vãng để đo đạc giáp vòng Hoàng Sa kỳ năm nay, ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được, xin tấu trình”.
2011_170_12_anh3.jpg

Vua Minh Mạng người có nhiều chỉ dụ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

- Tháng 5/1838, nhà vua cử nhiều đoàn ra khảo sát Hoàng Sa. Mỗi đoàn đi khảo sát Hoàng Sa đều có báo cáo. Châu bản ghi ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) cho biết kết quả của đoàn đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa năm 1838: đoàn đã khảo sát được 25 đảo (trong đó đoàn đã đi khảo sát lại 12 đảo mà các đoàn trước đã đến, và khảo sát được 13 đảo chưa có đoàn nào đến).
- Tháng 6/1838, vua Minh Mạng miễn thuế với các thuyền công vụ đi Hoàng Sa và Trường Sa. Việc kê khai xin miễn thuế cho thuyền đi công vụ ở Hoàng Sa được ghi rõ trong văn bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi tấu trình. Bản tấu ghi rõ kích cỡ, nguồn gốc các loại tầu thuyền, số lượng, quê quán từng người trên tầu thuyên. Bản tấu cũng đã được nhà vua chuẩn y.
- Tháng 7/1839, chỉ huy đội Hoàng Sa là Suất đội Thủy sư Phạm Văn Biện cùng thủy quân, binh phu đi Hoàng Sa bị gió bão đánh tan nát nên đến tháng 7 năm Minh Mạng thứ 20 (1839) mới “lục tục” về đến kinh thành. Hỏi vì sao, đoàn thuyền đi Hoàng Sa lần này cho biết, họ đã nhờ thủy thần cứu giúp. Vua Minh Mạng sai Bộ Lễ chọn địa điểm ở cửa biển Thuận An đặt đàn cúng tế tam sinh nhằm cảm tạ thủy thần, rồi thưởng tiền cho Phạm Văn Biện, các biền binh và dân phu đi theo (Đại Nam thực lục, Tập 5, tr. 532).
- Tháng 1/1847, văn bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 26-1 năm Thiệu Trị 7 (1847) lưu tại tập Châu bản Thiệu Trị 42, trang 83. Đáp rằng: "Tháng 6 năm Thiệu Trị 5 (1845) phụng Sắc về việc đình hoãn vãng thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi Chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kỳ này hay không? Châu phê (vua phê): "Đình hoãn”.
Châu bản thứ mười một là bản Tấu của Bộ Công ngày 28-12 năm Thiệu Trị 7 (1847) lưu tại tập Châu bản Thiệu Trị 51, trang 125. Có đoạn viết: "Hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại. Năm 1845 có Chỉ đình hoãn kỳ vãng thám 1846. Vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin được đình hoãn. Châu phê: "Đình hoãn”.
- Tháng 12/1847, vua Thiệu Trị khẳng định Hoàng Sa là thuộc lãnh thổ nước ta: Châu bản ngày 28-12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) do Bộ Công trình tấu có nêu rõ: “Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”.
- Năm 1849, mặc dù đã hoãn việc xem xét thông thuộc đường biển, nhưng triều đình Nguyễn vẫn bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...
- Năm 1853, vua Tự Đức cho khắc in sách Khải đồng thuyết ước, dùng để dạy cho trẻ em, trong đó có in hình bản đồ Đại Nam và trên đó ghi rõ địa danh Hoàng Sa chử (bãi Hoàng Sa).
- Năm 1869, có một chiếc tàu đi từ Phúc Kiến sang Singgapore đi qua Hoàng Sa, Trường Sa bị đắm ở đó, chúng ta đã tổ chức cứu hộ cứu nạn một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh. Lúc này Bộ Hộ tâu lên vua Tự Đức. Vua tự Đức phê: ‘Việc này Bộ Binh đã báo cáo rồi, sao bây giờ mới báo cáo’. Điều này cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền đầy đủ, quy củ, trách nhiệm”.

