[Văn 11] Về bài thơ Tràng Giang (tài liệu tk)

H

haiquynh.710

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Nhan đề bài thơ “Tràng giang” gợi lên ở anh (chị) những suy nghĩ gì? Hãy bình giảng lời đề từ và khổ thơ mở đầu của bài thơ

I.Mở bài

Nếu Xuân Diệu là nhà thơ của nỗi ám ảnh thời gian thì Huy Cận lại là nhà thơ của nỗi khắc khoải không gian. Những rung cảm mãnh liệt và tinh tế của hồn thơ Huy Cận trước không gian trời rộng sông dài lúc chiều tà đã hoá thân thành bài thơ “Tràng giang” độc đáo – “một bài thơ đã đạt đến trình độ cổ điển của một hồn thơ mới”(Xuân Diệu). Bài thơ có một nhan đề và một lời để từ giàu ý nghĩa đồng thời bộc lộ những cảm nhận đặc biệt tinh tế trước thiên nhiên ngay từ khổ thơ đầu.

II.Thân bài

1)xuất xứ
“Tràng giang” là bài thơ đặc sắc nhất trong tập “Lửa thiêng” (1940) của Huy Cận. Đó là một bài thơ được sống Hồng gợi tứ, là những rung động của nhà thơ trước thiên nhiên sông nước bao la vô tận nơi bến phà, chèm trong buổi chiều tà.
2)Giải thích ý nghĩa nhan đề
Nhan đề của các tác phẩm văn học nhiều khi bao quát được những nội dung tư tưởng chủ đạo, những hình tượng nổi bật của nhà thơ. Huy Cận cũng đã chọn cho thi phẩm của mình một nhan đề rất thích đáng. “Tràng giang” cũng chính là ‘trường giang” có nghĩa là sông dài. Nhưng nhà thơ không viết “trường giang” mà viết “tràng giang” tạo nên phép điệp âm “ang”, một âm mở, và nhờ vậy còn gợi lên hình ảnh một con sông lớn, sông rộng. “Tràng giang” lại là một từ Hán Việt cổ điển nên cũng kín đáo gợi hình ảnh con sông cổ kính lâu đời ( dòng “tràng giang” vì vậy không chỉ có chiều dài rộng địa lí mà còn có chiều sâu của thời gian, của lịch sử. đó là con sông như đã chảy từ ngàn xưa, đã trầm tích vào trong mình chiều sâu của hàng nghìn năm lịch sử, hàng nghìn năm văn hoá, và dường như đã chảy qua bao áng cổ thi:
“Duy kiến Trường giang thiên tế lưu”
(Lý Bạch)
(Dòng tràng giang chảy ngang qua bầu trời)
(Con sông vì vậy trở nên dài hơn rộng hơn mênh mang hơn xa xôi vĩnh viễn hơn trong tâm tưởng của người đọc. Nhan đề “tràng giang” vì vậy đã gợi lên một hiện tượng không gian độc đáo, không gian lớn lao có tầm vũ trụ rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
3ý nghĩa của nhan đề càng được tô đậm hơn qua lời đề từ của tác phẩm: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”
Câu thơ được rút trong bài thơ “nhớ hờ’ từ tập lửa thiêng. Các hình ảnh “trời rộng sông dài” gợi những phạm vi không gian khác nhau từ cao đến thấp; xa đến gần một không gian lớn lao mênh mang có tầm vũ trụ. Hình tượng không gian này còn trở lại nhiều lần trong bài thơ “Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Nếu ‘bâng khuâng” là cảm giác xao xuyến trống trải của con người khi đối diện trước không gian mênh mông rộng lớn thì “nhớ” lại là niềm hoài niệm của con người về điều gì đó đã khuất xa trong thời gian trong không gian. Cả dòng thơ đã bộc lộ thành thực nỗi niệm tâm trạng con người khi đối diện trước thời gian, không gian, bộc lộ nỗi khắc khoải không gian của hồn thơ Huy Cận : “Huy Cận dường như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian” (Xuân Diệu)
4)Bình giảng
“Tràng giang” mở ra bằng hiện tượng dòng sông mặt nước. Bản thân từ tràng giang đã gợi một không gian dài rộng mênh mông có phần cổ kính một không gian lớn lao mang tầm vũ trụ. Hình ảnh “sóng gợn Tràng giang “gợi sự vận động hết sức nhỏ bé nhẹ nhàng của sóng và vì vậy càng làm nổi bật cái mênh mang cái tĩnh lặng vô cùng của nền cảnh Tràng giang. Huy Cận đã khéo léo sử dụng thủ pháp dùng động nói tĩnh; dùng cái nhỏ bé diễn tả cái lớn lao vốn rất phổ biến trong thơ xưa. Dòng thơ đầu có khi được hiểu như một hình ảnh so sánh giữa cảnh “sóng gợn Tràng giang” triền miên vô hạn với nỗi buồn điệp điệp của lòng người. Nó kín đáo gợi nhớ một câu ca dao cổ:
“Qua cầu ngả nón trông cầu
