CHUYÊN ĐỀ 1: Lý luận Văn học - Nhận xét và góp ý!

C

conu

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

CHUYÊN ĐỀ 1: Lý luận Văn học - Nhận xét và gó

CHUYÊN ĐỀ 1: Lý luận Văn học
Tuần này chúng ta sẽ thảo luận về lý luận VH
Trước tiên, đề đi vào khám phá, cảm thụ và tiếp cận các tác phẩm, chúng ta sẽ tìm hiểu về lý luận Văn học ở 1 số khái niệm cơ bản.
Nhiều bạn hs khi học văn thường bỏ qua phần này, nhưng ko biết rằng đây là 1 công cụ thiết thực và hữu hiệu để học các tác phẩm.
Muốn học được Lý luận Văn học phải tập tư duy khoa học, biết suy nghĩ và hiểu được những vấn đề trừu tượng, hệ thống được các quy luật, nắm được cốt lõi bản chất vấn đề, và 1 chút nhạy cảm để liên hệ với các tác phẩm. Đây là 1 phần ko dễ, nhiều người thường cho rằng khô khan, nhưng nếu biết đối chiếu và liên hệ với trường hợp cụ thể sẽ thấy nó rất hay.
Vậy Lý luận Văn học là gì?
Là môn khoa học nghiên cứu về các quy luật hình thành và phát triển của Văn học.
Để bọn mình học tốt phần này, chúng ta hãy cùng trao đổi và trả lời các câu hỏi sau đây:

1/ Văn học là gì? Đối tượng của Văn học là gì? Chất liệu của Văn học là gì và chất liệu ấy có tính chất gì?

2/Nêu mối quan hệ giữa 4 nhân tố trong Văn học: Nhà Văn, tác phẩm, độc giả, đời sống? Có thể sơ đồ hóa thì càng tốt.

3/ Thế nào là tác phẩm Văn học? Hình tượng nghệ thuật và thế giới hình tượng là gì? Nêu vài ví dụ về hình tượng và tác dụng của nó trong việc nói lên tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

4/ Các lớp nội dung của tác phẩm Văn học gồm có bao nhiêu và khái niệm của từng lớp nội dung đó? Phân biệt nhận thức và tư tưởng?

5/ Thế nào là phong cách nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ? Hãy minh chứng về phong cách nghệ thuật bằng những tác gia Văn học đã được học trong chương trình?

6/ Hãy nêu những hiểu biết về sự vận động và phát triển của Văn học? Thế nào là thời kỳ Văn học? Thế nào là Trào lưu văn học? Hãy viết bài thuyết trình ngắn gọn về trào lưu Văn học trong giai đoạn 1930 - 1945 của Văn học Việt Nam?

7/ Hãy nêu ngắn gọn về các giá trị Văn học?

8/Thế nào là tiếp nhận Văn học (phần này chỉ cần nói sơ lược vì đã có 1 topic riêng cho nó ở box con Lý luận Văn học rồi)? Theo bạn có mấy cách cảm thụ Văn học?

Chúng ta sẽ trao đổi nhanh những vấn đề nêu trên? Các bạn thành viên hãy tích cực tham gia viết bài và nêu quan diểm của mình.Mỗi bài viết của chúng ta sẽ được mod nhận xét đánh giá?
Hạn cuối của phần này sẽ đến hôm thứ Chủ nhật. Chúc các mem có bài viết thật tốt và ôn tập hiệu quả. Có gì mọi người cứ góp ý.
Mình sẽ tiếp tục bổ sung 1 số câu hỏi trắc nghiệm từ hocmai.vn để mọi người tổng luyện tập.
 
Last edited by a moderator:
C

conu

Các bạn hãy tập hợp nhóm nhanh chóng và cố gắng hoàn thành chuyên đề 1 với 3 bài thuyết trình về đề tài:

1/ Mối quan hệ giữa 4 nhân tố: Nhà văn - Độc giả - Tác phẩm - Đời sống, lập 1 sơ đồ thích hợp để khái quát lên mối quan hệ đó.
2/ Thuyết trình về 3 trào lưu Văn học thuộc thời kỳ 1930 - 1945.
3/ Hãy lấy ví dụ về phong cách nghệ thuật của nhà văn bằng 1 nhà văn đã học trong chương trình (chú ý phải nêu được khái niệm phong cách nghệ thuật và nói được những đặc điểm phong cách của nhà văn được nêu trong ví dụ).

Bài viết sẽ nộp vào hạn cuối là hết tuần sau, và mình sẽ đưa ra quan điểm cá nhân thuộc mỗi đề bài. Công việc chấm điểm, nhận xét, xếp hạng các bài thuyết trình - thành quả học tập và trao đổi của các nhóm, sẽ do Mod box Văn: tranquang phụ trách.
 
C

conu

Loa loa loa, Thưa bà con các nhóm, Hôm nay mình thông báo chính thức sẽ kết thúc chuyên đề 1 trong hôm nay, các nhóm Trưởng hãy Post bài lên đây. Chốt lại danh sách sẽ hết vào ngày mai và khởi động cho một chuyên đề mới. Bài viết sẽ được mod tranquang chấm điểm nhận xét.

Bắt đầu từ tuần sau, chúng ta sẽ đi tiếp hành trình với Chuyên đề 2: Thơ mới (1930 -1945).
 
N

ngoisaotim

Chít... chít tui rùi... Nhóm 2 còn chưa có ai vô thảo luận thì lấy cái gì mà nộp đây hả trời?
 
B

bittuot123

BÀI LÀM CỦA NHOM VĂN 1

Câu 2:
Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam, thời kì văn học 1930-1945 có ý nghĩ hết sức quan trọng. Ở thời kì này, đất nước ta lầm than, không lối thoát. Xã hội ta đã có nhiều thay đổi lớn dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong ý thức và tâm lý con người. Trong bối cảnh đó, nền văn học Việt Nam ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh của dân tộc, đồng thời đã vượt ra ngoài giới hạn ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa để tiếp xúc với thế giới hiện đại. Văn học giai đoạn này đã thoát khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại, nó phá bỏ một hệ thống thi pháp đã tồn tại và đã được khẳng định qua nhiều kiệt tác bất hủ, đồng thời xây dựng một hệ thống thi pháp mới trên cơ sở tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá nhân loại, và kế thừa những tinh hoa của văn hoá truyền thống. Đặc biệt trong quá trình phát triển của thời kì này, nền văn học nước ta đã có sự phân hoá phức tạp thành nhiều trào lưu văn học trong đó nổi bật với ba trào lưu chính: văn học lãng mạn, văn học hiện thực và văn học cách mạng.

