Văn [VĂN 9] Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải

Bạch Ân Nhiên

Học sinh mới
Thành viên
23 Tháng ba 2017
17
21
16
21
Thành phố Đà Nẵng
Mùa xuân là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca nhân loại. Vẻ đẹp của nó đã làm rung động biết bao tâm hồn thi sĩ, khiến họ viết nên những vần thơ tràn đầy tình yêu cuộc sống. Nhà thơ Thanh Hải cũng đắm say trong hương sắc xuân để cho ra đời bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - một khúc ca yêu đời sâu lắng thiết tha…Đặc biệt, ở ba khổ thơ đầu, hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên và đất nước được khắc họa thật ấn tượng bởi một trái tim tha thiết yêu cuộc sống.

Giây phút chuyển mình từ mùa đông giá lạnh sang mùa xuân ấm áp, cái thời điểm diệu kì đó đã khiến nhà thơ bừng lên sức sống mới, tâm hồn thăng hoa, ngòi bút cũng nở hoa. Khúc ca yêu đời ấy cất lên, đầu tiên là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, xuân của xứ Huế thơ mộng và thơ:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Chỉ bằng vài nét đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh bình dị, gần gũi, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh xuân có màu xanh trong trẻo của nước, màu tím biếc của bông hoa như trải ra cả chiều dài của dòng sông. Biện pháp tu từ đảo ngữ (“mọc” đảo lên ở đầu câu) vừa tạo nên ấn tượng đột ngột, bất ngờ, vừa làm cho bông hoa trở nên sống động lạ thường, dường như nó đang vươn lên lồ lộ bung tràn sức xuân tươi mới, sức sống căng tràn mãnh liệt.

Ơi! Con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Tác giả sử dụng từ cảm thán, từ địa phương “chi mà” không cầu kì, gọt giũa nhưng cả xúc lại thăng hoa tuôn chảy. Chỉ bằng vài nét phác họa, tác giả đã vẽ ra cả không gian cao rộng với dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, với sắc tím biếc của bông hoa nổi trội, đậm đà, nồng ấm cả dòng sông xanh, màu sắc đặc trưng của xú Huế. Và với cả những âm thanh vang vọng của mùa xuân thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế. Bông hoa là có thật, hay cũng là dáng hình của niềm tin, niềm hi vọng, là màu sắc thân quen của quê hương xứ Huế mà đôi mắt nhà thơ từng bắt gặp, ngòi bút nhà thơ từng ghi chép?

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Nhà thơ thực sự đã bị men say của mùa xuân làm cho ngây ngất. Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên được diễn tả tập trung ở chi tiết rất tạo hình. Từng giọt ở đây là giọt mưa xuân long lanh trong ánh sáng của trời xuân. Nhưng cũng có thể hiểu đây là những giọt âm thanh tiếng chim. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác làm cho tiếng chim vô hình bỗng biến thành hữu hình, có thể cảm nhận được bằng thị giác và cả xúc giác. Tiếng chim đang xa bỗng gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu, rơi rơi, rơi mãi tưởng chừng như không dứt. Vẻ đẹp của mùa xuân lắng đọng lại tận sâu trong tâm khảm nhà thơ. Tác giả thật tinh tế trong cách lựa chọn từ ngữ, chỉ lựa chọn miêu tả những nét tiêu biểu của mùa xuân nhưng lại gợi ra cả một bức tranh xuân trong trẻo, tinh khôi, đầy hương sắc, nồng nàn sự sống. Bản vang ca của mùa xuân đó cũng được làm nên từ những nốt nhạc thơ nhất, tinh tế nhất. Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, lắng sâu như cảm xúc yêu thương, mê đắm, say sưa, ngây ngất với sự bung nở của tình yêu cuộc sống. Phải là một người có tình yêu tha thiết với vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời thì tác giả mới có thể thay tạo hóa vẽ nên một cảnh xuân đẹp đến như thế.