- Tháng 5/1863, vua cử cai đội thủy binh Lê Non tuần tra trên biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận (tức gồm cả Trường Sa). Nội dung sắc phong 1863 như sau: “Thí sai Suất đội Lê Non thuộc đội 5 đội thủy vệ Bình Thuận đã kinh qua chức Thí sai do viên Cai tỉnh đề cử. Nay Bộ binh đồng ý chuẩn y bổ thụ giữ chức Chánh đội trưởng Suất đội Suất nội đội binh thủy đồng thời cai quản việc điều động người thi hành công vụ. Nhược bằng không làm tròn nhiệm vụ thì theo luật binh mà xử phạt. Kính đấy!”. Ngày 29 tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (1863).
- Tháng 4/1869, vua lại ra sắc phong Lê Non kế tục anh mịn quản lý bờ biển Trường Sa: “Hiệp quản Lê Non thuộc Tinh binh Suất đội thủy vệ Bình Thuận đã được ân chuẩn thăng một trật, nay Cai tỉnh y theo đó chuẩn thăng làm Cai đội tinh binh đồng thời cai quản đội biện binh. Phàm mọi việc cứ y theo lệ mà thừa hành. Nhược bằng không làm tròn nhiệm vụ thì theo luật binh mà xử phạt. Kính đấy!”. Ngày 8 tháng 5 năm Tự Đức thứ 23 (năm 1869).
- Tháng 12/1868, Bản tấu của Bộ Hộ ngày 22/12 năm Tự Đức 22, với nội dung Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư đã trích tiền gạo cấp phát để cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh đi làm thuê trên một chiếc thuyền và bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam).
-Năm 1874, Hiệp ước Giáp Tuất ký giữa triều đình Huế với Pháp đã công nhận Pháp sẽ bảo hộ quần đảo Spratley về phương diện quốc tế công pháp (điều 2 và 3 của Hiệp ước)
- Năm 1892, tàu nước ngoài vào đo đạc ở Hoàng Sa: Theo như đã ghi chép trong Niên-giám Thủy-lộ học (Annales hydrographiques) phát hành vào năm 1893, thời nhiều cuộc trắc-lượng hải-để đã được thực-hành bởi hai chiếc tàu Egeria và Penguin (có lẽ của Hoa kỳ hay Anh quốc) vào năm 1892. Tàu Egeria thám-sát biển Đông-Hải vào những tháng ba, năm, sáu và bảy năm 1892 đã trắc-định bề sâu cực-độ của biển Đông-Hải là 4.000 mét ở phía Đông quần-đảo Paracels. Còn tàu Penguin trắc-lượng hải để ở biển Đông-Hải vào tháng tư và tháng ba năm 1892 đã trắc-định bề sâu cực-độ của biển Đông-Hải là 3.900 mét ở phía Nam quần-đảo Paracels.
- Năm 1898, Bộ Thuộc địa và Phủ Toàn quyền Đông Dương đã đề cập đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Công văn của Vụ Châu Á-Châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Pháp có đoạn viết: “…nhằm ngăn cản một cường quốc khác đứng trên các đảo đó (Hoàng Sa), có lẽ có lợi ích là nên xây dựng một hải đăng trong quần đảo này để khẳng định chủ quyền của chúng ta…”
- Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933, năm 1899 Tòan quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra lệnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, dự án này đã không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Về sự kiện này, tờ La Nature nhận xét: "Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam mà những hòn đảo này (quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này. Phải nhận thấy rằng họ đã hoàn toàn phớt lờ trách nhiệm cho đến hôm nay. Lý do vì lợi tức ít ỏi hoàn toàn không biện bạch được cho sự thờ ơ này”. Tuy vậy, hải quân Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu vùng biển này để giữ an ninh và cứu giúp các tàu thuyền bị đắm.
- Năm 1920, Nha Thương chánh (Douanes) đã tổ chức những cuộc tuần du chung quanh đảo Hoàng Sa, để ngăn ngừa buôn lậu.
- Năm 1925, Hải học viện Nha Trang có gửi một phái đoàn bác học, đi trên tàu De Lanessan, ra Hoàng Sa để nghiên cứu tường tận tại chỗ. Phái đoàn nhận thấy quần đảo này chứa đựng rất nhiều phốt phát.Phái đoàn cũng khảo sát nhiều bằng chứng rằng quần đảo Paracels nằm trên một cao nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục địa Việt Nam
- Ngày 3/3/1925, Ông Thân Trọng Huề, Thượng thư Bộ Binh cũng đã tuyên bố chủ quyền của An Nam đối với Hoàng Sa là không có gì phải tranh cãi.”