Nền văn học Việt Nam luôn luôn gắn liền với các thời kì lịch sử của dân tộc . Và một sự kiện lịch sử trong giai đoạn 1930-1945 đã tác động sâu sắc đến nền văn học nước ta đó là sau khi những phong trào Cách mạng Yên Bái vào đêm mồng 9 tháng 2 năm 1930 do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Ðức Chính bị thất bại, một không khí chán nản, u hoài, yếm thế bao trùm đời sống. Thanh niên lớn lên không còn có lý tưởng để phụng sự. Con đường yêu nước bế tắc, họ thoát ly trong những tình cảm cá nhân nhất là yêu đương. Trào lưu văn học lãng mạn bắt đầu từ đấy. Đặc điểm chính của văn học lãng mạn là sự đào sâu vào cái tôi nội cảm, diễn tả ước mơ, khát vọng của cá nhân, đề cập đến những số phận cá nhân với thái độ bất hoà, bất lực trước hiện thực tầm thường, tù túng. Văn học lãng mạn 1930-1945 khác văn học lãng mạn trước đó, là do sự tư sản hóa của ý thức và sự âu hóa của thẩm mỹ đã đến độ cao. Ðối với cái thực tại xã hội, thái độ của nhà văn lãng mạn là thái độ chủ quan không phải cuộc sống thế nào thì họ nhận thức thế ấy, trái lại tác giả nhìn đời qua lăng kính của mình, qua những khát vọng, những mộng tưởng của mình. Không lý giải được hiện thực, không thấy rỏ con đường phát triển của hiện thực, người cầm bút đưa ra những quan điểm trừu tượng, những giải pháp không tưởng. Xuân Diệu khi bàn về văn học lãng mạn, cũng nói: "trong nền văn học của các dân tộc, nằm chung trong lịch sử văn hóa nhân loại. Khi cái tôi" bắt đầu có ý thức là có mình thì theo tôi khái niệm có phần cũng tương tự như khi một em thiếu niên, đồng thời với sự dậy thì, thời trong tâm tình em ấy cũng từ trạng thái hồn nhiên vô tâm, chuyển sang tự giác, tự ý thức, tự biết là "mình đây" có một sự phấn chấn nhạy cảm, ham sống, yêu đời..." (tìm hiểu Tản Ðà). Một trong những đại diện tiêu biểu của dòng văn học này là nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Từ năm 1932-1945, Tự Lực Văn Ðoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai, sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tư sản và tiểu tư sản thành thị. Khi ra đời, Tự Lực Văn Ðoàn có đề ra tôn chỉ mục đích rõ ràng: "Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Ðem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam"..Tiểu thuyết “Tự lực văn đoàn” chủ yếu đi vào khai thác những vấn đề như đề tài chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do yêu đương, đề cao hạnh phúc cá nhân... với các tác phẩm tiêu biểu : "Nửa chừng xuân", "Ðoạn tuyệt", "Lạnh lùng", "Ðôi bạn", "Gia đình", "Thoát ly", "Thừa tự"... Giai đoạn sau, trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, vấn đề chống phong kiến đã không còn được quan tâm nhiều, xu hướng bình dân xuất hiện. Đây là thời kỳ mặt trận dân chủ, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn lúc này quan tâm đến cuộc sống của tầng lớp dân nghèo. Nói chung, “xu hướng bình dân" của họ mang tính chất cải lương. Một số tác phẩm của đề tài này là: “Hai vẻ đẹp" của Nhất Linh, "Con đường sáng" của Hoàng Ðạo, Gia đình" của Khải Hưng,.. Về thơ, trào lưu văn học lãng mạn nổi bật với phong trào thơ mới. Hàng loạt các tác phẩm ra đời mang lại tên tuổi cho nhiều tác giả. Đó là Lưu Trọng Lư- một lối thơ quen thuộc của dân tộc- ông đến với thơ bằng cả tâm hồn sầu mộng của mình. Trong thơ ông, mọi hình ảnh mọi âm thanh của cuộc sống và cả cái tôi cá nhân đều được đưa vào thế giới mộng tưởng. Đó là Thế Lữ với những lời thơ say sưa thoát li hiện thực nhưng những sự kiện lớn lao của lịch sử vẫn còn âm vang. Thơ ông ấp ủ tinh thần dân tộc và khát khao tự do, là tiếng vọng xa xôi của phong trào 1930-1931. Thời kì 1936-1939, Xuân Diệu xuất hiện chiếm hẳn địa vị độc tôn trên thi đàn. Hoài Thanh đã lên tiếng khẳng định vị trí của Xuân Diệu: “Câu văn tuồng bỡ ngỡ ấy chính là Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi, không thể đi theo đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khiến câu văn phải lung lay”, “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này” (“Thi nhân Việt Nam”). Một số tên tuổi tiêu biểu khác như Nguyễn Bính (với các tác phẩm chân quê viết bằng những vần thơ lục bát tài hoa diễn tả hồn quê đất nước), Hàn Mặc Tử (nhà thơ của những vần thơ “điên” mãnh liệt). Tất cả đã góp phần hình thành nên những nét đặc sắc, hoà vào những cung bậc của nền văn học Việt Nam thời kì 1930-1945.
Một trào lưu văn học cũng thuộc bộ phận văn học hợp pháp thời bấy giờ bên cạnh trào lưu văn học lãng mạn, đó là trào lưu văn học hiện thực. Xu hướng văn học này quan tâm đến việc diễn tả và lý giải một cách chân thực và chính xác quá trình phát triển của hiện thực khách quan thông qua việc khắc học những hình tượng điển hình. Hiện thực cuộc sống với những làm than cơ cực của các tầng lớp nhân dân đêù được các nhà thơ, nhà văn đưa vào tác phẩm của mình để phê phán xã hội trê tinh thần dân chủ và nhân đạo. Đó là Ngô Tất Tố với tập phóng sự “Việc làng” với những hủ tục nặng nề ở nông thôn Việt Nam, với Tiểu thuyết “Lều chõng”, ông đã trình bày về chế độ khoa cử phong kiến một cách tỉ mỉ, có nhiều giá trị tư liệu, hay với “Tắt đèn” và đề tài thuế khoá: chủ yếu là thuế thân, một thứ tai họa khủng khiếp của nông thôn, làm điêu đứng bao số phận người nông dân. Đó cũng Là Vũ Trọng Phụng- một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của giai đoạn văn học này. Trong các tác phẩm của ông, hiện lên rõ nét là bộ mặt xã hội Việt Nam cả nông thôn và thành thị với tiếng cười châm biếm sắc sảo, sâu cay. Về tiểu thuyết, có các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê,…Về phóng sự, có thể kể đến các tác phẩm: "Cạm bẫy người", "Kỹ nghệ lấy Tây",…Cũng nhờ các tác phẩm đó, Vũ Trọng Phụng đã được tôn vinh là “ông vua phóng sự đất Bắc”. Thêm Một nhà văn tiêu biểu cho trào lưu văn học này là Nam Cao. Sáng tác của ông tập trung vào hai mảng đề tài: Đề tài người trí thức tiểu tư sản và đề tài viết về người nông dân. Hầu hết các nhân vật đều ít nhiều là hình ảnh bản thân Nam Cao. Ðó là những học sinh thất nghiệp, những giáo khổ trường tư, những nhà văn nghèo bất đắc chí ... Họ "phải bán dần sự sống để giữ cho mình khỏi chết" (“Quên điều độ”). Nam Cao viết về những nỗi đau quằn quại trong tâm hồn, nhiều khi có tính bi kịch của họ. Họ thường ôm ấp hoài bão về sự nghiệp tinh thần nhưng ước mơ mâu thuẫn với hiện thực: hàng ngày họ bị “chuyện áo cơm ghì sát đất” và đau đớn nhận ra rằng mình chỉ là một người thừa. Tác phẩm tiêu biểu của mảng đề tài này là tiểu thuyết "Sống mòn" và những truyện ngắn như "Đời thừa", "Trăng sáng", "Quên điều độ”, “Bài học quét nhà”,… Nam Cao chú ý đến những người nông dân thấp cổ bé họng, bị áp bức bất công, chịu số phận đen đủi, hẩm hiu. Ông