[Văn]Đề kiểm tra 1 tiết

L

linhxinh2t

Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không? Tôi cũng vậy, tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra .Nó sẽ là kỉ niệm mà chắc có lẽ tôi chăng bao giờ quên.

Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không.

Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp”... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! “Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!”.

Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá. Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "...

Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.

"Từ thuở sinh ra tình mẫu tử\Trao con ấm áp tựa nắng chiều".




Tuổi thơ tôi luôn gắn liền với những cánh đồng, những cánh cò, những con diều vi vu mùa hè và cả những lời rủ rê chơi bời của Ròm, thằng bạn thưở nhỏ của tôi.

Ròm là hànRòm là hàng xóm nhà tôi. Chúng tôi chơi với nhau từ hồi còn bú sữa. Thật ra nó có tên họ đàng hoàng nhưng bọn tôi ai cũng gọi nó là Ròm, nhất là mỗi khi nó ở trần, lòi cả xương sườn ra. Nói thế thôi chứ bọn trẻ nhà quê chúng tôi ai cũng èo uột cả, chẳng hơn gì nó đâu nhưng gọi mãi rồi quen. Mà cũng lạ, tuy nó là con trai, lại cao hơn tôi cả khúc nhưng lại cứ bị tôi ăn hiếp! không biết nó có cảm giác gì khi bị tôi sai mà cái đầu bù xù của nó cứ gật lia lịa , cười cười rồi làm ngay. Đúng là thằng đần! Thế nhưng lâu lâu nó lại rủ tôi đi xem hát ở đầu làng nữa cơ. Và đối với tôi, nó là thằng bạn tốt nhất trên đời.

Tôi và nó hay chơi ở gần bờ sông, 1 nơi êm dịu và yên lành vô cùng. Nhưng ấy chỉ là ngay khúc sông đó thôi , chứ còn bên kia sông thì ko ai dám bén mảng đến bao giờ. Đó là ngôi nhà của bà 5 xóm dưới. Hồi đó bà sống ở đó nhưng cách đây vài năm khi con bà chết đuối thì bà chuyển về xóm dưới sống cùng họ hang. Thế là ngôi nhà bỏ hoang, Và từ đó chẳng biết từ đâu lại có tin đồn ngôi nhà có ma! Lúc đầu vài đứa biết rồi từ từ hết người này đến người kia và rồi cả xóm ai cũng đồn ầm lên. Ko biết người đồn có thật nhìn thấy con ma bay là đà gì đó hay ko nhưng cà tôi và thằng Ròm đều thấy ơn ớn. Tuy thế nhưng khu đồng cỏ đã bị tụi thằng Tí, thằng Tèo giành chơi nên tui tôi đành phải “ dũng cảm” chơi ở mé song ; và lại ban ngày thì ma nào lại dám nhát bọn tôi. Nhưng quả thật là lâu lâu tôi cũng khá tò mò về chuyện ma quỉ đó và tôi cũng đã từng rủ thằng Ròm đi khám phá 1 phen nhưng nó chuyên môn từ chối, thằng coi vậy mà nhát! Nhưng nó ko né mãi được, thằng Tí quậy ấy đã ngang nhiên thách bọn tôi đi vào ngôi nhà hoang ấy. đương nhiên là 1 người như tôi ko đời nào lại để bị coi thường thế được, thế là tôi đồng ý. Nhưng chẳng bao lâu sau tôi lại hối tiếc cái tính anh hung rơm ngu ngốc của mình. Tôi lo ngay ngáy. thằng Ròm cũng chẳng hơn gì, nó mới nghe tôi nói mà đã la oai oải cả lên, lại càng làm tôi nhụt chí anh hùng. Nhưng để bảo vệ danh dự tôi nhất quyết phải đi, thế là tôi năn nỉ, năn nỉ, rồi bắt buộc, và cả hăm dọa thằng quỉ đó. may mắn là nó biết sợ nên đồng ý liền. thế là tối đó bọn tôi trốn ba mẹ chạy ù ra bờ song. bọn thằng Tí đã chờ sẵnnhưng tụi nó ko vô mà lại núp sau bụi tre xem bọn tôi. Tôi ra vẻ bình tĩnh kéo ngay thằng Ròm vào trong dưới những cặp mắt đầy nguỡng mộ của tụi nó, nhưng có ai biết rằng tôi đang toát cả mồ hôi. Tôi rất sợ bóng tối! thằng Ròm ko biết thì sao chứ khi tôi bóp chặt tay nó , nó la oai oái cả lên. Vào đến giữa nhà chũng chưa thấy gì, vẫn là bong tối và những cơn gió lùa. Tuy đã bớt sợ nhưng sao tôi hồi hộp quá. Tôi tuởng tượng ko biết con ma này sẽ ra sao…ốm, mập? cao, thấp? bay hay là đi như con người ? eo ôi, nghĩ đến thế tôi rùng cả mình. …. RẦM……….

Bố, mẹ, bà nội, thằng Ròm…mọi người đều xung quanh tôi cả. Thằng Ròm kể khi cánh cửa sồ chợt đóng ầm lại, nó cứng cả người, đang tính lôi tôi ra thì mới nhận ra tôi đã mất tiêu , hoảng hồn, mò mẫm mãi thì phát hiện ra tôi đây nằm thẳng đơ dưới sàn! Nó sợ quá chạy đi kiếm người lớn. Tụi thằng Tí thấy Ròm chạy, sợ quá cũng toán loạn cả lên. Tối đó tôi bị 1 trận tơi tả, bố quất mấy phát đau điếng cả người, còn nội thì cứ ngồi niệm phật, sợ tôi bị ma ám ! thằng Ròm cũng chẳng hơn gì tôi, cũng tơi bời. Đúng là 1 buổi tối nhớ đời!

Sau này thằng Ròm chuyển lên thành phố học, bỏ lại tôi đây 1 mình ở trường huyện, buồn chết được. Tuy thế kỉ niệm này sẽ luôn nằm mãi ở 1 ngăn nào đó trong tim tôi. Hy vọng đến 1 ngày, tôi và nó lại cùng đi thả diều, bắt bướm..với nhau, và nhất định thăm lại ngôi nhà năm nào, mặc dù giờ nó đã trở thành 1 mảnh vườn tuyệt đẹp.

______________________


Bạn có thấy cái ô nho nhỏ xinh xinh màu xanh đề chữ "cảm ơn" ở ngay dưới không? Click vào đó đi nào:khi (75):
 