Sóng bao nhiều gợn, dạ em sầu bấy nhiêu”
Nhưng có lẽ ở dòng thơ của Huy Cận bốn chữ đầu tả cảnh của mình trước sau tả tình nhà thơ trực tiếp bộc lộ nỗi lòng của mình trước cảnh Tràng giang sóng gợn. Cặp từ láy “điệp điệp” vừa khiến nỗi buồn trở nên cụ thể hơn vừa làm cho nó như chồng chất lên nhau nối tiếp nhau không dứt. Nỗi buồn này chưa qua nỗi buồn khác đã vỗ về. Đó là một nỗi buồn triền miên vô hạn như chính sóng nước Tràng giang. Có thể nói ngay dòng thơ đầu Huy Cận đã trực tiếp bộc lộ nỗi lòng của mình khi đối diện trước cảnh vật, trước không gian.
Trên nền Tràng giang nổi bật lên hình ảnh con thuyền đơn độc lẻ loi. Hình ảnh con thuyền xuôi mái có khi được hiểu là con thuyền xuôi mái chèo mát mái lướt đi ung dung thanh thản trước Tràng giang. Nhưng có lẽ hiểu là hình ảnh con thuyền buông xuôi mái chèo bởi như thế sẽ hợp hơn với một dòng Tràng giang toàn những “củi trôi, bèo dạt” toàn những vận động vô hướng vô định. Có người hiểu “nước song song” là hình ảnh có ý nghĩa đối thanh đối ý với “buồn điệp điệp” ở dòng trên, có người lại cảm nhận đó là hai vệt nước vẽ ra từ đuôi con thuyền xuôi mái. Nhưng có lẽ cả dòng thơ này diễn tả thế song song sóng đôi hài hoà giữa thuyền và nước; diễn tả mối quan hệ vững bền muôn thuở của thiên nhiên.
Đến dòng thơ sau thế cân bằng mỏng manh giữa thuyền và nước: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. dòng thơ có khi được ngắt nhịp 2/5 và có khi được hiểu là mối sầu của nước khi thuyền về. Nhưng trong tương quan nội tại của lời thơ, cách ngắt nhịp 2/2/3 tỏ ra hợp lí hơn và “sầu trăm ngả” là mối sầu của lòng người. Lời thơ khéo léo sử dụng phép tiểu đối : “Thuyền về – nước lại” diễn tả sự chia ly giữa thuyền và nước. Hai động từ trái hướng: “về – lại” như đã xé thuyền và nước đã tồn tại rất mong manh, đã lùi vào quá khứ, “thuyền – nước” vốn là những thực thể không thể tách rời nhau nên sóng đôi thì hài hoà tách xa là có nỗi niềm mà chia ly là nghịch cảnh (Huy Cận đã đã cảm nhận sự chia ly giữa “thuyền – nước “ như một điều trái quy luật tự nhiên. Cách cảm nhận ấy như khiến cho nỗi buồn trở nên thấm thía sâu sắc hơn, và nỗi buồn ‘điệp điệp” ở trên đã trở thành mối sầu trăm ngả”. Huy Cận là người thường hiện thực hoá những tâm tư tình cảm của con người trong những phạm vi không gian. Mối sầu vốn vô hình không thể cảm nhận bằng mắt thường nhưng khi được đặt trong không gian “trăm ngả” bỗng trở nên cụ thể có tầm vóc lớn lao, cả mối sầu nơi lòng người cũng như đang lan toả khắp không gian, như cũng đang vỗ sóng trên mặt thế gian. Đó cũng là mối sầu vô hướng, vô định, là nỗi niềm của con người trước sông nước mênh mang.
Thơ là sự chọn lựa ngôn từ hết sức cầu kỳ hàm xúc. Bao nhiêu người cầm bút đã từng tâm niệm lời dạy của thi thánh Đỗ Phủ:
“Tự bất kinh nhân tử bất hưu”
(Một chữ mà chưa làm cho người ta kinh sợ thì chết chưa yên)
Trước khi đặt bút viết dòng thơ cuối Huy Cận đã trải qua nhiều trăn trở, tìm tòi. Ông từng thử bút bằng dòng thơ:
“Gỗ lại rừng xa cuộn xiết dòng”
rồi sửa bằng :”Củi một cành khô đã lạc dòng”
nhưng không có hình ảnh nào gợi tả bằng dòng thơ: “Củi một – dòng” hình ảnh “củi một cành khô” gợi cái đơn côi lẻ loi, khô héo nhỏ bé phù du, còn hình ảnh “mấy dòng” lại gợi một không gian lớn lao mênh mang trải ra nhiều hướng. Thủ pháp tương phản trong dòng thơ cùng với động từ “lạc” như muốn xé cành củi khô về nhiều hướng: “Cành củi” ấy trở nên vô cùng tội nghiệp nhỏ nhoi, qua những vận động vô hướng vô định của mình. Dòng thơ như kín đáo gợilên những liên tưởng về thân phận bèo bọt của con người giữa dòng đời vô tận. Lời thơ sử dụng rất nhiều thủ pháp tương phản một thủ pháp vốn rất đặc trưng cho cảm hứng lãng mạn. Thiên nhiên trong khổ thơ có vận động nhưng là vận động vào sự lưu lạc; chia lìa. Nó là một cảnh buồn vắng mà chỉ tâm hồn chất chứa mối sầu như Huy Cận mới có thể nhận ra.

III.Kết bài

Cả khổ thơ là những cảm nhận đặc biệt tinh tế trước thiên nhiên đầy những lưu lạc ; những vận động vô hướng vô định, những nỗi niềm những mối sầu vô hồi vô hạn như chính sóng Tràng giang. Huy Cận qua khổ thơ đó đã phác hoạ ra những cảnh đầu tiên cho bức tranh Tràng giang vừa cổ điển mẫu mực, vừa độc đáo mới mẻ của mình.

_________________

(Cườngvăn)
 
H

haiquynh.710

Bình giảng khổ thơ sau:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”

I.Mở bài

“Thơ Huy Cận dường như ngầm chất chứa cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế” (Xuân Diệu) có lẽ vì vậy Huy Cận cũng là hồn thơ “ảo não nhất” trong phong trào thơ mới. Hồn thơ ấy đã bộc lộ khéo léo tâm tình nỗi niềm của mình trước bức tranh thiên nhiên trống trải và hiu quạnh mà nhà thơ đã dày công khắc hoạ trong khổ hai của bài thơ.

II.Thân bài

1)Xuất xứ (Đề 1 – 1)
2)Bình giảng
Nếu khổ đầu của bài thơ “Tràng giang”chủ ý là cảnh dòng sống mặt nước với bao nhiêu chia lìa lưu lạc với bao nhiêu vận động vô hướng, vô định; bao nhiêu nỗi buồn điệp điệp ; mối “sầu trăm ngả” thì ở khổ hai Huy Cận như vẽ thêm cảnh qua một trường nhìn dài hơn xa rộng hơn. đó là một không gian với “cồn nhỏ” chợ chiều, nắng, trời, sông, bến”
“Tràng giang” vốn là một không gian mênh mang vô tận, không chỉ là con sông dài, sông rộng một dòng sông cổ kính lâu đời. Giữa thế giới Tràng giang mênh mang ấy nổi bật lên cái nhỏ nhoi cô đơn chiếc của cồn cát trên sông. Đó là nơi dòng Huy Cận ở ngoại thành Hà Nội được tách làm đôi bởi một đồi cát nhỏ giữa dòng, nên đoạn sông này còn gọi là Nhị Hà hay Nhĩ Hà. Cặp từ láy “lơ thơ” được đảo lên trước nhấn mạnh vào cái thưa thớt trống trải của cảnh vật trên cồn. Dòng thơ bảy chữ mà có tới năm chữ là tính từ, khiến cho cảnh vật hiện lên vô cùng cụ thể, chi tiết sinh động. Cồn cát đã nhỏ như lại càng trở nên trống trải hơn ở giữa mênh mang sông nước. Huy Cận có lần cho biết cặp từ láy “đìu hiu” ông học được từ câu thơ ‘Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm:
“Non kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”
Lời thơ của Huy Cận đã kín đáo làm sống lại cái không khí trống trải, thê lương, buồn vắng của lời thơ xưa. Nhà thơ cảm thấy nỗi buồn cảm giác đìu hiu trống trải toả ra từ mỗi ngọn gió. Mỗi cơn gió thổi qua đều mang theo một phần trống vắng đều chất chứa nỗi buồn.
Huy Cận không chỉ cảm nhận Tràng giang bằng thị giác mà còn cảm nhận bằng thính giác. Âm thanh của tiếng chợ chiều đã vãn bao giờ cũng chứa chất nỗi buồn, một âm thanh từng vang vọng trong “chợ đồng” của Nguyễn Khuyến. Âm thanh trong bài thơ là âm thanh buồn vắng ấy, lại cũng là một âm thanh từ xa vẳng lại nghe mơ hồ như có như không. Cái âm thanh nhỏ nhoi buồn vắng ấy không chỉ làm nổi bật cái tĩnh lặng vô cùng của nền cảnh thế giới mà còn là một biểu tượng một dấu vết của đời sống con người. Trong cảm nhận của Huy Cận, dấu vết sự sống con người hơi ấm của con người quá đỗi nhỏ nhoi, mong manh mờ nhạt giữa cái bao la rợn ngợp của thế giới, bị chìm lấp đi giữa thiên nhiên tạo vật. Nỗi buồn, nỗi cô đơn của nhà thơ càng thêm thấm thía.
Cái nhìn của Huy Cận còn bao quát một phạm vi không gian từ cao đến thấp, từ gần đến xa:
“Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Lời thơ có nhiều thực thể như “nắng, trời, sông, bến” nhưng vẫn không một chút sắc màu. Đó là một thiên nhiên hết sức cổ điển được cảm nhận ở tầm bao quát. Trong tương quan nội tại của hai dòng thơ này các tính từ đều bị động từ “xuống lên”đã đành là động từ nhưng ngay “dài- rộng”cũng không còn là tính từ nữa mà đã bị động từ hoá. Bằng cách ấy Huy Cận đã thể hiện được sự vận động, sự mở rộng về mọi hướng của không gian: “Nắng xuống – trời lên”, sông như dài thêm ra, trời như rộng thêm, bến cô liêu hơn. ở đây con người đã biết lấy mình làm trung tâm đo đếm vũ trụ. Độc đáo và xuất thần nhất vẫn là cụm từ ‘sâu chót vót”. Trong tư duy thông thường người ta chỉ viết “cao chót vót”. Bằng cách kết hợp từ độc đáo mới lạ đã đồng nhất chiều cao của vòm trời với chiều sâu của đáy vũ trụ hoá ra vũ trụ là một cái vực thăm thẳm. Cách cảm nhận ở hai dòng thơ này vì vậy đã kín đáo gợi lên một hình tường Tràng giang đang chảy giữa vũ trụ, giữa nắng, giữa trời. Nó gợi nhớ hình tượng dòng Hoàng Hà như từ trên mây đổ xuống trong thơ Lí Bạch:
“Ngỡ dải thiên hà tuột khỏi mây”
hay trong bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”
“Trông ngang chỉ thấy dòng sông lưng trời”
Huy Cận vì vậy đã làm hiện lên một dòng Tràng giang vừa độc đáo vừa cổ điển, một dòng sông tuôn về từ cảm giác vũ trụ giữa không gian vũ trụ mênh mang không cùng như thế, cái bến nhỏ của đời người càng trở nên nhỏ bé tội nghiệp cô liêu hơn. Hình ảnh ‘bến cô liêu” một lần nữa cho thấy dấu vết của sự sống con người quá đỗi nhỏ nhoi mờ nhạt bị chìm lấp đi giữa thiên nhiên vô tận vô cùng. Chình hình tượng thế giới như thế đã làm nổi bật hơn cái lẻ loi cô độc bơ vơ của nhà thơ, và khiến nỗi buồn nỗi sầu thêm mênh mang thấm thía: “Người thấy lạc loài giữa cái mênh mông của không gian, cái xa vắng của thời gian, lời thơ vì thế mà buồn rười rượi” (Hoài Thanh)

III.Kết luận

Khổ thơ như những nét vẽ hoàn thiện thêm bức tranh thiên nhiên thế giới đã được mở ra ở bốn dòng thơ đầu đồng thời phát triển mở rộng thêm hình tượng không gian có tầm vũ trụ trong cảm nhận của Huy Cận. Nhà thơ nhìn đâu cũng chỉ thấy thiên nhiên ngự trị, thấy dấu vết sự sống con người nho nhoi mờ nhạt, mong manh. Đó là cội nguồn sâu thẳm của nỗi nhớ nhà, là cảm giác bơ vơ lạc lõng của một hồn thơ mới giữa thiên nhiên trời rộng sông dài.

_________________
(Cườngvăn)
 
H

haiquynh.710

Bình giảng khổ thơ:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

I.Mở bài

Khi tự hoạ về bức chân dung tinh thần của mình trong thơ Huy Cận từng viết:
“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm
…………
Hay hồn chàng vẫn tủi nắng sầu mưa
Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi”
(Mai sau)
mối “sầu” đặc trưng cho hồn thơ Huy Cận nỗi buồn sông núi của nhà thơ có lẽ đã được bộc lộ đầy đủ và tinh tế nhất qua tứ thơ “Tràng giang”, nhất là khổ thơ cuối khi nhà thơ một mình đối diện trước thiên nhiên trời rộng sông dài:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