đã đanh thép lên án xã hội chà đạp người nông dân lương thiện và dõng dạc bênh vực nhân phẩm của họ. Có thể nói, trước Cách mạng tháng Tám, ít có nhà văn nào hiểu được một cách sâu xa ngõ ngách sâu kín những hy sinh thầm lặng, những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn người nông dân như Nam Cao. Các tác phẩm điển hình ở đề tài này là “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Một đám cưới”, “Một bữa no”...Quả thật trào lưu văn học hiện thực đã góp phần không nhỏ vào việc tái hiện lại một thời kì đen tối, lầm than trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, bộ phận văn học phát triển bất hợp pháp hoặc nửa hợp pháp cũng chiếm một vị trí quang trọng trong nền văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Bộ phận này bao gồm các sáng tác thể hiện trào lưu thứ ba, trào lưu văn học cách mạng. Trào lưu này gồm những tác phẩm thơ văn cách mạng bí mật, đặc biệt là mảng thơ ca trong tù. Đó chủ yếu là tác phẩm của những nhà văn- chiến sĩ, những người coi văn chương là vũ khí chiến đấu, dùng để tuyên truyền cách mạng. Những tác phẩm này không có nhiều điều kiện gọt giũa về hình thức nghệ thuật nhưng có nhiều đón góp về mặt tư tưởng. Bước đường phát triển của văn học cách mạng có thể chia thành ba chặng :
Thứ nhất là văn thơ Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT) và thơ nhà tù 1931-1935, nó được coi là vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh cách mạng. Thơ văn XVNT đã lột trần những thủ đoạn áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến , bọn tư bản, điạ chủ đồng thời vạch rõ nguồn gốc nỗi khổ cực cuả công nông, kêu gọi họ đứng lên đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ chói lọi cuả Đảng vô sản, Từ đó tạo nên một khí thế chiến đấu mãnh liệt trong từng lời văn, câu thơ. Đặc biệt trong thơ văn XVNT, những tình cảm cách mạng đã được bộc lộ một cách sâu sắc và thấm thía: tình đồng chí mặn nồng, lòng ân nghĩa sâu sắc, niềm đau thương chuyển thành sức mạnh khơi động căm thù, cổ vũ đấu tranh. Các tác gia tiêu biểu trong thời kì này có Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… Về nghệ thuật, các tác giả thơ văn thường dùng những hình thức của quần chúng, mang đậm tính dân tộc nhưng không kém phần hiện đại, với các thể thơ như lục bát, lục bát gián thất, vè, hát giặm, hát ví … để quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ chủ trương, sách lược cách mạng. Tuy nhiên những tác phẩm thơ văn XVNT thiên về tư duy luận ý, yếu về tư duy hình tượng, vì sáng tác vội vàng để phục vụ kịp thời, nhiều bài, nhiều câu còn sượng, ngôn ngữ chưa thật chọn lọc, câu văn chưa được chau chuốt… nhưng đó là những lời tâm huyết cất lên từ máu lửa.
Thứ hai là văn thơ thời kỳ Mặt trận dân chủ. Thời kì này, hàng loạt báo chí hợp pháp cuả Đảng nối tiếp nhau ra đời : Lao động, Tập hợp, Tiến lên, Tiếng nói cuả chúng ta … Trên diễn đàn văn học công khai, văn học tiến bộ thế giới bắt đầu được giới thiệu, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt. Được chú ý nhất là sự xuất hiện cuả hàng loạt cây bút trẻ - những thanh niên mới tham gia phong trào: Hồ Xanh, Trường Sơn, Hồng Chương, Tố Hữu… Những cây bút trẻ thời kì này thường có một tâm trang say sưa náo nức với lí tưởng vô sản, những tac phẩm của họ luôn biểu hiện sự thức tỉnh của tâm hồn : Từ ấy- Tố Hữu : đó là hồn thơ “ bừng nắng hạ” của một thanh niên được “mặt trời chân lý chói qua tim” trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang chìm đắm trong đau thương và tan tóc. Có đặt Từ ấy vào hoàn cảnh bấy giờ mới thấy hết giá trị của tập thơ, mới hiểu hết cái đẹp cao quý cuả một tâm hồn trong trẻo tuổi mười tám đôi mươi, say mê lí tưởng Đảng, rất mực yêu thương, dám tin tưởng, dám đấu tranh, dám xả thân cho sự nghiệp cách mạng. … Văn thơ chặng này tuy có mang được sức nóng và ánh sáng cuả ngọn lửa cách mạng nhưng cũng dễ nhận rõ mặt yếu của những con người mới đi vào văn học nghệ thuật và chưa dày dặn trong đấu tranh. Nhìn chung văn học cách mạng đã phát triển với một khí thế mới và một quy mô mới làm cho bộ mặt văn học dân tộc sáng hẳn lên.
Thứ ba là văn thơ thời kì Mặt trận Việt minh và thơ nhà tù 1930-1945. Ở chặng này, lần đầu tiên trong lịch sự lãnh đạo của Đảng ta , quan điểm Mac- Lênin về văn hoá và đường lối văn hoá Việt Nam được trình bày rõ ràng trên những nét lớn. Sự kiện ấy có ý nghĩa quan trọng không những đối với bước phát triển của văn thơ cách mạng thời kì này, mà cả đối với sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá mới cuả Việt Nam. Văn thơ cách mạng đã từ chiến khu toả ánh sáng về đồng bằng, thành thị, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh cuả dân tộc tiến tới. Ngay ở trong nhà tù, với tinh thần “ thân thể tại ngục trung, tinh thần tại ngục ngoại”, thơ nhà tù vẫn đâm chồi nảy lộc, làm rạng rỡ thi đàn dân tộc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng. Trong văn học thời kì này, những cây bút quen thuộc như Hồng Chương, Sóng Hồng, Tố Hữu, Xuân Thuỷ… vẫn đóng góp nhiều tác phẩm cuả mình. Đáng chú ý hơn cả là những vần thơ của Bác Hồ kính yêu với tập “ Nhật kí trong tù”. Tập thơ ghi lại những sự việc Bác đã chứng kiến, quang cảnh Bác nhìn thấy ở những nơi bị giam hay bị giải đi qua: chuyện bị bắt ở Túc Vinh, chuyện người tù cờ bạc bị chết, cảnh trốn lính, vợ phải tù thay chồng… Toàn bộ những cảnh đã xảy ra trong “Nhật ký trong tù” là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Những thối nát, bất công, tàn bạo của chế độ Tưởng Giới Thạch đè nặng lên cuộc sống của dân lành. Tập thơ cũng thể hiện tâm hồn cao đẹp của Bác. Nói tới tâm hồn trước hết nói tới tình yêu thương con người của Bác, Bác ái ngại cho cảnh người vợ đến thăm chồng trong ngục, thương người bạn tù chỉ có cái chăn bằng giấy bồi, đêm thu trằn trọc ngủ không yên, Bác thương người tù cờ bạc nghèo không có gì ăn. Thương cả những người lao động dầm mưa, dãi gió mà công lao chẳng được bao nhiêu. Thương tâm nhất vẫn là những em bé, Bác thương mọi số phận, tha thiết với mọi biểu hiện của sự sống dù là bé nhỏ nhất .
Vâng " Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình..."
...
Tất cả đã đánh dấu một bước trưởng thành mới của trào lưu văn học cách mạng 1930-1945.
Trong mười lăm năm cuối cùng cuả chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta, văn thơ cách mạng là dòng văn học duy nhất ngày càng phát triển rực rỡ. Dòng văn học lãng mạn nhởn nhơ bên lề cuộc đấu tranh đã dần suy tàn, dòng văn học hiện thực tuy nở rộ một thời nhưng rồi cũng luị dần. Hiện tượng đó làm sáng tỏ chân lý : con đường cách mạng là con đường phát triển của văn học chân chính; ngoài ra không có con đường nào khác.
 
