Văn [Lớp 11] Nghị luận xã hội

thucanhpd@gmail.com

Học sinh mới
Thành viên
18 Tháng hai 2018
1
0
1
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề 1: Anh, chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" một "căn bệnh" gây tai hại không chỉ đối với sự phát triển của xã hội hiện nay

Đề 2: ai cũng sống - chỉ một số sống đích thực. Anh chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?:c19
 

Linh and Duong

Học sinh chăm học
Thành viên
30 Tháng chín 2017
454
649
129
19
Vĩnh Phúc
THCS Liên Châu
Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội. Bệnh thành tích. Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống. Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” – bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh. Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy,... bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%,... Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%. Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Rõ ràng, bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần. Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học... Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ. Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành. Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnhhình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.
 

day and night

Học sinh tiến bộ
Thành viên
19 Tháng năm 2017
538
684
154
21
đề 1 : Anh, chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" một "căn bệnh" gây tai hại không chỉ đối với sự phát triển của xã hội hiện nay.

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều đến một căn bệnh tinh thần đang từng ngày, từng giờ gây ra những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội. Đó là “bệnh thành tích” – căn bệnh nguy hiểm lây lan khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha tồn tại từ rất lâu trong xã hội Việt Nam. Nó đã gây ra những tác hại ghê gớm khôn lường, cản trở rất nhiều tới quá trình phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khái niệm thành tích vốn dĩ có một ý nghĩa tích cực. Thành tích là kết quả tốt đẹp do một cá nhân hay tập thể làm ra, được mọi người công nhận và đánh giá cao. Nhưng chạy theo thành tích, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua thực chất thì lại là một căn bệnh, một tệ nạn cực kì nguy hiểm. Đáng tiếc là hiện nay, xã hội ta có rất nhiều người mắc căn bệnh này. “Bệnh thành tích” bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân sâu xa của nó chính là thói xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ mà từ ngày xưa, người lao động đã chê cười và phê phán. Thói thường Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại, nhưng trong xã hội, không ít người thực sự chẳng có gì tốt đẹp mà lại thích bịa đặt ra cái hay cái đẹp… để tự dối mình, lừa người. Rồi cấp dưới muốn được khen thưởng, được thăng chức thì phải nghĩ cách lừa dối cấp trên bằng những “thành tích” chỉ có trong tưởng tượng. “Bệnh thành tích” thường nảy sinh ở những người không có thực tài nhưng lại giấu dốt, không dám nhìn thẳng vào chính mình. Họ buộc phải tìm mọi cách đánh bóng tên tuổi để thỏa mãn thói háo danh, để không bị “thua chị kém em”. Theo quy luật, xã hội càng phát triển thì “bệnh thành tích” lây lan càng nhanh, càng rộng. Một phần do nền kinh tế thị trường với sức mạnh của đồng tiền đã chi phối, thao túng quá sâu vào các mối quan hệ xã hội. Cách đây mấy trăm năm, Nguyễn Du đã viết: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì. Đồng tiền biến xấu thành tốt, dở thành hay, ảo thành thật. Rốt cuộc, mọi giá trị thật giả đảo lộn, rất khó phân biệt. Một sự thật đáng buồn hiện nay trong ngành giáo dục nước ta là nạn mua điểm, mua bằng cấp, “giáo sư giả”, “tiến sĩ giấy” khá nhiều. Người ta dễ bị lóa mắt trước hình thức bóng bẩy bên ngoài mà không đi sâu vào bản chất của hiện tượng, sự vật và sự việc. Thói thường ấy là mảnh đất màu mỡ cho “bệnh thành tích" phát triển. Xung quanh chúng ta, những biểu hiện của bệnh thành tích nhiều không kể hết. Thử lấy dẫn chứng trong một vài lĩnh vực để chứng minh. Ví dụ như trong tĩnh vực giáo dục, từ cấp thấp đến cấp cao đều mắc bệnh này. Nhiều trường Tiểu học ở vùng sâu vùng xa, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến, cho nên mới có chuyện cười ra nước mắt là học sinh lớp 4 mà viết chữ chưa rành và chưa thuộc hết bảng cửu chương (!) Ở các thành phố lớn, vì “bệnh thành tích” mà Ban Giám hiệu nhiều trường sẵn sàng “thổi phồng” tỉ lệ học sinh khá, giỏi lên tới con số đáng ngờ là hơn 90%, trong khi thực tế thấp hơn rất nhiều. Có những trường kì quặc hơn là không cho phép học sinh yếu kém lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” chung của trường và “uy tín” của Ban Giám hiệu. Trong những kì thi hết cấp, cũng vì “bệnh thành tích” mà nhiều học sinh “đỗ oan”, do đó càng