L

linhxinh2t

Phần 1:
Mảnh đất Tây Nguyên mà bố chọn không phải là nơi dành cho chúng tôi, và chúng tôi đã thất bại. Thất bại cho đến khi tìm về quê hương bản quán, tìm về nơi mà trước đó không lâu ông tổ của chúng tôi chọn làm nơi định cư, dạy học.
Nơi đó, trước khi ra đi chúng tôi cũng có một ngôi nhà, một khu vườn nhỏ và một cái giếng. Ngày ra đi tôi chỉ là một cô bé chưa tròn hai tuổi, rất nhỏ để nhớ quay nhớ quắt ngôi nhà và mảnh vườn ấy. Vậy mà khi trở về, mẹ nói nơi đây từng là nhà mình, trong trái tim bé bỏng của tôi vẫn có chút gì đó nuối tiếc, ngỡ ngàng.
Trong tôi chỉ có một hình ảnh rất mơ hồ về ngôi nhà, ấy là có một lần bố mẹ đi vắng, tụi trẻ con hàng xóm sang nhà tôi chơi, và tôi bị ớt bắn vào mắt.
Ớt cay lắm, và tôi sợ hãi khóc ầm lên, có bác hàng xóm chạy sang bế, đưa tôi đến cái giếng, rửa mặt cho tôi. Chỉ vậy thôi. Và khi tôi được bốn tuổi, vẫn rất nhỏ để ý thức được rằng chúng tôi đang là những kẻ vô gia cư trong cuộc đời - trở về sau hai năm vất vả mưu sinh và chống chọi với những cơn sốt rét rừng khủng khiếp, đứng trước một kỷ niệm nhỏ bé, và một chút cảm nhận về nỗi lo lắng vô hạn trong mắt bố - tôi thấy mình ngẩn ngơ trước ngôi nhà.
Sự ngẩn ngơ đó, xét đến cùng không xuất phát từ sự gắn bó yêu thương, mà nó đơn giản chỉ bởi tôi là một đứa trẻ - một đứa trẻ chưa đủ lớn để lo lắng về một điều gì rất đỗi to lớn, nhưng đủ để nhận ra mình đang không có nhà và đang khao khát một chỗ dừng chân yên bình, ấm cúng. Cũng bởi tôi là một đứa trẻ, tôi nhanh chóng quên đi cảm giác đó. Tôi vẫn vui chơi và hưởng thụ, dù rằng sự hưởng thụ của một đứa trẻ con nhà nghèo, ở một vùng nông thôn nghèo, tại một thời điểm mà đất nước mới bắt đầu cựa mình đứng dậy - chẳng có gì đáng nói. Nhưng với tôi lúc đó, chẳng có gì là quá nghiêm trọng. Mẹ nói rằng nhiệm vụ của tôi là phải ngoan, để cho bố mẹ yên tâm gây dựng lại cuộc sống. Tôi ngoan như lời mẹ nói.
Cuối cùng bố cũng tìm được chỗ ở cho cả nhà. Đó là một cửa hàng thực phẩm bỏ không của hợp tác xã. Vì trước khi đi, bố mẹ cũng từng là những đảng viên, cán bộ của ủy ban xã, nên khi về may mắn cho chúng tôi là các bác lãnh đạo xã thật lòng giúp đỡ. Cửa hàng nằm sát mặt đường lớn, bên cạnh là một con sông dài. Toàn bộ gia sản của gia đình sau hai năm nỗ lực chẳng có gì nhiều, và cái tôi nhớ nhất là một cái hòm bằng gỗ rất nặng - kỷ niệm trong một lần đi rừng mà bố mẹ đem về từ Tây Nguyên và gìn giữ đến tận bây giờ.
Mẹ mượn được một cái thuyền nhỏ, chở tất cả đồ đạc lên đó để chuyển lên "nhà mới" - ngày đó mẹ nói với tôi như vậy. Tôi vui lắm, khấp kha khấp khởi không biết cái nhà mới ấy nó thế nào, và chị em tôi cũng được mẹ cho ngồi cùng trên thuyền. Đó là lần đầu tiên tôi được ngồi thuyền - khởi đầu cho những tháng năm lụt lội lênh đênh của quê hương mà sau này tôi được chứng kiến.
Cửa hàng bỏ hoang đã lâu, nên bố đã lên trước dọn dẹp từ bao giờ rồi. Bố lúc nào cũng vậy, lúc nào cũng là người đi trước, lo lắng đầu tiên và vất vả đầu tiên. Bố tôi gầy và hốc hác, nhưng tôi đâu để ý. Điều duy nhất hấp dẫn tôi lúc đó là tôi có một ngôi nhà mới, tuy rằng xung quanh không có các nhà hàng xóm, chỉ có một ngôi chùa cũ. Nhưng với chúng tôi lúc đó, như thế đã là rất may mắn rồi.
Chấp nhận thất bại để trở về quê cũ, bắt đầu một cuộc sống mới, với bố mẹ tôi khi ấy là muôn vàn khó khăn. Làng quê vốn đã nghèo nàn, mà chúng tôi lại không có nhà, ruộng vườn càng không, anh em họ hàng tuy đông đủ nhưng ai cũng khó khăn, vất vả dầm mưa dãi nắng. Cả năm trời oằn lưng với đồng ruộng, với núi đá khô cằn... ăn no còn chẳng dám nghĩ đến thì nói gì đến việc cưu mang cả nhà tôi. Lưng vốn bố mẹ có được từ ngôi nhà và mảnh vườn cà phê trong Tây Nguyên không nhiều, mà cũng phải dùng để trang trải cuộc sống nữa - cứ cạn dần cùng với nỗi lo lắng hằn sâu trong từng nếp nhăn trên trán bố.
Người đàn ông đáng kính nhất cuộc đời tôi đã phải nghĩ ra đủ thứ nghề để xoay chuyển cuộc sống. Ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được điều đó, vậy mà cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại cảnh bố tất bật với ba lô con cóc trên vai, đi hết chỗ này đến chỗ khác để tìm kế sinh nhai, lòng tôi thắt lại, và tôi luôn luôn không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt của đứa con vô tâm - cứ vui chơi, cứ lớn lên, hồn nhiên đón nhận tình yêu và sự đáp ứng vật chất của bố mà chẳng hề để ý rằng bố rất gầy, tóc đã rụng nhiều và bạc lắm. Tôi biết bố chưa bao giờ trách móc tôi vì điều đó, thậm chí bố luôn tự hào về tôi. Người làm cha bao giờ cũng rất bao dung, tôi luôn nghĩ vậy.
Bố có một người bạn đồng ngũ ở rất sâu trong rừng - đó là người đàn ông mà khi tôi lớn và bắt đầu biết đến những tác phẩm văn học, tôi luôn đinh ninh rằng ông là nhân vật của nhà văn Chu Lai bước vào cuộc đời - một thương binh ngay thẳng, hết lòng vì quê hương, vì đồng đội. Ông là một người lính già với bức chân dung cũ kỹ trong đời thường, luôn luôn trong những bộ quần áo lính màu xanh, dáng vẻ khắc khổ, hoài niệm, đôi khi bất mãn với những trò hề của hiện tại và gắn bó với rừng, với đồi...
Ông cũng nghèo, đó gần như là điểm chung của tất cả các đồng đội của bố mà tôi biết - nghèo và trong sáng, cái trong sáng của rất ít những người đã trải qua những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh. Những người đã bao nhiêu lần chết hụt và những người hiểu sâu sắc nhất giá trị của cuộc sống, của sự bình yên. Những người hầu như chẳng bao giờ biết luồn cúi cầu cạnh ai. Tài sản lớn nhất mà ông có là 10 ha rừng - thậm chí ông cũng chẳng đủ sức để khai thác hết. Ông cho bố tôi mượn một phần diện tích, và giúp bố về giống cây. Cả nhà tôi bắt đầu "nghề" mới - trồng sắn, bương, luồng... nhưng cũng không được bao lâu, vì thời tiết, vì đất, vì giống... và có thể vì bố không có duyên với rừng.
 
L

linhxinh2t

Phần 2
Rồi bố lại quyết định chuyển sang trồng bạch đàn ngay trên mảnh đất quê hương. Nơi bố chọn để trồng cây là hai dãy bờ máng dẫn nước vào đồng, bố xin hợp tác xã để được đấu thầu. Nói là đấu thầu nhưng cũng chẳng mất mấy tiền, vì đất bỏ không cũng phí, giờ bố đứng ra trồng cây giữ cho đất khỏi lún lở thì tốt quá rồi. Vậy là cả nhà lại bắt đầu công việc - hăng say như thể chưa bao giờ làm và chưa bao giờ thất bại. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cho đến lúc sắp được thu hoạch.
Đúng ra là chúng tôi đã thành công, nhưng thành quả đó chúng tôi lại không được hưởng. Vì một lý do rất tế nhị, toàn bộ số cây mà bố và cả nhà đã hết lòng chăm sóc và hy vọng, đã được thu hoạch dần dần từ trước đó, bằng một cách rất êm đềm, rất dịu và rất ngọt. Bố và chúng tôi không cho rằng đó là một thất bại, tất cả chỉ bởi tình yêu thương và cái đói nghèo - nó khiến cho người ta không còn nghĩ được gì nữa - ngoài việc làm thế nào để có cái ăn và để níu giữ sự sống đang ngày càng quá đỗi xa xôi
Mẹ không tha thứ cho điều đó. Có thể một ngày nào đó, khi tôi đã trở thành một người đàn bà, một phụ nữ của gia đình, phải vất vả cực nhọc gánh đỡ những lo toan cơm áo với chồng, và phải chứng kiến sự bất công trắng trợn trên danh nghĩa yêu thương, tôi sẽ hiểu được tại sao mẹ không bao giờ bỏ qua chuyện đó. Nhưng khi đó và đến tận bây giờ, tôi vẫn không xem đó là một tội lỗi. Giống như bố, có lẽ cũng bởi yêu thương trong chúng tôi quá lớn - nó lớn hơn lòng ghen tị hơn thua, lớn hơn mọi sự toan tính trên đời để có thể bên nhau
Tôi biết, hơn ai hết bố là người buồn nhất. Rất buồn, bởi người gây nên những điều đó là người mà bố rất yêu, rất tin; và buồn bởi vì không biết phải làm thế nào trước những lời trách móc đay nghiến của mẹ dành cho người ấy. Bố không thể làm gì được, bởi mẹ không sai. Mẹ sai làm sao được, khi thành quả sau bao nhiêu tháng ngày lặn lộn với nắng, với mưa, với những giọt mồ hôi... bỗng chốc rơi vào tay người khác. Nhưng rồi cũng chẳng thể nào khác được, cả nhà ngậm ngùi nhặt nhạnh từng cành củi rơi vãi bên đường, nhặt về những cây non mà người ta không dùng đến về làm củi đun. Chấm hết một hy vọng khác

Và căn nhà bỏ hoang mà chúng tôi ở nhờ cũng không dùng được mãi. Ủy ban thu hồi lại để chuyển đổi mục đích sử dụng. Chúng tôi lại một lần nữa dắt díu nhau tìm chỗ ở, tưởng chừng như không còn khó khăn nào. Nỗi tục nhục mà chúng tôi chưa trải qua. Lại một lần nữa đi ở nhờ. Lần này là ở nhà kho hợp tác xã

Về đây, chúng tôi có nhiều hàng xóm hơn, bên cạnh là lớp học mẫu giáo và lớp 1 trường làng. Căn nhà kho cũ nát, ẩm thấp giờ có một gia đình nhỏ ở, ngày ngày bố mẹ đi làm, tôi và chị gái kế trên tôi ở nhà chơi với nhau, đợi bố mẹ đi làm về nấu cơm, chờ anh trai đi học về cùng ăn. Những kỷ niệm ấy là niềm an ủi tôi những lúc xa nhà, buồn hiu hắt và nhận ra mình cô độc. Điều khiến tôi cảm thấy rất lạ là tại sao bố mẹ vừa có thể lo gánh vác việc nhà, vừa có thể làm tốt việc tập thể và được mọi người tín nhiệm đến vậy

Ở quê, mọi người đều rất tin tưởng bố, đi đâu người ta cũng nhắc đến tên bố, nể bố. Tôi rất tự hào vì điều đó, vì tôi là con bố tôi, bọn trẻ con trong làng đều rất muốn được như tôi. Và bố lại còn có thời gian làm thơ, viết truyện, viết kịch nữa. Mỗi bài thơ mới của bố đều có mẹ và chúng tôi thưởng thức, chỉ là những cảm xúc thô mộc của người lính già về hưu sớm và lăn lộn với đời thường thôi, nhưng luôn luôn có mẹ và chúng tôi ủng hộ. Và sau mỗi bài thơ đó, bố thường có một câu gì đó viết cho chúng tôi. Tôi rất hãnh diện vì bố

Lúc rảnh rỗi bố tranh thủ cắt khẩu hiệu thuê, trong mắt tôi bố là thiên tài, dường như bố có thể làm được tất cả mọi chuyện - từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Những năm đó, bố mẹ còn bươn chải đủ thứ nghề khác, từ nấu rượu, buôn bán nhỏ đến nuôi lợn, trồng rau

Rồi nhà tôi cũng được chia ruộng. Ít thôi, nhưng cũng còn hơn là chẳng có gì. Mẹ nuôi thêm lợn, thêm gà... Công việc của một hội trưởng phụ nữ xã không nặng nề gì, nhưng nó khiến mẹ không có nhiều thời gian cho việc trồng trọt. Chi tiêu của cả gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương thiếu tá của bố. Khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm nhưng chưa bao giờ bố mẹ để chúng tôi phải thua kém bạn bè. Một chân lý giản đơn từ bố và đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, đó là phải luôn luôn đối xử nhân đạo, yêu thương và chia sẻ - với anh em, làng xóm, đồng loại - đó chính là câu trả lời chính xác cho sự nể trọng mà bố có được từ những người dân thôn quê

Năm tôi học lớp 5, cả nhà mới có được mảnh đất để làm nhà. Nói là mảnh đất, nhưng thực ra đó là một cái ao rất sâu. Nhìn cái ao mà ngao ngán. Quê tôi là vùng trũng, đều đều hàng năm cứ đến mùa nước là lụt lội, thế mà bố vẫn quyết định lấp ao làm nhà. Đây là một quyết định chóng vánh, không có mẹ, vì thời gian đó mẹ đang đi tập huấn công tác dưới tỉnh, khi mẹ về đã thấy bố tôi đang bắt tay vào làm rồi. Đó là căn nhà mà chúng tôi đang ở

Để có được căn nhà ấy, là bao nhiêu mồ hôi công sức của bố mẹ, của anh trai tôi; là tình thương mà gia đình tôi nhận được từ anh em, làng xóm. Vì ao sâu, chúng tôi phải tranh thủ mùa nước to, chèo thuyền ra núi trở đá về lấp, cóp nhặt từng hòn đá mới được cái móng nhà. Lúc khởi công xây nhà, cũng là các bác các anh giúp đỡ xây nên. Khỏi phải nói chúng tôi mừng đến thế nào. Riêng tôi, có được ngôi nhà của mình là một niềm tự hào vô cùng, từ trước tới nay trong mắt chúng bạn tôi vẫn là kẻ không có nhà, là kẻ đi ở nhờ. Giờ tôi đã có căn nhà của mình, tôi tự hào lắm, lúc đi học về tôi cố tình đi trước để bước vào nhà cho chúng bạn thấy rõ rằng tôi không còn là kẻ đi ở nhờ nữa. Cảm giác sung sướng, tôi nhớ rằng mình đã ngẩng rất cao đầu trước mỗi khoảnh khắc như thế

Rồi cuộc sống cũng dần dần ổn định. Chúng tôi sống bên nhau cùng với những lo toan, vui buồn, hạnh phúc. Bố mẹ vẫn tiếp tục công tác, ngày mùa thì cấy cày, thu hoạch; những khi mùa nước chúng tôi tất tả ngược xuôi thu vén đồ đạc tránh lũ; rồi những đêm lũ về, tiếng kẻng đầu làng hối hả gọi người dân đi đắp đê chống úng; những ngày mùa đông lạnh căm căm, cả nhà ngồi quanh bếp lửa ăn cơm, đêm đến mẹ trải ổ rơm để cả nhà nằm quây quần bên nhau. Và tôi không bao giờ quên được, những buổi tối chị em tôi chung nhau một ngọn đèn ngồi học, mẹ ngồi bên quạt se sẽ
Tôi không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu đêm hè nóng bức, ngày đó quê tôi chưa có điện sáng, thế mà tôi vẫn ngủ ngon giấc - nhờ có mẹ quạt. Hẳn là mẹ phải rất tỉnh táo để quạt cho chúng tôi, hoặc mẹ làm việc đó như một bản năng - bản năng của người đàn bà đảm đang suốt cuộc đời làm mọi việc vì chồng, vì con

Tôi đã lớn lên như thế, bên cạnh những người mà tôi vô cùng kính trọng, yêu thương. Chiều nay trời rất nóng, tôi vô tình bắt gặp giữa tấp nập phố phường, lọt thỏm giữa làn xe cơ giới ồn ào - một người đàn ông gầy gò, khắc khổ đi chiếc xe đạp cà tàng và đèo sau một đứa trẻ - đen nhẻm, ngây thơ. Có lẽ họ là hai cha con. Và, bất chợt tôi thấy nhớ
 
Top Bottom