Khúc ca yêu đời vang ngân da diết ấy tiếp tục được chuyển sang mùa xuân của đất nước. Tác giả hướng tình cảm của mình tới những con người đang làm đẹp cho mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Những câu thơ tạo ra hình ảnh sóng đôi đẹp như hai vế của câu đối mừng xuân nói về người chiến sĩ bảo vệ đất nước và những người lao động dựng xây đất nước. Từ “lộc” gợi lên hình ảnh thực là chồi non, lộc biếc của cỏ cây hoa lá. Nhưng “ điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ” . Vì vậy “lộc”, ngoài hình ảnh thực, còn là ẩn dụ được chuyển tải thông qua biện pháp điệp ngữ, như một điểm nhấn trong dòng chảy miên man của cảm xúc, diễn tả sức sống, sức xuân đang căng tràn mãnh liệt của thiên nhiên, của đất nước trên hai trận tuyến, gắn với hình ảnh người cầm súng và người ra đồng. Ở tiền tuyến lắm hiểm nguy, gian khổ nhưng lại hiện lên mầm sống qua hình ảnh vòng là ngụy trang của người chiến sĩ đang nảy những chồi non như mang theo cả mùa xuân cùng các anh ra trận, Ở hậu phương, mặt trận không tiếng súng nhưng lại là bệ đỡ, hậu thuẫn cho sức sống bung tràn. Trên nương mạ, ruộng lúa của các bác nông dân, mầm non đang đua nhau trỗi dậy, giục giã, thôi thúc lòng người. Mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non, đã theo người cầm súng và người ra đồng, hay chính là họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước?

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Điệp từ “tất cả”, từ láy “hối hả”, “xôn xao” , nhịp thơ mạnh hơn, tươi vui hơn tạo nên nhịp điệu mùa xuân rộn rã, sức sống mùa xuân đất nước. Xuân tràn trề, xuân đang dạo những nốt nhạc réo rắt nhất trong bản hợp xướng vĩnh hằng của đất trời. Đó còn là không khí khẩn trương, háo hức của đất nước vào xuân. Bài thơ được viết vào năm 1980, nước ta đang khôi phục vết thương của chiến tranh, tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn đang đối diện với chiến tranh biên giới, kinh tế hết sức khó khăn. Vì thế, đoạn thơ còn gợi lên sự đồng sức, đồng lòng của hai trận tuyến, xây dựng cuộc sống và đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nó cũng mở ra những cảm nhận chan chứa tự hào về đất nước:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

“Bốn ngàn năm” là bề dày lịch sử của một dân tộc. Nhưng chính bề dày đó là điểm tựa, bệ đỡ để đất nước vững vàng hơn. Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh “Đất nước như vì sao” thật đẹp. Đất nước được ví với hình ảnh đẹp lung linh, ngời sáng, luôn vận động và phát triển không ngừng. Đặc biệt đó lại là vẻ đẹp của sự bất diệt, vĩnh hằng. Nhà thơ gửi vào đó niềm tin yêu đối với sự trường tồn của đất nước, của dân tộc qua bao biến cố của lịch sử. Từ “cứ” như một lời khẳng định sắc son rằng đất nước sẽ bất chấp gian lao, thử thách, tiến bước với sức sống mãnh liệt. Giọng điệu thơ nhanh, mạnh, tươi vui, đã thể hiện được hình ảnh đất nước với tất cả sức trẻ, sức sống nồng nàn. Ý thơ đã chuyển từ hiện thực sang lãng mạn để biểu hiện tấm lòng tin yêu, lạc quan, tự hào về đất nước và khao khát sống, khao khát hiến dâng, ca ngợi.

Với hình ảnh thơ bình dị và giọng thơ tươi vui, say sưa, ba khổ thơ đầu đã tái hiện một bức tranh xuân thật đẹp và tràn đầy sức sống. Đoạn thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi tình yêu đời và niềm tin vào cuộc sống của nhà thơ. Khúc ca này sẽ vang mãi với thời gian, khi mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc thành bài hát đặc sắc làm rung động lòng người…

Khúc ca yêu đời mà tác giả viết lên bằng thơ đã lắng lại, ông tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng cống hiến:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xuyến

Tác giả vẫn sử dụng những hình ảnh thơ bình dị, gần gũi và thân thương nhưng lại vô cùng có ý nghĩa. Bởi trong một bản nhạc không thể thiếu một nốt trầm, trong một vườn hoa ngạt ngào sắc hương không thể thiếu đi một cành hoa. Nếu ở đầu bài thơ, tác giả miêu tả những hình ảnh đẹp, tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của bông hoa, thì ở đây, tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa tỏa ngát hương, con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng. Đại từ có sự chuyển biến từ “tôi” sang “ta” cùng với biện pháp điệp ngữ “ta làm” khiến âm hưởng, giọng điệu thơ càng tha thiết hơn, ước nguyện cống hiến lại càng cháy bỏng hơn.


Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc


Mùa xuân nho nhỏ là một hình tượng bất ngờ, độc đáo mà tự nhiên, hợp lí của bài thơ. Bởi mùa xuân, vốn là một khái niệm chỉ thời gian, thế mà ở đây “mùa xuân” lại có khối, có hình, một hình hài thật xinh xắn. Hình ảnh thơ thật giàu ý nghĩa, không phải chỉ là mùa xuân của thiên nhiên nữa mà là mùa xuân của lòng người, của cái tôi trong trong cuộc đời. Từ láy “ nho nhỏ” gợi hình ảnh, phải chăng là biểu hiện của ý thức về cái ít ỏi, hữu hạn của hạn của mỗi cuộc đời? Là cái tôi cá nhân trong cái vô biên vô hạn của cộng đồng? Cũng giống như con chim, cành hoa, rất nhỏ bé, rất khiêm nhường nhưng lại có thể dệt nên những điều diệu kì nhất, tác giả chỉ “lặng lẽ dâng cho đời” , nguồn mạch yêu thương tuôn chảy thật mạnh mẽ nhưng âm thầm. Điệp từ “dù là” đặt ở hai đầu câu thơ liên tiếp cùng biện pháp hoán dụ (tuổi hai mươi tóc bạc) có ý nghĩa khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, cháy bỏng đén tận cùng của cả cuộc đời, của tình yêu cuộc sống đến da diết, máu thịt.



Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế


Âm điệu của bài ca tiếng hát ngọt ngào, da diết của xứ Huế được gợi lên từ đoạn thơ kết đã làm bâng khuâng lòng người. Trở lại với những điệu hát cội nguồn, tác giả thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương. Đi dọc cả chiều dài đất nước, cuối cùng tác giả về với “câu Nam ai, Nam bình”. Quê hương là điểm khởi nguồn, cũng là nơi trở về của mỗi con người cuối cuộc đời. Ai cũng mong được ôm ấp vòng tay của quê nhà nghĩa nặng tình sâu.


Bài thơ được viết khi tác giả ở tác giả trong những giây phút giáp mặt với cái chết, không lâu trước khi ông qua đời. Vậy mà cảm xúc trước mùa xuân lại cháy bỏng đến như thế thì thật đáng cảm phục. Niềm yêu mến thiết tha với cuộc sống, với đất nước và ước nguyện chân thành của tác giả sẽ mãi là khúc ca yêu đời sống mãi. Khúc ca ấy được viết bằng thể thơ năm chữ có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca miền Trung, nhiều hình ảnh đẹp, giản di, gợi cảm, và những so sánh ẩn dụ sáng tạo. Tất cả điều đó hòa cùng cảm xúc của nhà thơ thành một khúc ca dâng tặng cuộc đời. Lời thơ của một người mà lay động trái tim muôn người. Ước ao, khát vọng của nhà thơ như vẫy gọi chúng ta bừng lên khao khát được cống hiến. Đó là một lẽ sống đẹp ta cần noi theo. Bởi cuộc sống luôn có muôn vàn thử thách khiến ta luôn có niềm tin và tình yêu cuộc sống. Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào, bãn lĩnh và nghị lực sống là điều cần thiết nhất


Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ cuối cùng của Thanh Hải nhưng nó mãi bất tử bởi tình yêu đời và niềm tin vào cuộc sống của nhà thơ. Khúc ca này sẽ vang mãi với thời gian, khi mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc thành bài hát đặc sắc làm rung động lòng người…



P/s: đây là bài hoàn chỉnh luôn đó bạn, có gì bạn tự sửa nhé :D
 
Top Bottom