học lên càng đuối. Mới đây, báo chí đưa tin một số giáo viên trường A khi chấm thi chéo đã cố ý hạ điểm thi của học sinh trường B với mục đích là để tỉ lệ đỗ của trường B kém trường mình. Sự giả dối kéo dài đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là chất lượng học tập của học sinh hiện nay rất đáng lo ngại. Những Kiều chạy đua theo thành tích như thế là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Không ít quan chức vì lợi ích trước mắt mà cố tình bịa ra những bản báo cáo thành tích sai sự thật thì quả là thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm đối với sự nghiệp “trồng người”. Nếu hiện tượng tiêu cực này không sớm chấm dứt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới việc đào tạo nhân tài, hiền tài làm rường cột cho đất nước mai sau. Báo chí không ngừng phanh phui những hiện tượng tiêu cực – con đẻ của “bệnh thành tích”. Nhiều địa phương báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã chấm dứt tình trạng học ba ca, đã xóa nhiều điểm trường tranh tre nứa lá… nhưng thực tế thì hầu như sự thay đổi đó không đáng kể. Giáo viên, học sinh nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc không có trường để học, không có nhà để ở. Gần đây, một phóng sự truyền hình về thực trạng đáng buồn đó đã làm xôn xao dư luận. Học sinh các dân tộc thiểu số phải tự dựng những túp lều xiêu vẹo, trống hơ trống hoác để ở tạm vì trường không có kí túc xá. Các thầy cô giáo mùa khô phải đi xa hàng chục cây số để tìm nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày… Nói “Không!” với các hiện tượng tiêu cực trong đó có “bệnh thành tích” đang là khẩu hiệu, là mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục. Tính khả thi của nó đến đâu còn phụ thuộc vào quyết tâm của tất cả mọi người để có được một nền giáo dục nghiêm túc và chất lượng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, bệnh thành tích cũng lan tràn đến mức báo động. Số hộ nông dân nghèo còn chiếm tỉ lệ khá cao, nhưng trong báo cáo thành tích xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương thì toàn là những con số “đáng nể”. Thế mới có chuyện buồn cười là để đối phó với đoàn thanh tra của cấp trên, chính quyền xã đã bắt các hộ nghèo phải đi “mượn” trâu bò, vật dụng của những nhà khá giả để chứng minh là mình đã thoát nghèo. Cơ sở vật chất thiết yếu như điện, đường, trường, trạm (trạm y tế) ở nông thôn nhiều nơi cũng chỉ có ở trong… báo cáo (!). Vì chạy theo thành tích nên chính quyền một số địa phương đã vội vàng xây dựng và cấp cho một số hộ nghèo “nhà tình thương”, nhưng người nhận chỉ ở được ít ngày đã lo nơm nớp vì không biết nhà sẽ đổ lúc nào. Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều xí nghiệp, nhà máy quốc doanh làm ăn “lời giả lỗ thật”, năm nào Nhà nước cũng phải bù lỗ rất nhiều nhưng Ban Giám đốc vẫn cố tình “bịa” ra thành tích để được thăng quan tiến chức… Cũng vì “bệnh thành tích” mà trong lĩnh vực giao thông, hàng chục cây cầu, mấy chục con đường, hàng trăm công trình tầm cỡ quốc gia … được xây dựng cho kịp tiến độ nhưng không đạt yêu cầu về mặt chất lượng, gây lãng phí rất lớn về công sức và tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. “Bệnh thành tích” lan tràn khắp nơi khắp chốn như một dịch bệnh gây ra những tác hại khôn lường, cản trở quá trình phát triển của đất nước. Một tập thể hay một cá nhân khi đã nhiễm “bệnh thành tích” thì chỉ có thể làm ra những sản phẩm kém chất lượng mà thôi. “Bệnh thành tích” còn dẫn đến sự thoái hóa nhân cách, khiến con người trở nên thiếu trung thực, dối trá, lừa mình, lừa người, thích sống bằng ảo tưởng bởi “lộng giả thành chân”. Cần có những biện pháp tích cực ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi và chữa trị dứt điểm căn bệnh nguy hiểm này. Muốn làm được điều đó, các cấp các ngành phải đồng bộ ra tay, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện những thành tích “ảo” và những “chuyên gia tạo thành tích ảo”. Đối với những kẻ cố tình sai phạm, dẫn tới thiệt hại to lớn cho xã hội thì Nhà nước phải nghiêm trị theo pháp luật. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả của căn bệnh này. Chúng ta phải nhận thức được rằng “bệnh thành tích” là một hiện tượng tiêu cực gây ra nhiều tác hại ghê gớm khôn lường. Đó chính là biểu hiện cao độ của thói dối trá rất đáng phê phán và lên án. Trong hoàn cảnh đất nước ta đã mở cửa giao lưu và hội nhập với toàn thế giới, mỗi công dân phải có thái độ nghiêm túc và trung thực trước mọi vấn đề của bản thân, của cuộc sống và xã hội; thấy được mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục. Bên cạnh đó, chúng ta phải không ngừng học hỏi điều hay, điều tốt của các nước tiên tiến và vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn không bao lâu nữa, mục tiêu phấn đấu xây dựng một xã hội hiện đại, dân chủ, công bằng và văn minh sẽ trở thành hiện thực.

đề 2 ai cũng sống - chỉ một số sống đích thực
Đó là tâm sự quen thuộc của những tâm hồn mới lớn, đôi khi đứng trước cuộc sống rộng lớn và mênh mông, những người trẻ tự thấy mình cô độc, lạc lõng, thậm chí mất phương hướng. Những câu hỏi tưởng chừng ngô nghê ấy, cũng chính là câu hỏi về trách nhiệm, về ý nghĩa của cuộc sống của chính mình, không chỉ của những người trẻ tuổi bởi vì “Ai cũng có cuộc sống, nhưng chỉ có một số người mới có cuộc sống đích thực”.

Sống là gì? Là tồn tại theo kiểu sinh học với tất cả những hoạt động trao đổi chất và sinh lí thông thường mang tính bản năng?. Điều đó đúng. Thế nhưng tại sao lại có những người luôn than vãn rằng mình đang sổng mà như không sống? Nhu vậy là còn có một cách sống khác nữa, bên cạnh lối sống mang tính bản năng mà ai cũng có thể làm được kia. Và đó mới gọi là một cuộc sống đích thực. Cuộc sống đích thực là cuộc sống mà con người trong đó bên cạnh những hoạt động trao đổi chất thông thường để tồn tại còn là những hoạt động tích cực về mặt tinh thần.

Suy nghĩ thực tế và khách quan... Mong muốn sự tốt lành... Cảm nhận những điều đẹp đó... Đó chính là ý nghĩa đích thực của cuộc sống, sống đích thực là tìm thấy ở xung quanh ta niềm vui sống, yêu thương và được yêu thương, sống đích thực là cuộc sống không tránh khỏi những nụ cười và những giọt nước mắt nhưng vẫn vượt lên trên tất cả để vươn tới tương lai. Sống đích thực là sống để khẳng định mình và sự tồn tại của mình trong xã hội,... Có rất nhiều thứ có thể lấy ra làm minh chứng cho một cuộc sống đích thực nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là việc ta cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống mà ta đang sống. Chỉ khi ấy ta mới có thể và biết sống một cách đích thực. Ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta - là tình yêu của mẹ cha, là tình thân của bạn bè, là niềm vui và hạnh phúc khi đối mặt và vượt qua khó khăn, là ước mơ và hi vọng vào ngày mai...

Nhận thức được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, ta nuối tiếc cho những người quanh ta đang sống một cách nhạt nhoà, cho chính bản thân ta đã có những khoảng thời gian sống hoài phí và vô nghĩa. Xuân Diệu, nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời đã từng cảm thấy ngột ngạt trong bầu không khí của những con người sống bằng bằng, lặng lặng như những hạt cơm nguội, trong cái “Ao Đời” cũng thật phẳng lặng mà khát khao:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói sưốt trảm năm ”


Ai đảm bảo rằng không có lúc nào mình rơi vào hoàn cảnh tương tự? Ai có thể khẳng định rằng không có lúc mình cảm thấy cuộc sống này thật nhàm chán mà thu mình vào trong chiếc vỏ ốc?. Rằng có lúc ta cảm thấy mình thật thừa thãi và chuỗi thời gian trôi qua vô nghĩa đến mức mình không biết sẽ phải làm gì cho qua ngày?... Đó chính là những lúc ta rơi vào bi kịch của kẻ sống nhưng lại không phải là cuộc sống theo nghĩa đích thực của nó.

Sống để tồn tại đã khó, để tồn tại một cách có ý nghĩa còn khó hơn gấp nhiều lần. Vậy phải làm thế nào thì ta mới sống được thực sự?.

“Cuộc sống như một cuốn sách. Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, Kẻ khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ được đọc có một lần (Giăng Pôn). Hãy biết sống và trân trọng cuộc sống của chính bạn cũng như những gì bạn đang có trong tay. Bạn được nuôi dưỡng lớn khôn, mạnh khỏe như thế này, là nhờ mẹ cha bạn đã vất vả mỗi ngày, không quản nắng mưa, lao động cực nhọc để bạn có bát cơm trắng dẻo thơm, được cắp sách vở tới trường học điều hay lẽ phải, được manh áo ấm qua mùa đông giá rét...Từ nhỏ tới lớn, cả khi khỏe mạnh tươi vui đến khi ốm đau bệnh tật, trái nắng giở trời, cha mẹ luôn là người nâng niu từng bữa ăn giấc ngủ cho bạn.

Cha mẹ thức khuya dậy sớm, pha cho bạn li sữa, nấu cho bạn bát mì mỗi khi bạn đến kì thi chong đèn học bài. Khi bạn gặp thất bại, buồn đau, lo lắng, cha mẹ luôn ở bên động viên, lắng nghe, an ủi... Vì thế, bạn hãy nâng niu từng hạt gạo ngọt bùi, học cho thật tốt, thật hay, và đừng quên tâm niệm một lòng - “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để đừng bao giờ làm họ đau lòng, bạn nhé!. Khi bạn gặp khó khăn, những người bạn thật sự luôn chìa tay ra giúp bạn. Khi bạn có tâm sự, nỗi niêm, bạn bè luôn sẵn sàng sẻ chia. Khi bạn hạnh phúc, bạn bè luôn mỉm cười, chung vui với bạn. Vì thế, bạn hãy luôn thương yêu, luôn mở lòng với những người thân yêu. Bạn có nhớ mình vượt qua được những thăng trầm, những hụt hẫng trong cuộc sống bằng cách nào không? Đó chính là vì bạn còn hi vọng vào tương lai, bởi bạn tin rằng “Ngày mai sẽ là một ngày mới” và “sau cơn mưa trời lại sáng”. Vì thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng đừng đánh mất niềm tin và hi vọng. Và điều gì nuôi dưỡng tâm hồn ta, xây đắp nên cuộc sống của chúng ta, thì ta cần, nên và phải sống vì chính những điều đó.

Pa-ven Cooc-sa-ghin trong “Thép đã tôi thế đấy” đã phải trải qua quá trình tìm đường vất vả để rút ra được cho mình sự chiêm nghiệm về cuộc sống: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn với dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời”. Đó là những lời của một con người tìm ra ý nghĩa đích thực trong con đường cách mạng mình đi theo và nguyện cống hiến cho sự nghiệp cách mạng ấy. Nhưng hơn hết, nó có ý nghĩa kêu gọi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong mọi thời đại “sống sao cho khỏi xót xa ân hận” vì mỗi người chỉ được “sống có một lần”, vẫn biết rằng cuộc sống luôn đầy những khó khăn, thử thách nhưng điều quan trọng là ta biết vượt lên trên tất cả để sống thật ý nghĩa. Khi bạn lựa chọn được cho mình một cuộc sống đích thực, con đường bạn đi sẽ đầy những tiếng cười và niềm hạnh phúc.

Hãy tập trung suy nghĩ vào những điều tốt đẹp, trong sạch, thuần khiết, mạnh mẽ và tích cực của cuộc đời.

Hãy yêu cuộc sống. Dành thời gian nhìn xung quanh để thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên và những điều kì diệu trong cuộc sống của bạn. Hãy bình tâm, kiên trì và nhẫn nại để tìm ra những khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống.
Hãy sống một cách hứng khởi và sinh động. Hãy luôn tiến lên phía trước. Cho dù đôi lúc bạn không khỏi cảm thấy mệt mỏi hay thất vọng. Đừng quá ưu tư vì những nỗi buồn bực, chán chường.

Hãy sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời bạn và hôm nay là ngày tốt nhất để hạnh phúc vì cuộc đời quan trọng và ý nghĩa nhường nào.

“Cuộc sống là thử thách - Hãy đối đầu với nó!
Cuộc sống là một bản nhạc - Hãy hát lên!
Cuộc sống là một giấc mơ - Hãy biến nó thành hiện thực!
Cuộc sống là một ván cờ - Hãy chơi đi!
Cuộc sống là tình yêu - Hãy yêu thương nhau!”

Đề 1: Anh, chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" một "căn bệnh" gây tai hại không chỉ đối với sự phát triển của xã hội hiện nay

Đề 2: ai cũng sống - chỉ một số sống đích thực. Anh chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?:c19

chúc em học tốt
 
  • Like
Reactions: toilatot

khuattuanmeo

Cựu Mod tiếng Anh
Thành viên
24 Tháng một 2014
1,190
1,091
299
24
Hà Nội
DẪN DẮT:
Từ xửa đến nay, ai trong số chúng ta cũng mong muốn được khen thưởng để để chứng tỏ năng lực của mình. Tuy nhiên gần đây, chính vì cái “muốn” áy mà biết bao nhiêu người đã đổ xô đi chạy chọt để có được tấm bằng khen dù thực lực của mình không xứng đáng với tấm bằng khen đó. Đó là dấu hiệu đang lan nhanh của bệnh thành tích – một căn bệnh đang là hòn đá đè nặng lên sự phát triển của quốc gia dân tộc, kéo theo đất nước tụt dốc không phanh
GIẢI THÍCH
- Thành tích là chỉ kết quả đạt được qua sự nỗ lực cố gắng, được mọi người ghi nhận, tuyên dương để làm động lực mà đạt được nhiều thành tích tốt hơn
- Vốn là một từ mang ý nghĩa tích cực, nhưng thêm chữ “bệnh” đằng trước, nó lại mang theo nghĩa tiêu cực: thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn . Bản chất là lấy sự hòa nhoáng để lấp liếm khiếm khuyết, lấy sự lẫy lừng để lấp liếm những cái cong vênh.
- “Bệnh thành tích” thực sự là một căn bệnh đáng sợ, là mối nguy hại đối với cả một thế hệ trong sự phát triển của một quốc gia
BÀN LUẬN
- Hiện tượng:
+ Là hiện tượng tương đối phổ biến trong giáo dục. Bố mẹ vì muốn cho con mình có kết quả học tập nên đã chạy chọt, đút lót.
+ Không chỉ trong giáo tục mà nó còn lây lan sang nhiều lĩnh vực khác, ảnh hưởng trầm trọng tới sự phát triển của đât nước
- Nguyên nhân:
+ Xuất phát từ lòng ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy người khác được tuyên dương mà mình không được thì cũng tức, cũng muốn giành giật để bàng hoặc hơn họ.
+ Chú trọng nhiều vào “hình thức”, học sinh đi học chú tâm vào điểm số, người người chú tâm vào bàng cấp, giấy tờ.
- Hậu quả
+ Một đất nước chỉ toàn những người ảo tưởng vào thành tích thì sớm muộn đất nước ấy cũng đứng trên bờ vực diệt vong. Tất cả sự tài giỏi chỉ là trên “Giấy tờ” thì lấy đâu ra nhân tài thực sự để bồi đắp sự phát triển cho đất nước.
+ Chúng ta sẽ bị bạn bè quốc tế cười chê nếu còn mãi chạy theo “bệnh thành tích”. Mang theo căn bệnh ảo tưởng, không nhận thức rõ được thực lực của mình nên không thể kiếm được việc làm, hoặc không có khă năng phát triển hơn nữa.
được.
BÀI HỌC NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG = Giải pháp
- Chúng ta cần một thứ thuốc để loại bỏ hoàn toàn căn bệnh ra khỏi bước đường phát triển của đát nước. Các cơ quan tổ chức cấn siết chặt hơn nữa trong cơ cơ cấu quản lí, đồng thời điều chỉnh hệ thống sao cho phù hợp.
- Đối với những kẻ cố tình sai phạm, dẫn tới thiệt hại to lớn cho xã hội thì Nhà nước phải nghiêm trị theo pháp luật. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả của căn bệnh này.
- Xửa kia ông cha ta đã có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, chúng ta là người truyền lại cho thế hệ truyền thống đạo lí tốt đẹp ấy. Vậy mà giờ chúng ta lại làm trái với đạo lí ấy, khác nào chúng ta chà đạp lên vẻ đẹp truyền thống mà cha ông ta đã gây dựng suốt bao đời. Chúng ta can tâm làm thế hay sao?
 
  • Like
Reactions: Lanh_Chanh
Top Bottom