- Ngày 8/3/1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đất của nước Pháp. Quyết định này xuất phát từ những lý do an ninh và chiến lược phòng thủ Đông Dương, được Khâm sứ Trung Kỳ Le Fol phân tích trong lá thư gửi Toàn quyền Đông Dương, với nhận định: “Trong tình hình hiện nay, không ai phủ nhận tầm quan trọng chiến lược rất lớn của các đảo Paracels (Hoàng Sa). Trong trường hợp có xung đột, việc nước ngoài chiếm đóng chúng sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng nhất có thể có đối với việc phòng thủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang.
- Năm 1927, chiếc tàu De Lanessan đã tới tận quân đảo Spratley (Trường Sa) để khảo sát, sau khi đã khảo sát tại Paracels (Hoàng Sa).
- Tháng 11 năm 1929, Thượng nghị sĩ De Monzei viết thư cho Bộ trưởng Thuộc địa rằng: “các quyền của nước An Nam, và do đó của nước Pháp, đối với quần đảo Hoàng Sa dường như không thể tranh cãi từ thế kỷ XVII và các đảo này là một địa điểm tốt nhất cho việc đặt một trạm vô tuyến điện để báo trước các trận bão.”
- Năm 1930, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã chính thức cử một phái đoàn ra cắm cờ tại quần đảo Spratley. Phái đoàn đi trên chiếc tàu “La Malicieuse”. Công việc thâu nhận từng hòn đảo bắt đầu từ ngày 13 tháng 4 năm 1930, với đảo Spratley; tiếp theo là đảo Caye d’amboine thâu nhận ngày 10.4.1933, nhóm Hải Đảo (Groupe des deux iles) thâu nhận ngày 10.4.1933 ; đảo Loaita thâu nhận ngày 11-4-1933; đảo Thi Tu thâu nhận ngày 12-4-1933. Công việc thâu nhận từng hòn đảo (prise de possession) này bao gồm tất cả những hòn đảo con con rải rác chung quanh những hòn đảo chính đã kể trên kia. Một bản thông báo chính thức đã được đăng tải trong Công báo Đông Dương (Journal Officiel de l’Indochine ngày 25 septembre 1933, trang 7784).
- Tháng 10/1930, Bức thư của Toàn quyền Pasquier, ngày 18/10/1930 khẳng định rõ ràng hơn nữa chủ quyền của Pháp đối với quần đảo này. Bức thư chỉ rõ, Pháp có đầy đủ hồ sơ chứng tỏ rằng các quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
- Từ năm 1931 đến 1932, Pháp cử các tàu ra Hoàng Sa: Tháng 3-1931 tàu Inconstant ra quần đảo Hoàng Sa. Tháng 6-1931, tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa. Tháng 5-1932, pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa.
- Ngày 30/3/1933, vua Bảo Đại ra Dụ số 10 đặt quần đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Thừa Thiên.
- Ngày 21/12/1933, bằng Nghị định N4762-CP, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
- Tháng 2/1937, tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó đô đốc Istava chỉ huy thăm quần đảo Hoàng Sa.
- Ngày 26/11/1937, Pháp phái kỹ sư trưởng công chính J. Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ và các điều kiện định cư ở quần đảo này.
- Ngày 29/3/1938, vua Bảo Đại ra dụ sát nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Dụ có đoạn: “Chiếu chỉ các Cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các Cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Nghĩa: đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các Cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Nghĩa. Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên Đại diện Chánh phủ Nam triều uỷ phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chánh phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn. Dụ: Nay thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Độc khoản: - Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên: về phương diện hành chánh, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”.
- Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên
- Tháng 6/1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa.
- Ngày 3/2/1939,châu bản thứ nhất ghi ngày 15.12 năm Bảo Đại thứ 13 (tức 3.2.1939), do quan Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh, tâu lên nhà vua xin phê chuẩn đề nghị của Tòa khâm sứ Trung kỳ, ban thưởng huân chương Long Tinh hạng tư cho ông Louis Fontan, giữ chức Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại quần đảo Hoàng Sa vừa qua đời tại Nhà thương Huế (Bệnh viện T.Ư Huế ngày nay);
- Ngày 15/2/1939, châu bản thứ 2 đề ngày 27.12 năm Bảo Đại thứ 13 (15.2.1939) tặng huy chương Long Tinh cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ do đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và lập đồn thủ ở đảo Hoàng Sa. Trên cả hai tờ châu bản, sau khi tiếp nhận tấu trình vua Bảo Đại đã chuẩn y với bút phê màu đỏ bên trái và ký tên BĐ (viết tắt chữ Bảo Đại). rất chú trọng việc tuần tra biển đảo quê hương.
- Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương J. Brévié ký quyết định tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị hành chính “Croissant và các đảo phụ thuộc” và Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.

- Đầu tháng 1/1947, một phái đoàn quân sự Pháp đến đảo Hoàng Sa.
- Ngày 14/10/1950, chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Năm 1951, Báo Pháp Le Monde, số 2060 ngày 9-10 tháng 9 năm 1951, đưa tin trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam trước 51 nước tham dự Hội nghị San Francisco.
- Năm 1953, tàu Ingénieur en chef Girod của Pháp khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương, địa chất, địa lý, môi sinh.
- Ngày 16/6/1956, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đồng thời cũng trong năm này, Chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối việc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
- Năm 1956, Chính quyền Sài Gòn đã ra nghị định về đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Cũng trong năm này, một đơn vị hải quân của chính quyền Sài Gòn đã thay thế hẳn hải quân Pháp trên quần đảo Hoàng Sa. Trên quần đảo vẫn có quân đội Sài Gòn đồn trú lại vẫn có một đài khí-tượng ở đó.
- Tháng 8/1956, một đơn vị hải quân của chính quyền Sài Gòn đã đến kéo cờ và dựng bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.
- Năm 1959, hải quân Sài Gòn đánh tan và bắt giữ 80 người TQ đột nhập vào đảo Hữu Nhật, Duy Mông và Quang Hòa.
- Năm 1960, Việt Nam Cộng hòa đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng 1 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27 tháng 6 năm 1961, bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa
- Năm 1961, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 174-NK ngày 13 tháng 7, đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, lại đặt xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang.
- Ngày 26/2/1961, Chỉ huy đảo Ducan (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) gửi Công điện số 25 cho Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam và Nha Bảo an TNTP về sự xuất hiện một chiếc thuyền hai lườn cách khoảng 3 cây số từ hướng Đông Bắc chạy vào eo biển của đảo Ducan. Trên đảo đã cho bắn chỉ thiên để gọi nhưng chiếc thuyền này không vào mà chạy luôn về hướng Bắc rồi cập lên một đảo nhỏ cách đảo Ducan chừng 10 cây số
- Ngày 11/4/1967, Nghị định số 809-NĐ-DUHC của chính quyền Sài Gòn đã cử ông Trần Chuân làm Phái viên hành chính xã đảo Định Hải (Quảng Nam).
- Ngày 21/10/1969, bằng Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
- Ngày 20/4/1971, Chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
- Ngày 13/7/1971, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó trong cuộc họp báo ngày 10- 7-1971.
- Tháng 7/1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn đã khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng trọt tại đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa), bước đầu đạt kết quả nhất định.
- Ngày 6/9/1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (tức chính quyền Sài Gòn) ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
- Ngày 20/1/1974, Trung Quốc đưa quân chiếm nốt phía tây để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (trích theo sách "PGS Nguyễn Thị Thế Bình (và những người khác), Giáo dục về biển đảo Tổ quốc Việt Nam (dành cho hs THPT), Nxb DHQG Hà Nội, 2017)
- Ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ; đồng thời, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
- Ngày 02/7/1974, tại kỳ họp của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS III) ở Ca-ra-cát (Vê-nê-xu-ê-la), đại diện Việt Nam cộng hòa đã cực lực lên án Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và tuyên bố chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa
- Tháng 2/1975, Chính quyền Sài Gòn đã cho công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng quốc tế.
- Ngày 5 và 6/5/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thông báo việc giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do Chính quyền Sài Gòn đóng giữ
- Tháng 9/1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức khí tượng thế giới (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của OMM dưới biểu số 48.860).
- Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã khẳng định rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.
- Tháng 10/1978, trong chuyến thăm chính thức Ma-lay-xi-a, Thủ tướng Phạm Đồng đã khẳng định: “Quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo An Bang là thuộc chủ quyền của Việt Nam; nếu có tranh chấp và hiểu lầm nào đó liên quan giữa hai nước sẽ được giải quyết thông qua thương lượng”.
- Ngày 20/9/1978, trong chuyến viếng thăm chính thức Cộng hòa Phi-líp-pin, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và thỏa thuận với Tổng thống Ferdinand Macos rằng hai nước sẽ giải quyết mọi bất đồng thông qua thương lượng.
- Ngày 28/9/1979 công bố Sách Trắng (Bạch Thư) giới thiệu nhiều tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Phi-líp-pin sáp nhập hầu hết quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Phi-líp-pin.
- Ngày 29/6/1981, Ủy Ban nhân dân đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã ra Quyết định số 359- QĐ/UB - ĐK xử lý vụ 15 thủy thủ quốc tịch Đài Loan xâm phạm trái phép vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
- Tháng 12/1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục công bố Sách Trắng Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.
- Ngày 9/12/1982, xuất phát từ nhu cầu quản lý hành chính cũng như để xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai (chú thêm: ngày 28/12/1982 huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Phú Khánh. Ngày 30/6/1989, Chính phủ tách tỉnh Phú Khánh nên huyện Trường Sa được sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa). Cùng thời điểm trên, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 194 - HĐBT thành lập huyện đảo Hoàng Sa, bao gồm các đảo của quần đảo Hoàng Sa, trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
- Năm 1984 và 1986, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố lên án Malaysia chiếm đóng trái phép một số đảo ở Trường Sa.
- Ngày 14/3/1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang và chiếm đoạt một số bãi đá ngầm tại Trường Sa.
- Ngày 6/11/1996, Quôc hội nước CHXHCN Việt Nam (khóa 10) ra Nghị quyết tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Do đó, huyện đảo Hoàng Sa nay thuộc thành phố Đà Nẵng
- Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Việt Nam là nước thứ 63 phê chuẩn Công ước này thông qua nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23/6/1994 và nộp lưu chiểu văn bản phê chuẩn vào ngày 25/7/1994.
- Tháng 4/2007, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa.
- Ngày 14/7/2010, tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII còn thông qua nghị quyết đặt tên đường Hoàng Sa và đường Trường Sa dọc theo tuyến đường ven Biển Đông. Thực ra từ năm 2004, đoạn đường từ Bãi Bụt đến giáp ngã ba đường Trần Quang Khải dài 6km cũng đã được HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI đặt tên là Hoàng Sa, năm 2010 được điều chỉnh nối dài về phía bắc (từ Bãi Bụt đến Bãi Bắc) và phía nam (từ ngã ba giáp đường Trần Quang Khải đến điểm cuối là đường Nguyễn Công Trứ).
- Ngày 25/11/2011, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội thứ XIII nước CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: "Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình".
- Ngày 21/6/2012 Quốc Hội khóa XIII của Việt Nam dã thông qua Luật Biển Việt Nam


Tài liệu tham khảo thêm:
1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. T.1, Bản dịch của Nxb KHXH Hà Nội, 1977.
3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí.
4. Châu bản triều Nguyễn, lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.
6. Tư liệu trích từ Web của Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam (phần thời Pháp thuộc)
7. thuvienphapluat.vn
8. danang.gov.vn (trích phần Pháp thuộc)
9. Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa của Tạp san Sử Địa, tập 29, Nxb Khai trí xuất bản năm 1974
10. biengioibienbentre.vn (công bố tư liệu của chính quyền Sài Gòn về Hoàng Sa)
11. tapchiqptd.vn
12. yenbai.gov.vn (phần: MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ, PHÁP LÝ VỀ CHỦ QUYỀN)
13. Nguyễn Thị Thế Bình (và những người khác), Giáo dục về biển đảo Tổ quốc Việt Nam (dành cho hs THPT), Nxb DHQG Hà Nội, 2017
14. Nguyễn Bá Diến, "Về chủ quyền lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 28 (2012)
15. baodanang.vn
 
Last edited:
Top Bottom