II.Thân bài

1)Xuất xứ (Đề 1 – 1)
-Vị trí của khổ thơ:
Nếu cả bài thơ ‘Tràng giang” là hình tượng thiên nhiên mang tầm vóc vũ trụ hết sức độc đáo thì khổ cuối tiêu biểu cho nỗi “khắc khoải không gian” của nhà thơ khi đối diện trước không gian ấy. Cả bài thơ do sự thay đổi của phạm vi không gian, khi ở nơi lòng sông mặt nước ; lúc trên bờ trên bến, trên trời, nên đã kín đáo gợi lên hình tượng một con sóng lớn vỗ từ Tràng giang vào lòng người không lúc nào ngơi nghỉ. ở trên Huy Cận đã tìm kiếm dấu vết của sự sống con người qua âm thanh của tiếng làng xa, qua bến nhỏ cô liêu để rồi thất vọng khi thấy toàn cảnh Tràng giang “không cầu, không đò, không gì” gợi chút niềm thân mật thì đến khổ này cái nhìn của nhà thơ một lần nữa hướng về phía trời cao.
2)Bình giảng
-Lời thơ với hàng loạt các chất liệu quen thuộc “mây, núi, cánh chim, bóng chiều…” đã gợi nên một hình tượng không gian vô cùng cổ điển. ý vị cổ điển của lời thơ càng nổi bật hơn khi Huy Cận từng cho biết từ “đùn” ở dòng thơ này ông học được từ câu thơ trong bài “Thu hứng 1” của Đỗ Phủ:
“Mặt đất mây đùn cửa ải xa”
việc làm sống lại không khí của bài thơ cổ cùng với các hình ảnh “mây cao, núi bạc” thể hiện một thiên nhiên hết sức hùng vĩ lớn lao mang tầm vũ trụ. Các từ ‘lớp lớp” đứng ở đầu dòng thơ càng làm nổi bật hơn cảnh hùng vĩ trùng trùng điệp điệp tầng tầng lớp lớp của mây trời. Đó là một bầu trời vừa cao rộng vừa khoáng đạt trong hình ảnh “núi bạc” có vẻ đẹp của thiên nhiên màu trắng tinh khôi trong trẻo lấp lánh ánh sáng. Cả bài thơ tả cảnh thiên nhiên mà chỉ có ba tính từ tả màu sắc “xanh, vàng, bạc” đó là một thiên nhiên được cảm nhận ở tầm cao tầm xa, hết sức cổ điển. Khi tự bạch về dòng thơ đầu của khổ này Huy Cận từng cho biết : “Buổi chiều nhìn lên nền trời thấy những đám mây trắng cứ nối tiếp nhau đùn lên cao mãi tạo thành vô vàn những đỉnh núi bạc lấp lánh nên đã liên tưởng viết dòng thơ này. Từ một hình ảnh có thực nhà thơ đã khái quát chắt lọc thành một hình ảnh thơ rất tinh tế gợi cảm. Huy Cận đã phát hiện ra sự chuyển hoá độc đáo từ mây thành núi trên nền trời. Giác quan tâm hồn nhà thơ bộc lộ tất cả niềm say mê sự thích thú trước cảnh những đám mây đang chơi trò xếp núi. Sự vận động ấylàm nổi bật thêm một lần nữa cái tĩnh lặng vô cùng của nền trời, của cảnh thế giới.
-Dòng thơ tiếp theo thường được cảm nhận cắt nghĩa với nhiều cách hiểu khác nhau. Có người hiểu cả cánh chim lẫn bóng chiều là những thực thể vận động độc lập, không có quan hệ gì với nhau; có người lại hiểu giữa chúng có quan hệ nhân quả: chim nghiêng cánh nhỏ khiến bóng chiều sa xuống. Nhưng nếu hiểu như thế, cánh chim nhỏ bé kia bỗng trở nên lớn lao hùng vĩ quá, không hợp với thế giới nói riêng và thơ mới nói chung. Thực ra, trong nguyên văn của lời thơ, sau bốn chữ đầu Huy Cận có dùng dấu hai chấm tạo thành lối thơ giải thích cắt nghĩa mà vế trước tạo là hệ quả vế sau là nguyên nhân.: chim nghiêng cánh nhỏ vì bóng chiều sa xuống. “Bóng chiều” vốn là thực thể vô hình hư ảo mỏng mảnh nhẹ nhàng
“Bóng chiều dường có lại dường không”(TNT)
bỗng trở nên cụ thể có hình khối có trọng lượng đè trĩu nên đôi cánh mỏng mảnh chỉ một chút bóng chiều sa xuống cũng khiến cánh chim nghiêng lệch đi. Lời thơ đã gợi nên rất chính xác cái nhỏ nhoi tội nghiệp cái trớ trêu bất lực mỏng mảnh của cánh chim, một sinh linh vô tội giữa trời chiều. Nó gợi nhớ những cánh chim lẻ loi nhỏ bé trong thơ Xuân Diệu :
“Chim nghe trời rộng giang thêm cánh”
(Thơ duyên)
hoặc trong lời thơ của Chế Lan Viên:
“Chao ôi thương nhớ !ôi thương nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”
(Điêu tàn)
-Hai chưc “nhớ nhà” ở cuối bài thơ kín đáo gợi lên hình ảnh một người lữ thứ xa nhà lẻ loi đang lặng lẽ dừng bước bên bờ Tràng giang, một mình đối diện trước trời rộng sông dài. Đó là hình tượng con người rất quen thuộc xuất hiện khá phổ biến trong thơ ca cổ điển. ý vị cổ điển của lời thơ còn được tô đậm thêm lần nữa bằng một tứ thơ Đường:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Dịch:
“Chiều tối tự hỏi đâu là quê hương
Khói sóng trên sông khiến lòng người nổi mối u sầu
Nhưng Huy Cận không chỉ tiếp thu chịu ảnh hưởng của thơ Đường mà còn sáng tạo thêm thậm chí đối thoại với thơ Đường:
“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
người xưa nhìn khói sóng mà nhớ nhà, Huy Cận nhớ nhà không cần đến khói hoàng hôn. Nỗi nhớ nhà của Thôi Hiệu được khơi lên từ ngoại cảnh nỗi nhớ nhà của Huy Cận không phụ thuộc vào ngoại cảnh mà xuất phất từ tâm can, một nỗi nhớ đã làm tổ nơi tâm hồn thi sĩ. Nỗi nhớ nhà của Huy Cận sâu sắc hơn, mãnh liệt nồng nàn hơn. Nỗi nhớ ấy còn hiện hình ở nhà thơ Mới thành một cảm giác xúc giác, cảm giác da thịt rất cụ thể được diễn tả qua cặp từ “dợn dợn”. Cách nói ‘lòng quên dợn dợn”làm cho “lòng quê” mối tình quê vốn là tình cảm vô hình bỗng trở nên rất cụ thể như cũng đang vỗ sóng đang lan toả trên mặt đất. Dòng thơ này nếu bỏ hai chữ “lòng quê” thì lời thơ kín đáo gợi nhớ dòng thơ đầu ‘sóng gợn Tràng giang” bởi con nước cũng là “sóng”; “vợi” là xa, là Tràng giang; “dợn dợn” cũng là gợn chỉ có điều nếu ở dòng thơ đầu sóng nước khởi phát từ Tràng giang, từ ngoại cảnh thì ở dòng thơ cuối sóng nước lại khởi phát từ lòng người, từ nội tâm của nhà thơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh nhận xét:”Cái buồn “Lửa thiêng” là cái buồn tỏ ra từ một hồn người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh…Huy Cận đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”
-Đối diện trước Tràng giang vô tận chỉ có thiên nhiên ngự trị, còn dấu vết sự sống con người thì quá đỗi nhỏ bé mỏng manh, bị chìm lấp đi, một thế giới “không cầu , không đò”, không dấu vết nào gợi chút niềm thân mật” nên nhà thơ càng cảm thấy lạc lõng bơ vơ. Chính cảm giác ấy đã thức tỉnh khát khao tình đời tình người khát khao hơi ấm của con người. Nó thôi thúc lòng quên trỗi dậy tìm chốn nương tựa quê hương chỗ tựa bền vững muôn thuở của con người khổ thơ vì vậy đằng sau nỗi nhớ nhà không chỉ là cảm giác bơ vơ lạc lõng của con người trước trời rộng sông dài mà còn kín đáo bộc lộ tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương, bộc lộ niềm khát tình đời tình người hơi ấm của con người.

III.Kết bài

Khổ thơ không chỉ là những nét vẽ hoàn thiện bức tranh thiên nhiên Tràng giang mà còn kín đáo bộc lộ những nỗi niềm sâu kín của Huy Cận khi đối diện trước Tràng giang. Đó là nỗi khắc khoải không gian nỗi nhớ nhà sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển và hiện đại trong sáng tác của nhà thơ. Khổ thơ vì vậy là những dòng hấp dẫn nhất hàm xúc nhất của thế giới “bài thơ đã đạt đến trình độ cổ điển của một hồn thơ mới” (Xuân Diệu)

(Cườngvăn)
 
K

kold.gem

cảm ơn Hải Quỳnh nhé (tên bạn là Hải Quỳnh đúng không?)
những tư liệu của bạn rất bổ ích đấy . Thầy Cường văn giảng hay thật , nhưng tớ học cô Lê Hằng rồi nên thôi :p
 
K

kold.gem

cảm ơn Hải Quỳnh nhé (tên bạn là Hải Quỳnh đúng không?)
những tư liệu của bạn rất bổ ích đấy . Thầy Cường văn giảng hay thật , nhưng tớ học cô Lê Hằng rồi nên thôi :p
 
W

wildwizard

Bài văn hay thật
Mình sắp thi rồi nên tư liệu này thật bổ ích.Cảm ơn bạn nhé...
 
B

butchimau_1111993

cám ơn bạn rất nhiều:D
ở phần đề từ mình nghĩ có thể bổ sung thêm là : ở đây vừa có cảnh nhớ cảnh, vừa có người nhớ cảnh, cảnh và tình đan xen, hoà hợp vào nhau
 
H

hoivo007

Đó là một bài thơ được sống Hồng gợi tứ, là những rung động của nhà thơ trước thiên nhiên sông nước bao la vô tận nơi bến phà, chèm trong buổi chiều tà.
[QUOTE]
Chị quỳnh theo em chỗ này nên nói thêm tí!
Nhưng một khi con sông đã đi vào tác phẩm văn chương thì nó đâu còn là con sông hiện thực ngoài đời nữa, nó đã trở thành hình tượng nghệ thuật chung rồi! Khi đi vào van chương rồi thì Tranngf Giang cũng có thể là con sông Vôn-ga của Nga, sông Dương tử của TQ, hay con sông Ba của Phú Yên quê tôi đây chứ sao! đó là cái tầm của Tràng Giang đáng đc có và phải có!!!

_______________Hậu bối mua rìu qua mắt thợ mong chị Quỳnh bỏ quá cho:D
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom