Sử Ôn Lại Lịch Sử Ngày Thương Binh, Liệt Sĩ 27/7

Status
Không mở trả lời sau này.

biobaby

Miss diễn đàn HOCMAI năm 2017
Thành viên
24 Tháng sáu 2013
580
334
154
24
Đồng Nai
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày Thương Binh, Liệt Sĩ 27/7. Khắp mọi miền Tổ quốc ta đang sôi nổi với các hoạt động kỷ niệm đầy ý nghĩa. Cho nên, các HMers hãy cùng nhau ôn lại lịch sử ngày 27/7 nhé.
Có tổng cộng 5 chủ đề thảo luận. Mỗi ngày mình sẽ đăng một chủ đề và một bài viết vào topic này. Chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra ý kiến và thảo luận nhé.


Ngày 1: Lịch sử ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, Cách mạng Tháng Tám đã lật đánh đổ ách thống trị của Pháp và Nhật, đập tan chế độ quân chủ chuyên chế và đi đến thành công. Kết quả của cuộc cách mạng là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Cuối tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp núp sau quân Anh - Ấn, thực hiện âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Chúng gây ra nhiều cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Ở Bắc Bộ, khi vào thay thế quân Tưởng Giới Thạch giải giáp quân Nhật, quân đội Pháp lại gây ra những vụ bắn phá, giết hại nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng.

Trước tình thế đó, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu. Nhiều chiến sĩ, đồng bào bị thương và anh dũng hy sinh với quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do cho nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã dành tất cả tình yêu thương, sự cảm thông trước nỗi mất mát của gia đình có người đã hy sinh thông qua việc tận tình thăm hỏi, chăm sóc chu đáo gia đình của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn được thành lập tại Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm hội trưởng danh dự của hội này.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kháng chiến bùng nổ, chiến tranh lan rộng khắp toàn quốc. Số người mất và bị thương tăng nhiều, đời sống của chiến sĩ, đặc biệt là thương binh gặp nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, nhằm mục đích ổn định đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đầu tháng 7 năm 1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập. Trong cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc, hội nghị đã nhất trí đề nghị chọn ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Các đại biểu cũng nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.

Năm 1955, ngày 27 tháng 7 hằng năm được đổi thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Hằng năm, ngày Thương binh, Liệt sĩ là dịp để đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam tổ chức các hoạt động tưởng niệm đến những thương binh, liệt sĩ - những người có công chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Trong ngày này, chính quyền từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Hội cựu chiến binh tổ chức sôi nổi các hoạt động như đến thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, dâng hương, tảo mộ liệt sĩ, văn nghệ kỷ niệm và một nhiều hoạt động khác.

Ngày kỷ niệm này được xem là một biểu hiện tốt đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thế hệ mai sau sẽ luôn ghi khắc trong tim công ơn lớp người đã ngã xuống vì cuộc sống hòa bình hôm nay. Từ đó, lớp người đi sau sẽ càng quan tâm, chú trọng đến việc đền ơn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời, bằng lòng tiếc thương vô hạn cho những chiến sĩ đã ngã xuống cùng gia đình họ, mỗi người đang sống luôn tự nhủ với lòng: “Hãy sống sao cho xứng với những người đã khuất”. Từ nhận thức đó, mỗi công dân Việt Nam đã tiếp tục “chiến đấu” trong một thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhằm tiếp nối cha anh, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Qua bài viết này chúng ta đã ôn tập khá nhiều kiến thức lịch sử, tuy nhiên nó vẫn chưa đầy đủ hoàn toàn. Vì vậy, các bạn hãy bổ sung cho bài viết nhé.
 

biobaby

Miss diễn đàn HOCMAI năm 2017
Thành viên
24 Tháng sáu 2013
580
334
154
24
Đồng Nai
Ngày 2: Đôi nét về người Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Về huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng không thể không biết đến xã Xuân Trường. Địa danh này được đặt theo bí danh Xuân Trường của đồng chí Hoàng Văn Nhủng, người Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng (chưa rõ năm sinh – 05/02/1945) là người dân tộc Tày, quê ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Chứng kiến dân bản quê mình sống carnh lầm than, cơ cực dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người thanh niên Hoàng Văn Nhủng đã nung nấu khát vọng độc lập dân tộc.

Năm 1936, Hoàng Văn Nhủng cùng em là Hoàng Văn Vân được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc viên.

Năm 1939, hai anh em anh Nhủng bị bọn mật thám bắt giam. Dù bị tra tấn dã man và giam giữ khoảng nửa năm nhưng cả hai anh vẫn kiên quyết không khai báo nửa lời. Cuối cùng, bọn mật thám phải thả hai anh em. Được tự do, anh em Nhủng và Vân tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1940, Hoàng Văn Nhủng, với bí danh là Xuân Trường, có nhiều đóng góp trong phong trào thanh niên phản đế của châu Hà Quảng. Giữa năm 1940, Xuân Trường được cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) cùng một số cán bộ cách mạng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.

Đầu năm 1944, Xuân Trường về nước. Anh hoạt động cách mạng chủ yếu ở vùng Lục Khu, Hà Quảng và đóng góp rất nhiều cho công tác xây dựng đội vũ trang châu Hà Quảng.

Tháng 12 năm 1944, đồng chí Xuân Trường là một trong những đội viên đội vũ trang châu Hà Quảng được chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Sau chiến thắng vang dội của Đội ở hai trận Phay Khắt và Nà Ngần, tiểu đội do đồng chí Xuân Trường làm tiểu đội trưởng hành quân về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi lên đánh đồn Đồng Mu.

Trận đánh đồn Đồng Mu và sự hy sinh của Tiểu đội trưởng Xuân Trường được ghi lại chi tiết trong tập địa chí của xã Xuân Trường. Theo đó, đêm 4 tháng 2 năm 1945, quân ta tổ chức tấn công bất ngờ đồn Đồng Mu bằng ba mũi do ba đồng chí Quang Trung, Nam Long, Xuân Trường chỉ huy. Một mũi do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy đã đánh bật một toán lính đang tháo chạy, khiến chúng không còn đường thoát thân. Một tổ cho đồng chí Xuân Trường chỉ huy xung phong tiêu diệt tên gác cổng và nhiều tên khác. Anh xông vào sở chỉ huy địch với một thanh kiếm và khẩu súng ngắn. Khi đang lắp đạn, Xuân Trường bị trúng một phát đạn xuyên ngực, anh gục xuống, các tổ viên khác cũng đến nơi. Anh gượng dậy và gọi đồng chí Thế Hậu: “Mình bị trúng đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình bắn đi”. Thế Hậu chạy đến xốc Xuân Trường lên nhưng anh giục: “Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên”. Thế rồi, anh Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng.

Chiến đấu từ 23 giờ ngày 4 đến rạng sáng này 5 tháng 2 năm 1945, cuối cùng thắng lợi đã thuộc về quân ta. Trong trận đánh này, địch bị bắt sống và tiêu diệt rất nhiều, phía ta thu được nhiều súng đạn, nhưng một người đội viên đã hy sinh, liệt sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), đó là tiểu đội trưởng Hoàng Văn Nhủng, tức Xuân Trường. Đồng đội đã chôn cất Xuân Trường ở cánh đồng dưới chân đồn Đồng Mu, sau này mộ anh được đưa về quê nhà anh ở Sóc Hà.

Địch rút chạy khỏi đồn Đồng Mu, xã Ân Quang được giải phóng. Theo nguyện vọng của nhân dân xã Ân Quang được đổi tên thành xã Xuân Trường để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của liệt sĩ Xuân Trường.

Ngày 19 tháng 8 năm 1961, Thủ tướng chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và công nhận Hoàng Văn Nhủng là liệt sĩ.

Hy vọng những thông tin mình cung cấp sẽ giúp ích cho các bạn trong việc tìm hiểu lịch sử. <3
 

biobaby

Miss diễn đàn HOCMAI năm 2017
Thành viên
24 Tháng sáu 2013
580
334
154
24
Đồng Nai
Ngày 3: Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của câu nói
"Thương binh tàn nhưng không phế"
(Chủ tịch Hồ Chí Minh)
“Tàn” và “phế” thường được ghép chung với nhau là “tàn phế”, có nghĩa là bị tàn tật không thể làm gì được nữa. Nhưng thực tế thì không phải lúc nào “phế” cũng đi chung với “tàn”, chính Bác Hồ đã chứng minh điều đó.

Giao thừa năm Bính Thân (1956), Bác đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) và tặng cho anh em một chiếc áo do đồng bào miền Nam gửi tặng Người. Đêm 30 Tết Bính Thân (ngày 11 tháng 2 năm 1956), đông đảo anh em đến buổi liên hoan đón Giao thừa ở hội trường. Trong buổi nói chuyện với anh em, Bác đã nói một câu mà đến nay đã trở thành phương châm sống của thương, bệnh binh: Có trường thương binh hỏng mắt này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú “tàn nhưng không phế”. Các chú tùy theo sức của mình mà học tập và công tác.

Kể từ giây phút ấy, câu nói “Thương binh tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn động lực, niềm tin, hy vọng thật to lớn của thương binh, bệnh binh. Chính câu nói này đã mang đến cho cuộc đời thêm nhiều thương, bệnh binh tưởng như đã “tàn” nhưng lại làm được bao điều phi thường mà có khi người lành lặn và có nhiều điều kiện thuận lợi không làm được. Cuộc sống với một cánh tay, một cánh chân bị mất đi quả thật không dễ dàng với những thương binh nhưng những họ vẫn kiên cường, chọn cho mình một lối sống tích cực, chiến thắng số phận, tự hào về những cống hiến của mình cho Tổ quốc. Những lời vàng của Bác còn mang một sức lan tỏa lớn đến toàn xã hội. Thương, bệnh binh sẽ được tiếp thêm sức mạnh bởi sự động viên, cổ vũ tinh thần từ cộng đồng – nơi mà lòng biết ơn sâu sắc đối với thương, bệnh binh vẫn mãi hiện diện.

Nội dung này mình viết chưa được tốt lắm (diễn đạt chưa hay, nghèo ý tưởng). Mong các bạn sẽ giúp mình đưa ra nhiều ý kiến hay hơn về ý nghĩa của câu nói.

Nhân đây, mình muốn đưa ra một trò chơi nhỏ, có quà nhỏ cho các bạn cùng tham gia để hưởng ứng Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7Hành trình Theo bước chân những người anh hùng.
Nội dung trò chơi

- Các bạn hãy chụp ảnh bản thân khi tham gia các hoạt liên quan đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hoặc Hành trình Theo bước chân những người anh hùng như viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương, thăm và tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,...
- Mỗi bạn có thể gửi nhiều ảnh. Chủ nhân bức ảnh đẹp nhất với lượt like đáng kể sẽ nhận được 1 phần quà tinh thần nho nhỏ từ @biobaby
- Gửi ảnh trực tiếp tại topic, nhớ viết vài dòng caption :D Hạn chót nhận ảnh: 21h 27/7/2017.
Hy vọng các bạn sẽ nhiệt tình tham gia.

Hành trình “Theo bước chân những người anh hùng” được tổ chức tại 70 địa điểm di tích lịch sử cách mạng, các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7/2017, tập trung vào các hoạt động: Thăm, tặng quà, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thương binh, bệnh binh, gia đình người có công (NCC) với cách mạng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, xây dựng, sửa chữa nhà ở giúp NCC; chỉnh trang, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử; phẫu thuật miễn phí điều trị bệnh giúp NCC…
Nguồn: Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
 

biobaby

Miss diễn đàn HOCMAI năm 2017
Thành viên
24 Tháng sáu 2013
580
334
154
24
Đồng Nai
Ngày 4: Những ca khúc xúc động về ngày Thương binh, Liệt sĩ

Màu hoa đỏ – Cố nhạc sĩ Thuận Yến

Ca khúc được phổ nhạc dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Bài hát mang một điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe.
Khi nghe “Màu hoa đỏ”, mỗi người con đất Việt lại cảm thấy niềm tự hào dân tộc trong từng hơi thở. Mặc dù ca khúc ra đời trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến đế quốc Mỹ, nhưng bài hát đã mang lại một niềm tin tất thắng của cả dân tộc.

Huyền thoại mẹ Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ca khúc được sáng tác khi cố nhạc sĩ thăm nhà bảo tang ở Quảng Bình vào đầu năm 1984. Khi nhìn thấy bức ảnh chụp mẹ Suốt – người từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cố nhạc sĩ đã không kìm được sự xúc động và viết nên ca khúc bằng tất cả sự thành kính.
250px-MeSuot.jpg

(Mẹ Suốt đang chèo đò)
Gan chi gan rứa mẹ nờ ?

Mẹ rằng:Cứu nước còn chờ chi ai
Chẳng bằng con gái con trai
S
áu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Tui nay cứ việc nắng mưa đưa đò



Vết chân tròn trên cát – nhạc sĩ Trần Tiến

Khoảng năm 1981, nhạc sĩ lang thang ở Tiền Hải - Thái Bình và bắt gặp những dấu chân nạng trên bãi biển. Được người dân cho biết đó là dấu chân của một anh thương binh vẫn dạy nhạc cho bọn trẻ trong làng. Điều này khiến hạc sĩ không khỏi xúc động, trên đường về thì hình thành nên bài hát Vết chân tròn trên cát. Bài hát này không chỉ là sự tri ân những người lính đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, mà còn thể hiện sự cảm phục sâu sắc đối với sự vươn lên sau thương tật của người chiến sĩ để tiếp tục cống hiến vì tương lai tươi sáng cho các thế hệ mai sau.


Mình chỉ giới thiệu 3 ca khúc quen thuộc, mang nhiều kỷ niệm với bản thân nhất. Có thể bạn sẽ không biết 3 ca khúc này và yêu thích những ca khúc khác. Vậy còn ngại ngùng gì nữa mà không giới thiệu ngay tại topic này, để chúng ta cùng thưởng thức thật nhiều ca khúc ý nghĩa về ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7.
Đừng quên là chúng ta còn 1 trò chơi đặc sắc ở #Ngày_3
 

biobaby

Miss diễn đàn HOCMAI năm 2017
Thành viên
24 Tháng sáu 2013
580
334
154
24
Đồng Nai
Ngày 5: Cảm nghĩ của bản thân về ngày Thương binh, Liệt sĩ

Sáng nay 23/7/3017, mình đã tham gia Hành trình Theo bước chân những người anh hùng tại quê hương mình - huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Bài viết này là một ít cảm xúc lộn xộn của mình trước thềm kỷ niệm ngày 27/7.

Mỗi dịp tháng 7 về, trên khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam, người dân Việt Nam bồi hồi tưởng nhớ, mong chờ một ngày kỷ niệm vô cùng ý nghĩa: Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27 tháng 7, ngày mà nhân dân thể hiện truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với các thương binh, liệt sĩ - những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do, vì hòa bình của dân tộc và gia đình của họ.

Tôi được sinh ra khi đất nước không còn những ngày tháng trong khói lửa chiến tranh, tôi được sống trong thời đại đất nước hòa bình, Bắc Nam sum họp một nhà. Qua câu chuyện kể của thầy cô, lời ca tiếng hát của bà, của mẹ, tôi biết để giữ lấy nền độc lập thiêng liêng ấy của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên Việt Nam thời ấy, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ra đi với tình yêu cho quê hương đất nước vô cùng mãnh liệt, thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Rời vòng tay yêu thương của gia đình, các cô, các chú - những người chiến sĩ mang trên vai gánh nặng non sông, từ giã những người thân yêu nhất của mình để ra tiền tuyến, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh. Nhưng vượt lên tất cả, khi cuộc chiến không còn có thể nhân nhượng, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên. Ngoài tiền tuyến, các chiến sĩ đã chiến đấu không ngơi nghỉ, không chút nản lòng. Họ đã cống hiến hết tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời, ra đi không tiếc máu xương để tạc dáng non sông, dựng hình đất nước. Rất nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trận và mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các chiến sĩ anh hùng ấy, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Đất nước được rạng rỡ như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ bất khuất kiên cường ấy.

Trong những ngày tháng 7 này, để kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ, điều thiết thực nhất cần làm là thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa đối với thương binh, người có công và gia đình liệt sĩ như viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà cho gia đình thương binh liệt sĩ, tặng quà cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hằng năm được đến Nghĩa trang Liệt sĩ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi vừa khâm phục ý chí quật cường của các anh hùng liệt sĩ, vừa tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống để chúng cháu ngày nay được sống trong yên vui, hòa bình. Nhận thấy được điều đó như được tiếp thêm sức mạnh ý chí, phấn đấu học tập và lao động để xứng đáng là nòi giống Việt Nam. Ngày 27/7 là dịp để thanh niên chúng tôi kính dâng các anh những tình cảm kính yêu nhất, là dịp để phát huy lòng tự hào và ý thức tự tôn dân tộc thông qua việc học hỏi, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của cha ông và các hoạt động đoàn kết, học tập và giúp đỡ lẫn nhau, noi gương các anh, đóng góp hết mình cho sự phát triển của Tổ quốc.

Còn bạn, bạn có cảm nghĩ gì về Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7? Hãy chia sẻ ngay cho các thành viên Diễn đàn cùng biết nhé.

Đến đây, topic Ôn Lại Lịch Sử Ngày Thương Binh, Liệt Sĩ 27/7 đã đi hết chặng đường 5 ngày cùng tìm hiểu, cùng chia sẻ kiến thức. Năm ngày đã đi qua nhưng những tư liệu, cảm xúc về topic này sẽ vẫn được lưu giữ mãi ở Diễn đàn Học Mãi. Mỗi năm một lần, người ta vẫn sẽ quay lại topic này, đó chính là mục đích lớn nhất của mình khi lập topic.
CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG TOPIC!
<3
 

phan ngọc money

Học sinh mới
Thành viên
12 Tháng tám 2017
1
1
1
31
Long An
NHÂN NGÀY KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ, CHÚNG TÔI NHỮNG THẾ HỆ SAU NÀY LUÔN BÀY TỎ LÒNG TRI ÂN SÂU SẮC, NGUYỆN LÒNG NỐI BƯỚC CÁC ANH, HÃY CÙNG TÔI TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH CẤT BỐC HÀI CỐT LIỆT SĨ VIỆT NAM TẠI CAMPUCHIA
 
  • Like
Reactions: bienxanh20
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom