[Cùng cô Trịnh Thu Tuyết và Hocmai ôn tập phần Đọc - hiểu và thử sức đề thi thử Tốt nghiệp]

H

hocmai.nguvan

Đề đọc- hiểu số 03

Đọc hai đoạn văn và trả lời những câu hỏi sau đây:
A/ " Xu hướng hiện thực chủ nghĩa trú trọng diễn tả và phân tích. Lí giải một cách chân thành, chính xác quá trình khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hình tượng điển hình. Các nhà văn hiện thực thường đi vào những đề tài xã hội với thái độ phê phán trên tinh thần dân chủ và nhân đạo. Thể loại thích hợp với chủ nghĩa hiện thực là tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự." ( Dựa theo Ngữ văn 11, tập 1)
1. Chỉ ra 3 lỗi về chính tả, ngữ pháp, dùng từ trong đoạn trích?
2. Nội dung cơ bản của đoạn trích trên là gì?
3. Nội dung cơ bản trên được chia thành mấy ý cụ thể?
4. Giải thích ý nghĩa câu: "Các nhà văn hiện thực thường đi vào những đề tài xã hội với thái độ phê phán trên tinh thần dân chủ và nhân đạo?"
B/ " Nguồn nước trên trái đất rất dồi dào nhưng phân bố không đều. Do sử dụng lãng phí nên nguồn nước ở nhiều nơi bị cạn kiệt diện tích rừng ngày một thu hẹp là nguyên nhân hạn chế vòng tuần hoàn nước, nước ít thấm xuống lớp đất xâu sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ngầm và cũng là nguyên nhân gây lũ lụt, hạn hán. Biện pháp tích cực để bảo vệ nguồn nước và bảo vệ rừng và lạm dụng tiết kiệm nguồn nước để duy trì các quá trình sinh thái bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho tuần hoàn nước trên trái đất" ( Dựa theo Sinh học 12)
1. Hãy tìm 3 lỗi sai về chính tả, ngữ pháp, dùng từ?
2. Hãy đặt tên cho đoạn trích trên?
3.Viết một bài văn nghị luận khoảng 500 từ trình bày suy nghĩ của em về vấn đề môi trường.
 
N

nhungpro_196

A.
1. lỗi sai trong đoạn trích:
- lỗi chính tả: "trú trọng"
- lỗi ngữ pháp: câu 2 chưa đủ thành phần chủ- vị.
- lỗi dùng từ: "chân thành"

2. Nội dung cơ bản: Đặc điểm của xu hướng hiện thực xã hội trong văn học.

3. Chia làm 3 ý cụ thể:
- Phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực : chú trọng diễn tả, phân tích, lí giải một cách chân thực, chính xác, khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hình tượng điển hình.
- Thái độ và tinh thần sáng tác của các nhà văn hiện thực xã hội
- Thể loại phù hợp: tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự

4. "Các nhà văn hiện thực thường đi vào những đề tài xã hội với thái độ phê phán trên tinh thần dân chủ và nhân đạo."
Trong xu hướng hiện thực chủ nghĩa, các nhà văn như "một người thư kí trung thành của thời đại", luôn đi sâu vào khai thác hiện thực cuộc sống với đúng bản chất muôn hình muôn vẻ của nó. Nội dung chủ yếu của những sáng tác thuộc xu hướng này thường là phản ánh, tố cáo và phê phán những góc khuất và mâu thuẫn của xã hội, qua đó thể hiện sự đồng cảm với những số phận bất hạnh và lên tiếng bênh vực, đấu tranh đòi quyền sống, quyền hạnh phúc, tự do cho con người cũng như khẳng định những phẩm chất tốt đẹp không thể bị tiêu diệt của họ. Đúng như Nam Cao- một nhà văn hiện thực xã hội xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại đã từng nói: "Chao ôi nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than" ("Giăng sáng").
 
H

hocmai.nguvan

Đáp án đề đọc - hiểu số 3:

Đọc hai đoạn văn và trả lời những câu hỏi sau đây:

A/ " Xu hướng hiện thực chủ nghĩa trú trọng diễn tả và phân tích. Lí giải một cách chân thành, chính xác quá trình khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hình tượng điển hình. Các nhà văn hiện thực thường đi vào những đề tài xã hội với thái độ phê phán trên tinh thần dân chủ và nhân đạo. Thể loại thích hợp với chủ nghĩa hiện thực là tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự." ( Dựa theo Ngữ văn 11, tập 1)
1. Chỉ ra 3 lỗi về chính tả, ngữ pháp, dùng từ trong đoạn trích:
Xu hướng hiện thực chủ nghĩa chú trọng diễn tả và phân tích, lí giải một cách chân thực, chính xác quá trình khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hình tượng điển hình. Các nhà văn hiện thực thường đi vào những đề tài xã hội với thái độ phê phán trên tinh thần dân chủ và nhân đạo. Thể loại thích hợp với chủ nghĩa hiện thực là tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự.
2. Nội dung cơ bản của đoạn trích: đặc điểm của xu hướng hiện thực chủ nghĩa
3. Nội dung cơ bản trên được chia thành ba ý cụ thể sau:
- Phương thức phản ánh hiện thực
- Đề tài và cảm hứng.
- Thể loại
4. Giải thích ý nghĩa câu: "Các nhà văn hiện thực thường đi vào những đề tài xã hội với thái độ phê phán trên tinh thần dân chủ và nhân đạo?"
- Trước hết cần làm rõ một số thuật ngữ trong câu văn:
* Đề tài xã hội: các vấn đề của cuộc sống con người trong hiện thực xã hội đương thời.
* Thái độ phê phán: cảm hứng khám phá, phản ánh và phê phán những mặt tiêu cực của xã hội.
* Tinh thần dân chủ: đối tượng phản ánh của văn học chủ yếu là người bình dân, là các tầng lớp nhân dân bị áp bức cực khổ lầm than.
* Cảm hứng nhân đạo: cảm hứng quan tâm đến con người, trân trọng, tin yêu, xót thương con người...
- Ý nghĩa câu văn: các nhà văn hiện thực thường tìm đề tài từ cuộc sống nhân dân trong xã hội đương thời; khám phá, phản ánh những mâu thuẫn, phê phán những mặt trái của xã hội; thể hiện cảm hứng trân trọng tin yêu với những vẻ đẹp của con người, đề cao giá trị cùng những khát vọng chính đáng của con người; đồng cảm với những bất hạnh khổ đau trong cuộc sống con người; lên án những thế lực tàn bạo đầy đoạ cuộc sống, chà đạp nhân phẩm con người....

B/ " Nguồn nước trên trái đất rất dồi dào nhưng phân bố không đều. Do sử dụng lãng phí nên nguồn nước ở nhiều nơi bị cạn kiệt diện tích rừng ngày một thu hẹp là nguyên nhân hạn chế vòng tuần hoàn nước, nước ít thấm xuống lớp đất xâu sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ngầm và cũng là nguyên nhân gây lũ lụt, hạn hán. Biện pháp tích cực để bảo vệ nguồn nước và bảo vệ rừng và lạm dụng tiết kiệm nguồn nước để duy trì các quá trình sinh thái bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho tuần hoàn nước trên trái đất" ( Dựa theo Sinh học 12)
1. Hãy tìm 3 lỗi sai về chính tả, ngữ pháp, dùng từ?
Nguồn nước trên trái đất rất dồi dào nhưng phân bố không đều. Do sử dụng lãng phí nên nguồn nước ở nhiều nơi bị cạn kiệt. Diện tích rừng ngày một thu hẹp là nguyên nhân hạn chế vòng tuần hoàn nước, nước ít thấm xuống lớp đất sâu sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ngầm và cũng là nguyên nhân gây lũ lụt, hạn hán. Biện pháp tích cực để bảo vệ nguồn nước là bảo vệ rừng và sử dụng tiết kiệm nguồn nước để duy trì các quá trình sinh thái bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho tuần hoàn nước trên trái đất"
2. Hãy đặt tên cho đoạn trích:
- Nguồn nước trên trái đất.
- hoặc: Thực trạng và giải pháp bảo vệ nguồn nước trên trái đất.
- hoặc: Thiếu nước- nguyên nhân, thực trạng và giải pháp khắc phục
3.Viết một bài văn nghị luận khoảng 500 từ trình bày suy nghĩ của em về vấn đề môi trường.
3.1.Giải thích khái niệm: Môi trường là toàn thể các yếu tố tự nhiên tạo thành hoàn cảnh sống bao bọc xung quanh con người như: đất, nước, không khí, cây cối…
3. 2. Phân tích vai trò của môi trường với đời sống con người:
- Là nguồn sống, là điều kiện sống thiết yếu cho con người.
- Cung cấp nguyên nhiên liệu phục vụ đời sống vật chất.
- Là cảnh quan phục vụ đời sống tinh thần...
3. 3. Một số vấn đề về môi trường hiện nay:
- Thực trạng: rừng bị tàn phá, ô nhiễm nước (do đắm tàu, tràn dầu, chất thải...), ô nhiễm đất (chất hóa học), ô nhiễm không khí (khói thải nhà máy, sự gia tăng các phương tiện giao thông)...
- Nguyên nhân:
* do thiếu hiểu biết
* do tham lam, ích kỉ , vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân...
* do sự phát triển kinh tế quá nhanh chóng, chưa đồng bộ trong sự vận động chung của cộng đồng
- Hậu quả:
* Cản trở phát triển kinh tế
* Huỷ hoại sức khoẻ, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống con người...
- Nhiệm vụ của chúng ta:
* Xác định ý thức bảo vệ môi trường - việc làm cấp thiết bảo vệ cuộc sống.
* Giải pháp: kết hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường với những hành động thiết thực: phủ xanh đất trống đồi trọc; bảo vệ nguồn nước; ngăn chặn phá rừng bừa bãi...; phát hiện và xử lí nghiêm túc những vi phạm luật bảo vệ môi trường...
- Liên hệ bản thân.
 
H

hocmai.nguvan

Đề đọc -hiểu số 4

Đề đọc hiểu số 4:

Đọc bài thơ của Anh Ngọc và trả lời các câu hỏi sau đây:
Vị tướng già
Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù
Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây
Ông ra đi
Và...
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn, gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa
Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.
( 9/1994)
1. Bài thơ viết về ai? Trong thời điểm nào của cuộc đời ông?
2. Xác định thể thơ và phép gieo vần?
3. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trong các từ " thời gian" và "hoàng hôn" trong câu 3&4? Phân tích làm rõ giá trị biểu đạt và biểu cảm của biện pháp nghệ thuật đó?
4. Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh nhân vật trữ tình trong bốn câu thơ sau:
Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
5. Em hiểu như thế nào về hai câu kết?
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.
6. Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, trong 10 ngày lễ tang Đại tướng, và rất lâu sau đó...., khắp đất nước là hình ảnh các tầng lớp nhân dân lặng lẽ tiễn biệt Người. Báo chí trong nước và quốc tế cho rằng đây là một hiện tượng đưa đến những xúc động lớn lao và suy ngẫm sâu sắc.
Anh/ chị có suy nghĩ gì về hiện tượng trên?
 
H

hocmai.nguvan

Các em thân mến!
Đây là đề số 5 và số 6 đề Đọc - hiểu của cô Tuyết. Riêng đề số 4 và đề số 5 sẽ không có đáp án em nhé!

Đề số 5:
Đọc đoạn trích sau đây trong bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và trả lời các câu hỏi:
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
(4-2009)
1. Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề Tổ quốc nhìn từ biển? Trong cả bài thơ, những câu thơ: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển… Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích… Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát luôn lặp lại như một điệp khúc. Điệp khúc cho thấy tác giả đã chọn một điểm nhìn khá đặc biệt để gợi cho người đọc những suy ngẫm về Tổ quốc. Đó là góc nhìn nào, góc nhìn ấy đưa đến cho anh/chị những xúc cảm, suy ngẫm như thế nào?
2. Theo anh/chị, còn có những góc nhìn nào về Tổ quốc bên cạnh góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến?
3. Hình ảnh “sóng” trong hai câu cuối khổ thơ được thể hiện trong tầng ý nghĩa nào? Chỉ rõ biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ này?
4. Trong bài viết Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, 6-2009, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có viết: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và biển đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay”.
Ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là “sự kiện 1-5” gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt.
Ngày 11-5-2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ quốc.
Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.
 
H

hocmai.nguvan

Đề Đọc - hiểu số 6

Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”
( Hồ Chí Minh)

1. Anh/ chị hãy đặt tên cho đoạn trích.
2. Chỉ ra phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn.
3. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện lòng yêu nước trong câu "Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" ? Với hai cụm động từ "lướt qua"... và "nhấn chìm"..., tác giả đã khẳng định điều gì ở lòng yêu nước? Sự khẳng định đó đã được chứng minh như thế nào trong lịch sử giữ nước oanh liệt của dân tộc?
4. Viết một bài luận khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lòng yêu nước của con người Việt Nam thời hiện đại?
 
H

hocmai.nguvan

Chào em!
Vần chân là những vần được gieo ở cuối câu thơ em nhé.
Ví dụ: vần "ương" trong đoạn dưới đây là vần chân
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
 
H

hocmai.nguvan

Hướng dẫn giải đề đọc - hiểu số 06

Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:

"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. ( Hồ Chí Minh)

1. Anh/ chị hãy đặt tên cho đoạn trích."Tinh thần yêu nước của nhân dân ta"
2. Chỉ ra phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn: Phép thế với các đại từ " đó, ấy, nó"
3. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện lòng yêu nước trong câu "Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" ? Với hai cụm động từ lướt qua... và nhấn chìm..., tác giả đã khẳng định điều gì ở lòng yêu nước? Sự khẳng định đó đã được chứng minh như thế nào trong lịch sử giữ nước oanh liệt của dân tộc?
- Tác giả đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ khi ngầm so sánh sức mạnh của lòng yêu nước với " một làn sóng..."; sử dụng phép điệp trong cấu trúc " Nó kết thành... nó lướt qua... nó nhấn chìm...", trong điệp từ " nó"; phép liệt kê trong cả ba vế câu...
- Với hai cụm động từ "lướt qua"... và "nhấn chìm"..., tác giả đã khẳng định sức mạnh vô địch của lòng yêu nước giúp nhân dân ta có thể vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng mọi kẻ thù đe dọa chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
- Có thể chứng minh bằng những trang sử hào hùng của dân tộc, từ những cuộc chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh... tới hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ..., khi chúng ta là một nước nhỏ nhưng chưa hề khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.
4. Viết một bài luận khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lòng yêu nước của con người Việt Nam thời hiện đại?
Bài luận có thể tham khảo một số ý sau đây:
- Giải thích khái niệm: Lòng yêu nước là sự biểu hiện mối quan hệ tình cảm tích cực của mỗi công dân với đất nước.
- Biểu hiện: Lòng yêu nước là tình cảm mang tính truyền thống của người VN. Khi đất nước có chiến tranh, lòng yêu nước thể hiện ở lòng căm thù giặc, ý chí bất khuất kiên cường chống giặc ngoại xâm, ý thức về chủ quyền dân tộc…; khi đất nước hòa bình, lòng yêu nước thể hiện ở tình yêu thiên nhiên, con người, lòng tự hào dân tộc......
- Trong thời hiện đại, là thời kì của kinh tế thị trường, hội nhập…, con người Việt Nam vừa tiếp nối truyền thống cha ông, thể hiện lòng yêu nước trong ý thức bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của dân tộc; vừa có ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa, những giá trị tinh thần của dân tộc như phong tục, tập quán, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; thể hiện ý thức tự tôn dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực; xây dựng đất nước giàu mạnh để có thể tự hào sánh vai các cường quốc trên thế giới; bảo vệ danh dự con người Việt Nam trước cộng đồng quốc tế...
- Bàn luận vấn đề:
* Yêu nước nhưng không cố chấp, bảo thủ ( ta về ta tắm ao ta…)
* Có lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc nhưng không bằng lòng với những gì đang có.
* Yêu nước nhưng không che giấu, chấp nhận những thói hư tật xấu của người Việt, phải đấu tranh để đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
- Liên hệ bản thân: Học để góp phần xây dựng đất nước ngày mai; giữ gìn bản sắc dân tộc trong mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ...
 
H

hocmai.nguvan

Đề đọc - hiểu số 07

Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:

...."Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó." ( Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
1. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì?
2. Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép liên kết nào?
3. Văn bản được viết theo phương thức biểu đạt nào?
4. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:" Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."Anh/ chị hãy tìm ra thông điệp chung của hai văn bản? Thông điệp đó đã thể hiện sâu sắc truyền thống cao quí nào trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc?
5. Viết một bài luận khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sức mạnh của truyền thống yêu nước.
 
H

hocmai.nguvan

Hướng dẫn giải đề đọc - hiểu số 07

Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:
...."Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó." ( Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
1. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì?
Khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
2. Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép liên kết nào?
Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép lặp với các từ ngữ: chủ quyền, thiêng liêng, lãnh thổ, biển đảo,
vùng biển...
3. Văn bản chủ yếu được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Phương thức nghị luận.
4. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:" Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."
Anh/ chị hãy tìm ra thông điệp chung của hai văn bản? Thông điệp đó đã thể hiện sâu sắc truyền thống cao quí nào trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc?
- Thông điệp chung của cả hai văn bản đều khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước với bất cứ giá nào, vì " không có gì quí hơn độc lập, tự do!"
- Thông điệp đó đã thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước cao quí trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc.
5. Viết một bài luận khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sức mạnh của truyền thống yêu nước.
Có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
- Giải thích khái niệm về truyền thống và truyền thống yêu nước.
* Truyền thống: những phẩm chất, giá trị... được hình thành, phát triển, duy trì trong một thời gian dài của lịch sử cộng đồng.
* Truyền thống yêu nước: những phẩm chất, giá trị...được hình thành, phát triển, duy trì trong một thời gian dài thể hiện mối quan hệ tình cảm, nghĩa vụ tích cực của mỗi công dân đối với đất nước...
- Chứng minh truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam qua những trang sử dựng nước và giữ nước oanh liệt hào hùng.
- Lí giải sức mạnh của truyền thống yêu nước. ( vấn đề trọng tâm)
* Truyền thống yêu nước luôn là yếu tố tinh thần của quá khứ có khả năng làm hiện hữu và tạo ra sức mạnh tinh thần hoặc vật chất cho mỗi con người của hiện tại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.* Truyền thống yêu nước có khả năng nêu gương, động viên, khơi gợi...những phẩm chất, giá trị tốt đẹp trong mỗi con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
* Truyền thống yêu nước là sự nhắc nhở thiêng liêng và nghiêm khắc đối với trách nhiệm của hậu thế trong việc nối tiếp, duy trì, phát huy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp đã được hình thành từ những thế hệ trước để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
* Truyền thống yêu nước giúp con người có niềm tự hào, niềm tin về những phẩm chất, giá trị đang nối tiếp từ quá khứ; cung cấp những bài học kinh nghiệm cho hiện tại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
- Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
 
H

hocmai.nguvan

Đề đọc- hiểu số 08

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

".... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."
1. Đoạn trích trên thuộc văn bản nào? Của ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? Hoàn cảnh ra đời giúp người đọc hiểu thêm điều gì về mục đích sáng tác của tác phẩm?
2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?
3. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì? Chỉ ra những phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích?
4. Trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:"Không có gì quí hơn độc lập tự do!"
Trong hai văn bản trên có một từ xuất hiện rất nhiều lần trong những câu thơ của tập Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh); đó là từ nào? Anh/chị hãy chép lại một trong số những câu thơ đó?
5. Viết bài luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về tự do.
 
Top Bottom