N

nutac98

bài làm của nhóm 1

3/ Hãy lấy ví dụ về phong cách nghệ thuật của nhà văn bằng một nhà văn đã học trong chương trình (chú ý phải nêu được khái niệm phong cách nghệ thuật và nói được những đặc điểm phong cách của nhà văn được nêu trong ví dụ).


Nếu như thi sĩ Huy Cận đến với làng thơ Việt Nam bằng một giọng buồn đến ảo não , Chế Lan Viên , Hàn Mạc Tử thì khác lạ bởi những vần thơ điên cuồng , kì dị ; Nguyễn Bính nổi bật lên với dáng vẻ quê kiểng , dân dã… thì Xuân Diệu lại đã ngự trị khoảng thơ tình Việt Nam với những tiếng thơ tha thiết và nồng nàn nhất .Còn nhớ , “Xuân Diệu đến giữa chúng ta đến nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn chưa ngớt “ , tạo nên một sự xôn xao . Đó có lẽ là do phong cách của nhà thơ mới quá , lạ quá , rạo rực quá ! . Phong cách nghệ thuật thực chất là một cái nhìn mới mẻ, khám phá và độc đáo có tính phát hiện đối với đời sống. Cái nhìn mới mẻ ấy được thể hiện bằng một bút pháp nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn riêng, vẻ đẹp riêng , cá tính riêng của cá nhân.
Nhà thơ (văn ) có thực tài mới có phong cách. Phong cách chỉ có thể được định hình qua hàng loạt tác phẩm xuất sắc. Phong cách của nhà thơ ( văn ) vừa thống nhất vừa đa dạng, phát triển tạo nên cây bút đa phong cách.
Và nhắc đến Xuân Diệu , trước hết người ta thường nhớ đến một “ông tây“ của làng thơ Việt Nam . Bởi lẽ , tuy rằng các nhà thơ mới lúc bấy giờ đều bị ảnh hưởng của văn hoá phương Tây song có lẽ Xuân Diệu vẫn là nhà thơ bị ảnh hưởng của văn hoá Pháp nhìều hơn cả , đặc biệt là ảnh hưởng của 2 nhà thơ lớn Rimbaud và Verlaine . Có 1 nhân định cho rằng : “ Sự đụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố ”. Quả thực vậy , khi tập Thơ Thơ xuất hiện năm 1938 , văn thơ dường như đã được lột xác toàn bộ . Cái mới được thể hiện ở mọi mặt từ quan điểm , cách dung từ đến ngôn ngữ, cấu tứ của thơ . Về quan điểm , Xuân Diệu cũng như các nhà thơ mới khác đều đề cao cái Tôi cá nhân . Cái Tôi đã tràn vào thơ văn với niềm khát khao tận hưởng ,tận hiến :
“ Ta là một , là riêng , là thứ nhất .
Không có chi bè bạn nổi cùng ta “ .
Và cái mới đó còn được thể hiện qua cách diễn đạt , dùng từ như : “ Hơn một loài hoa đã rụng cành “ hay “ những luồng run rẩy rung rinh lá “ . Từ xưa tới nay , người Việt Nam vốn chỉ dung số đếm cụ thể như 1 , 2 … chứ chưa thấy ai nói theo phong cách Tây đến vậy : “ Hơn một ..” Đó là “ý văn xô đẩy , khuôn khổ câu phải lung lay “ . Điều đó đã lí giải vì sao Xuân Diệu đã được coi như một nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới .
Nếu như Huy Cận bị ám ảnh về không gian thì Xuân Diệu lại bị ám ảnh bước đi của thời gian . Đối với ông , thời gian là tuyến tính , một đi không trở lại . Thời gian trôi nhanh mang theo cả vẻ đẹp và tuổi trẻ . ông lo sợ :
“ Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi ..”
hay
“Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn .. “

Có lẽ bị ám ảnh nên nhà thơ thường rất yêu mùa xuân và sợ mùa thu buồn .Mùa xuân với thi sĩ luôn ngập tràn sức sống , niềm vui và hạnh phúc :
“ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần ”
Hay
“ Hỡi xuân hồng , ta muốn cắn vào ngươi ”

Và mùa thu trong thơ Xuân diệu thường rất buồn :
“ Hè chưa về , lòng đã thu
Heo may một thoáng chiều ngơ ngẩn
Sông thương hoang dại cả đôi bờ
Những mảnh tình suốt đời đánh mất
Trăng buồn mắc cạn trang thơ ”
Lo lắng biến thành hành động , ông chủ trương sống” vội vàng” , sống gấp để tận hưởng , tận hiến . :
“ Mau đi thôi , mùa chưa ngả chiều hôm ..”
Hay
“ Mau với chứ , vội vàng lên với chứ
Em em ơi , tình non sắp già rồi ”
“Xuân Diệu say đắm tình yêu , say đắm cảnh trời , sống vội vàng , sống cuống quýt , muốn tận hưởng cuộc đời đều nồng nàn , tha thiết ”.
Nhưng có lẽ , đặc biệt hơn cả , khi nhắc đến Xuân Diệu , ta phải nhắc đến chữ “ Yêu ”. Chả thế mà trong bài điếu văn vào ngày mất của ông năm 1985 , hội nhà văn Việt Nam đã phải nói : “ Một cây to đổ xuống
Cả khoảng trời trống vắng ”
Chữ yêu đó thể hiện một tâm hồn nhạy cảm với những “ rung động tinh vi “ của thi nhân . “Ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy chỉ tình yêu mới gồm được bao nhiêu ý nghĩa”.(Lời tựa tập Thơ thơ – 1938) . Tình Yêu đó trước hết là tình yêu trong sáng mà rất nồng nàn , đắm say của đôi lứa :
“ Anh nhớ tiếng , anh nhớ hình , anh nhớ ảnh
Anh nhớ em , anh nhớ lắm ! em ơi …”
Tình yêu lứa đôi quá còn bước qua được tính phồn thực trong thuyết âm dương để kiếm tìm một tình yêu đích thực :
“Dầu tin tưởng : chung một đời, một mộng
Em là em , anh vẫn cứ là anh .
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vụ trũ chứa đầy bí mật “
Tuy vậy , tình yêu trong thơ Xuân Diệu không chỉ đơn thuần là tình yêu lứa đôi mà rộng ra , đó còn là tình yêu thiên nhiên , yêu vạn vật , yêu con người và yêu cuộc sống . Đó chính là lí do vì sao mà Xuân Diệu được mệnh danh là hoàng tử thơ tình của thơ ca Việt Nam .
Kể từ sau cách mạng tháng Tám, nhà thơ Xuân Diệu trở nên khác hẳn . Tuy vẫn có nói về tình yêu nhưng tình yêu đó không còn cái bồng bột nông nỗi nữa :
“ Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ , thật êm
Hôn êm đềm , mãi mãi .

Đã hôn rồi , hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt … “
Tuy vậy , ý thơ của ông phần lớn là về cách mạng . ông hào hứng tham gia phục vụ cách mạng , kháng chiến với những bài thơ như Ngói Mới :
“ Mái nhà máy mới, mái nhà thương
Mái chợ xum xuê, lại mái trường
Ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ
Xây lên không khí những tòa gương...”

Ngoài ra , quan điểm vể thời gian của ông cũng đã có thay đổi . Bước vào thơ văn của Xuân Diệu , mùa thu không buồn và lạnh nữa mà : “ Thu không phải là mùa sầu , ấy chính là mùa yêu , mùa yêu nhau bằng linh hồn , mùa mà những linh hồn yêu mến nhau “. ( Trường Ca )

Tóm lại, với phong cách nghệ thuật độc đáo , mới lạ cùng những tiếng thơ thiết tha, rạo rực , băn khoăn của mình , Xuân Diệu đã định hình được tên tuổi là một nhà thơ rất lớn và mới của thơ ca Việt Nam cho đến tận ngày nay . Và đến khi nào , con người ta còn muốn sống hết mình , yêu hết mình , muốn tận hưởng tận hiến thì khi đó , con người ta sẽ còn nhớ mãi đến hồn thơ Xuân Diệu .
 
D

ducdung.com

Văn học là con đẻ của thời đại, mang theo nhịp đập, dáng dấp, hơi thở của thời đại. Nên nói văn học như 1 phần da thịt lịch sử cũng không sai. Bioois cảnh lịch sử với nhiều biến cố đã mang đến cho Văn chương 1 sinh khí mới, 1 luồng gió mới. Như 1 dòng sông cuộn nước trước cơn gió lạ và ồ ạt từ lịch sử, văn học đã thành con sông với những dòng chảy khác nhau, những dòng chảy mà người ta vẫn hay gọi là trào lưu Văn học.
Trào lưu Văn học - 1 dòng lũ lớn.
"Trào" là dâng tràn, "lưu" là dòng chảy.
Vâng, đó là dòng lũ bề thế dâng lên với 1 loạt những tác phẩm gần gũi về cảm hứng, về nguyên tắc miêu tả hiện thực, về bút pháp, về tư tưởng... xảy ra ở 1 thời điểm nhất định của lịch sử, nổi lên trong 1 thời gian và lại "rút" đi.
Lội ngược dòng thời gian của những thập niên 30 - 40 (1930 - 1945) với biết bao sự kiện lịch sử, 1 khoảng đêm của dân tộc đã hằn lên tâm trạng con người bao nỗi niềm. Chính mạng lưới dày đặc của tâm trạng con người kết lên từ cái bức bối và ngột ngạt của lịch sử lại là sợi tơ quý giá dệt nên 1 bức tranh sinh động và tuyệt đẹp cho Văn học nước nhà thời bấy giờ. Cánh diều văn học được bay bổng thỏa sức mang trong nó bao tiềm năng sáng tạo và phát triển rực rỡ lại được nối bằng 1 sợi dây với mặt đất - cái mặt đất đang ầm ầm rung chuyển bao rên xiết đau thương, cuộc sống con người bị đảy vào "bước đường cùng", bị ném vào giữa bao quằn quại dưới sự chà đạp của xã hội "ối a ba phèng", xã hội thực dân phong kiến, xã hội dồn con người vào bế tắc quẫn cùng đến xương tủy.
Chính bối cảnh đầy ngổn ngang và chồng chất tiếng đời đã thúc đẩy văn học vươn mình, mang đến cho nó nhiều dạng vẻ hương sắc. Và thế là nảy sinh ra nhiều khuynh hướng khác nhau, những khuynh hướng bắt đầu bám rễ trên mảnh đất hiện thực bị băm vằm hóa màu mỡ và được cày xới tốt, và cái cây trào lưu bắt đầu rẽ nhánh. Hai nhánh chủ đạo ôm trọn thân cây là nhánh Văn học Lãng mạn và Văn học hiện thực.
 
D

ducdung.com

Có thể nói, cả 2 trào lưu Văn học này đều uống chung 1 dòng sữa của thời đại mình, nhưng lại trưởng thành theo 2 cách khác nhau. Sự trái khác về tính cách đã tạo nên những tư tưởng và suy nghĩ khác nhau, điều đó đã dẫn đến những cuộc bút chiến, tranh luận nảy lửa hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trên Văn đàn hoặc thông qua hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Đó có thể là giữa duy tâm và duy vật, "nghệ thuật vị nghê thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh", giữa cái lãng mạn và cái hiện thực...
Trào lưu Văn học lãng mạn - Sự thoát thực trong cái vị nghệ thuật.
"Lãng" là tràn ra, "mạn" là cái bờ, lãng mạn là tràn bờ. Cái "bờ" ở đây là 1 cách nói ẩn dụ cho miền ranh giới giữa cõi thực và cõi mộng, và khi tâm hồn con người muốn dâng lên cao hơn nữa để thoát ra khỏi cái ranh giới "bờ" ấy là đang muốn tìm đến cái mộng, muốn thoát khỏi cái thực. Các nhà Văn lãng mạn muốn thoát li đời sống, vượt ra khỏi thực tại. Họ thỏa sức dung trí tưởng tượng bay bổng để đối lập thực tại với lý tưởng, ước mơ nhằm phủ nhận chối bỏ thực tại. Phải chăng chính cái thực tại đầy đen tối xấu xa, ngột ngạt đã bóp nghẹt những tâm hồn bản chất đầy mộng mơ, yêu đời. Vâng, chính bởi ngột thở trong cái tù đọng cay đắng, những linh hồn ấy đã tìm chốn nương náu ở miền đất xa xăm do ảo tưởng vẽ ra. Một Xuân Diệu chạy trốn trong tình yêu với tràn ngập hương sắc, 1 Huy cận chìm trong "nỗi sầu vạn kì" giữa cái mênh mông khôn cùng, 1 Chế Lan Viên tìm về u uẩn rên rỉ của thời hoàng kim vương quốc Chiêm thành nay đã mất, 1 Nguyễn Tuân lặn ngụp trong quá vãng với những thú chơi thanh tao của cha ông... Họ đã tạo nên 1 trường sáng tạo mới, những đóng góp mới, thế hệ 1 lớp nhà văn ấy đã dám phủ nhận cái hủ lậu của xã hội để khai phá những miền đất mà trước kia không dành cho 2 từ bản ngã, họ đã thay mặt 1 lớp người như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ để nói to quyền con người và giải phóng cho hạnh phúc con người trong 1 gầm trời âm u. Họ đã khước từ mọi gò bó của thi pháp cũ để giải phóng cảm xúc... Sự ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây đã đem đến cho lớp tri thức Tây học này con đường đi rất riêng ko thể phủ nhận dù vẫn còn những tiêu cực, bế tắc.
Xuaan Diệu, cánh chim đầu đàn của Văn học lãng mạn đã mang đến 1 tuyên ngôn quả quyết về quan niệm thi sĩ:
"Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ them trăng và vơ vẩn cùng mây
Dể tâm hồn ràng buộc với muôn dây"
Còn Thế Lữ đã ko ngần ngại đập tan thành lũy kiên cố của quan niệm lỗi thời:
"Các anh bảo tính tình tôi hay thay đổi
Không chuyên tâm, không chủ đích. Nhưng cần chi
Tôi chỉ là 1 khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể"
Quả thật, quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật vẫn thật sự cất cánh với những giai phẩm tuyệt đẹp đã thành biêu tượng cho cái "MỸ" được tôn vinh, và đặc biệt hơn cái "MỸ" ở đây ko đâu xa chính là con người. Chính sự quay lưng với thực tại nhơ nhuốc cũng là cách để họ - những nhà thơ nhà văn lãng mạn hi sinh để giữ cho mình trong sạch.
 
D

ducdung.com

Nhánh cây thứ hai lại rẽ theo hướng khác, nó không vươn lên đám mây bồng bềnh cùng trăng cùng gió cùng sao... Mà nó cúi xuống ôm chặt lấy mảnh đất đời bao thương tích.
Trào lưu văn học hiện thực phê phán - nơi tiếng kêu từ mặt đất vang lên.
Cái cương lĩnh nghệ thuật vị nhân sinh đã ăn sâu vào tư tưởng những nhà văn thuộc dòng Văn học này. Họ kiên quyết chối bỏ sự hấp dẫn mê dụ của cái đẹp ko tưởng để tìm đến với nỗi đau của con người. Họ đi sâu vào những miền đất với những rung động tinh vi và thẳm sâu vẫn âm vang không dứt sau những nét mặt khắc khổ trong uất nghẹn. Họ đi sâu vào khai thác, miêu tả những nét bản chất nhất của thế giới quan vẫn đang diễn biến phức tạp, tuân thủ nghiêm khắc theo quy luật khách quan, miêu tả nhân vật trên cái nề hiện thực hoàn cảnh xã hội. Bằng bút pháp điển hình hóa, họ đã mang đến cho người đọc những con người chân thực nhất, để ai trong thời đó soi vào cũng thấy bóng dáng của mình lấp ló. Các nhà văn hiện thực đã đi 1 con đường khác, và họ đã tìm thấy ánh sáng cho tư tưởng, họ đã tìm ra bản chất sâu xa trong nỗi đau con người, và thể hiện tinh thần nhân đạo trong những tác phẩm của con người đau khổ, để cùng đau với họ, cùng khóc với họ, cùng đồng cảm với họ và trân trọng những giá trị tốt đẹp của họ. Đó là nỗi nhục nhã ê chề trong cái đớn hèn của 1 bữa no, đó là cái miếng nhục để những anh trí thức tiểu tư sản vẫn đạo mạo phải vét đến từng vụn thức ăn trong cái bát đã sạch trơn, đó là những người dân bần cố nông tất tả trong đè nén vì sưu thuế, vì bóc lột của các thế lực tàn ác bất nhân, đó là nỗi giày vò cồn cào giữa miếng ăn và giá trị bản thân đang bị hạ cấp trong "đời thừa", "sống mòn", đó là những linh hồn bị dẫm đạp ko còn nhận dạng người để rồi biến thành quỷ dữ...
Đau đớn vì nỗi đau con người, các nhà văn một thời theo khuynh hướng lãng mạn đã rũ bỏ cái mộng mơ ảo não để đến với những số phận, những cuọc đời bị chà đạp, vụi dập, "cơm áo ghì sát đất".
Nam Cao, 1 trong những đại diện ưu tú của dòng Văn học đã phải thốt lên qua lời của nhân vật Điền:
"Nghệ thuật không thể là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật phải là những tiếng đau khổ thoát ra từ cuộc sống ngoài kia..."
hay "những tác phảm có giá trị phải chứa đựng tình thương, lòng bác ái, sự công bình", "nhà văn phải mở hồn ra đón những vang động của cuộc đời"
Vũ Trọng Phụng - tác giả của những trang viết cười ra nước mắt đã kiên quyết khẳng định:
"Các ông bảo tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và những nhà văn như tôi chủ trương tiểu thuyết là sự thật ở đời"
Đó chính là những con người đứng trên quan điểm lập trường "Nghệ thuật Vị nhân sinh", ở đó là sự tập trung dồn tụ những tiếng kêu đau đớn của bao linh hồn, muôn cảnh đời, nhiều số phận khác nhau trong thực cảnh khắc nghiệt.
 
D

ducdung.com

Tuy nhiên, ngoài 2 nhánh cây chủ đạo vươn lên trước chứng kiến của thời đại ấy, còn có 1 trào lưu ẩn dật, bí mật, không được phép lưu hành - nằm ngoài vòng pháp luât, nhưng nó vẫn bắt rễ và hứa hẹn sự phát triển nhanh chóng khi có cơ hội. Đó là trào lưu hiện thực Xã hội Chủ Nghĩa - hay nói cách khác là trào lưu Văn học Cách Mạng.
Trào lưu Văn học Cách Mạng - phát triển bằng hướng vươn tới ánh sáng:
Nhánh cây này mới chỉ nhú lên trong giai đoan 30 -45, nhưng đã có xu hướng vươn mình đón nắng. Đó là ánh nắng của Đảng, của Cách mạng, của tương lai, của sự tinh khôi đầy hứa hẹn với 1 trật tự xã hội mới. Nếu như Văn học lãng mạn bế tắc trong mộng tưởng, ko tìm được bến đỗ và câu trả lời, nếu như văn học hiện thực phê phán dù phản ánh nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của con người, nhưng cái kết của mỗi tác phẩm vẫn là "bước đường cùng", vẫn là người phụ nữ nông dân bước ra và thấy cái bầu trời xám xịt như cái tiền đồ của chị, vẫn là cái chết tức tưởi của linh hồn người hồi sinh trong 1 con quỷ; thì, văn học Cách mạng đã không những chỉ ra bản chất hiện thực, mà còn vạch ra cả hướng đi cho con người, chỉ ra cả khả năng hồi sinh của sự sống và sự giải phóng con người, để cải tạo xã hội theo hướng thay thế bằng cái mới tốt đẹp hơn. Đó là dòng Văn học phản ánh cuộc sống trong bình diện của quá trình phát triển Cách Mạng, phản ánh những xung đột để giải quyết mâu thuẫn giữa cũ và mới, tương lai và quá khứ, lạc hậu và tiến bộ. Văn học Cách mạng cũng dùng thủ pháp điển hình hóa, nhưng nhấn vào cái chung nhiều hơn cái riêng, đó là hình tượng những anh vệ quốc quân đã đúc thành tượng đồng qua mọi thời đại, là hình tượng những người tù cách mạng với lý tưởng lớn lao quyết không lui vì chí lớn... Chính tiềm năng đó hứa hẹn sự trỗi dậy của dọng văn học Cách mạng, lôi cuốn cả 1 thế hệ nhà văn nhà thơ theo dòng chảy Cách mạng, và văn học như 1 thứ vũ khí sắc bén đánh bại quân thù trên mặt trận Văn hóa tư tưởng, điều đó càng được bộc lộ phát huy mạnh mẽ sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng đã có những tác phẩm bí mật của Hồ Chí Minh - Nhật kí trong tù, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Thủy...
Hồ Chí Minh đã có lần nhấn mạnh trong Cảm tưởng đọc thiên gia thi:
"Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong"
Rất hùng hồn trong tuyên ngôn của mình, Sóng Hồng đã viết nên những vần thơ đầy vẫy gọi 1 thế hệ văn nghệ sĩ thưở ấy:
"Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền
Và khi cần quẳng bút lấy long tuyền."
Rồi ông đả phá tư tưởng lãng mạn trong câu thơ của Xuân Diệu bằng cách thay đổi ý thơ:
"Là thi sĩ...
...Dể tâm hồn treo ngược trên cành cây"
Ông cho rằng đó là sự ngủ quên lánh đời đầy tiêu cực của 1 lớp nhà văn nhà thơ. "Là thi sĩ" thì phải lội vào đời để đến với cuộc sống chiến đấu và sẵ sàng phục vụ cho chiến đấu. Và quả thật, khi Cách mạng tháng Tám thành công, một loạt những nhà Văn nhà thơ thuộc thế hệ trước và cả sau dù đang đứng ở đâu cũng tự nguyện gắn mình với cuộc sống sôi động của Cách mạng, kháng chiến.
 
D

ducdung.com

Có thể nói, trong 3 trào lưu Văn học kể trên, trào lưu Văn học Cách mạng tồn tại lâu bền nhất, dọc theo suốt cuộc hành trình chiến đấu gian khổ của dân tộc đến những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi 1 lý do căn bản: Văn học Cách mạng tìm thấy hướng đi và câu trả lời cho những bế tắc. Còn văn học lãng mạn và hiện thực bi kịch vẫn hoàn bi kịch, bế tắc vẫn hoàn bế tắc, chính vì thế, nó chỉ tồn tại trong 1 thời gian ngắn rồi mất đi. Nhưng không thể phủ nhận đó là những hiện tượng Văn học như những ánh sao chổi vụt qua bầu trời văn học Việt Nam dù chỉ trong khoảng khắc nhưng dư ảnh của nó vẫn còn và tiếp tục tỏa sáng cho những bước đường tiếp theo của văn học nước nhà. Bằng những đóng góp kiệt xuất cả về nội dung và hình thức, giá trị của các trào lưu Văn học trên đây được trả về đúng nghĩa của nó, không chỉ là những cuộc tranh cãi quyết liệt trên văn đàn, những phản bác, luồng ý kiến quan điểm trái ngược và nhiều chiều, có khi mò mẫm trong việc tìm con đường đi, nhưng hơn hết đó là minh chứng hùng hồn cho đỉnh cao của sự phát triển của nền văn học Việt Nam 1 giai đoạn, và là động lực thúc đẩy cho Văn học của chúng ta tiến xa hơn để bắt nhịp kịp với thời đại của nền Văn học thế giới.
 
S

sunflower0610

câu 3 (nhóm 4)

Một tác giả đc coi là nhà văn, nhà thơ lớn chỉ khi các tác phẩm của họ chứa đựng những giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc đồng thời thể hiện được phong cách nghệ thuật đặc sắc của họ mà ng` đọc chỉ cần tiếp xúc với tác phẩm đã có thể nhận ra tác phẩm đó của ai. Điều này có thể xem như tác giả đó đã gặt hái đc thành công lớn.Và Tố Hữu là một nhà thơ như thế.
Nếu như Chế Lan Viên có biệt tài thơ hóa những vấn đề trí tuệ khô khan thì Tố Hữu khác người và hơn người ở khả năng thơ hóa những vấn đề chính trị.Hồn thơ TH luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con ng` CM, của cả dân tộc.Thơ ông chủ yếu khai thác từ cảm hứng chính trị của đất nước, từ những hoạt động CM, từ lí tưởng và lẽ sống CM.Chính vì vậy các sáng tác của ông tràn đầy chất men say mê , hứng khởi đối với lí tưởng cộng sản:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hươngvà rộn tiếng chim”
(Từ ấy)
Trong thơ ông, chất trữ tình và chính trị luôn hòa quyện làm một không thể tách rời. Thơ ông không đi sâu vào tình cảm cá nhân mà thường đi vào những tình cảm lớn, có tính chất tiêu biểu, phổ biến của con người CM: đó là tình yêu lí tưởng (Từ ấy),tình yêu lãnh tụ (Sáng tháng năm), tình cảm đồng bào đồng chí, tình quân dân (Cá nước), tình cảm quốc tế vô sản (Em bé Triều Tiên),...Niềm vui trong thơ TH cũng không nhỏ bé tầm thường mà là niềm vui lớn ,sôi nổi, hân hoan, la` niềm vui chung của toàn dân tộc(Huế tháng 8, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Toàn thắng về ta…)
Do nội dung chính trị nên thơ TH thường tìm đến khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.Thơ ông thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính chất toàn dân, liên quan đến vận mệnh dân tộc. Đó là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta (Bài ca xuân 1961) hay hình ảnh cả nước “ Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận”(Theo chân Bác).Là
một nhà thơ chiến sĩ , lấy lịch sử- dân tộc làm cảm hứng sáng tác nên cái tôi trữ tình trong thơ TH thường gắn với cái tôi công dân, hòa nhập với tình cảm chung, với đất nước , với dân tộc.Cái tôi ấy hóa thân vào những nhân vật trữ tình mang những phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc qua các thời kì lịch sử khác nhau, từ bà má Hậu Giang tới các anh giải phóng quân, chị Trần Thị Lí, anh Nguyễn Văn Trỗi,…
Ở nhiều tác giả, khi viết về đề tài chính trị họ thường tỏ ra lúng túng, khó viết nhưng với TH lại khác.Nội dung chính trị tưởng như khô khan đc TH diễn đạt bằng một giọng thơ tâm tình như những lời thủ thỉ ngọt ngào dễ đi vào lòng người.Ví dụ như khi nói về cuộc chia tay của cán bộ miền xuôi với nhân dân Việt Bắc, TH đã sử dụng trong bài cách nói đối đáp tâm tình, cách xưng hô “mình-ta” gần gũi thân quen:
“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai
Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già…”
(Việt Bắc)
Phải chăng một phần do ông xuất thân từ xứ Huế mộng mơ, nơi có những âm điệu ngọt ngào của lời ca trên sông Hương, nhưng câu hát nam ai nam bằng, những điệu hò sông nước…đã có tác động mạnh mẽ đến hồn thơ TH , tạo cho lời thơ tuy mang đậm chất chính trị mà vẫn nhẹ nhành , êm ái , thiết tha?
Tính dân tộc là một thuộc tính chung của văn học. Nó đc nhiều nhà thơ sử dụng nhưng với TH, tính dân tộc trong thơ ông đậm đà đến mức trở thành bản sắc riêng của ông.Những bài thơ lục bát của ông như: Khi con tu hú, Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du…không chỉ mang sác thái của thể lục bát thuần túy mà còn đậm chất ca dao dân ca, dạt dào những âm hưởng nghĩa tình. Đọc thơ TH ta khó có thể phân biệt đc đâu là thơ TH, đâu là ca dao. Hai yếu tố này đc TH dung hòa làm một trong thơ ông.Còn những bài thơ theo thể thất ngôn như Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi!, Theo chân Bác…lại có phần trang trọng nhưng không khuôn sáo,thể hiện đc nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.
Về ngôn ngữ, TH không chú ý sáng tạo những từ mới, cách diễn đạt mới mà lại sử dụng từ ngữ, cách nói quen thuộc với dân tộc kết hợp với tính nhạc phong phú của tiếng Việt như biện pháp láy âm, láy vần,thanh điệu và cả cách gieo vần liền như:
“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”
(Em ơi … Ba Lan…)
Hay như:
“Thác bao nhiêu thác cũng qua
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời”
(Non nước ngàn dặm)
Tóm lại có thể xem đây là một số nét tiêu biểu của phong cách thơ Tố Hữu, cũng là ưu thế đặc biệt của ông.Với những tác phẩm của mình,Tố Hữu đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả qua nhiêu thế hệ,góp cho khu vườn thi ca Việt Nam nhiều hương sắc mới đồng thời cũng góp phần duy trì và phát huy thể thơ dân tộc truyền thống cho thế hệ mai sau.
 
P

phanhuuduy90

Trong thời kì thực dân Pháp cai trị , văn học việt nam có sự chuyển biến mới mẻ. chữ quốc ngữ ra đời , ngôn ngữ trở nên phong phú đa dạng , xuất hiện nhiều tác phẩm mới lạ nhưng vẫn bị khuôn khổ phong kiến chi phối . Từ giai đoạn 1930-1945 văn học hiện đại hoá mau lẹ , các trào lưu phát triển mạnh mẻ, dòng văn học mới được nhiều nghệ sĩ quan tâm. Đặt biệt trào lưu lãng mạn khơi biết bao nguồn cảm hứng để khẳng định cái tôi mà trong xã hội phong kiến không thể biểu hiện.Theo quan niệm phương tây cái tôi của mỗi cá nhân phải được tôn trọng , bảo vệ trước pháp luật .Ảnh hưởng của tư tưởng ấy nhiều tác phẩm lãng mạn toát lên khác vọng tự do, hạnh phúc ,lòng yếu đất nước thầm kín .
... hết cảm xúc huuuuu, hay mình lười , giúp với
 
H

huongtomboy

Mối Quan hệ giữa: Đời sống-Tác giả-Tác phẩm

Trả lời Câu 1 : Mối quan hệ của 4 nhân tố, sơ đồ.

Văn học là một môn nghệ thuật phản ánh đời sống,nhận thức của con người. Mục đích quan trọng nhất của tác phẩm văn chương là phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống con người theo quy luật chân-thiện-mĩ nhằm thỏa mãn những tình cảm thẩm mĩ vô cùng phong phú đa dạng của con người.
Văn học nhận thức cuộc sống và con người một cách tổng hợp,toàn vẹn trọng mối quan hệ đời sống đa dạng phức tạp,tập trung khám phá chiều sâu khôn cùng còn đầy bí ẩn trong tâm hồn con người và hiện thực cuộc sống.

Văn học gồm có sự góp mặt của 4 nhân tố cơ bản : Đời sống,tác giả,tác phẩm,công chúng. 4 nhân tố này tương tác chặt chẽ với nhau và không thể thiếu để làm nên nghệ thuật văn học.

1.Mối quan hệ giữa đời sống xã hội - tác giả - tác phẩm:

"Trường đời" là môi trường khắc nghiệt để nhà văn nung nấu, tôi rèn và trải nghiệm.
Đời sống xã hội là một yếu tố lớn bao trùm và tác động mạnh mẽ đến người viết,người đọc & tác phẩm. Những biến động lớn về đời sống xã hội sẽ kéo theo những biến đổi trong ý thức của người viết- người đọc, nhà văn-công chúng, tạo thành những mốc lịch sử văn học.

Đời sống xã hội tác động đến người viết ở mặt nhận thức và cảm hứng .Trước khi là một nghệ sĩ, người viết văn phải là một người hiểu cuộc sống.Từ cuộc sống người viết sáng tạo nên tác phẩm truyền tải đến người đọc.

Điển hình : Sự khác nhau của nền Văn học Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Tám,tiêu biểu cho hai thời kì lịch sử khác nhau của dân tộc ta:
Trước Cách mạng, chủ yếu có hai trào lưu văn học -Lãng mạn và hiện thực phê phán. Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hai trào lưu văn học này - những người viết văn, hoặc hoài mong về một thế giới dân chủ công bằng không có áp bức bất công, hoặc chân thực nhìn nhận thực tế để lên án, tố cáo xã hội đen bạc đang bao trùm lên những số phận bất hạnh . Song, VH thời kì này còn đặc điểm là họ vẫn chỉ dừng lại ở mong muốn hoặc lên án, chưa tìm được một lối thoát,một hướng đi,chưa nhìn thấy sức mạnh của quần chúng.Hiện thực cuộc sống thời bấy giờ đối lập hoàn toàn với những khát khao mong muốn, tạo nên những mâu thuẫn trong tâm lí. Hiểu rõ và thấm thía được cuộc đời , các tác giả thường mang nặng nỗi chán nản, nỗi u sầu...của cái Tôi cô đơn :
"Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp.
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại,sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc giữa dòng"

(Huy Cận)
Đôi khi là nỗi bế tắc, nỗi đau đớn lan tỏa cùng cực của cả một thế hệ . Có thể khái quát bằng những hình ảnh sau :
"Cha ông ta từng đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn chiêu hồn thấm từng giọt mưa rơi."

(Chế Lan Viên)
Hoặc nỗi đau biến thành những tràng cười cay đắng được bắt gặp trong Số Đỏ, Chí Phèo, Người Ngựa-Ngựa Người...

Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ mở ra một vận hội mới cho toàn dân tộc, đồng thời cũng là một mốc lịch sử đánh dấu một sự vận động mới của nền Văn học Việt Nam. Văn học Việt Nam sau Cách mạng đã được thổi vào một luồng sinh khí mới, những người cầm bút hướng tới nội dung chủ đạo là các tầng lớp nhân dân với góc nhìn tích cực và cảm hứng ngợi ca; phát hiện ra những vẻ đẹp của con người lao động bình dị,ca ngợi Đảng, ca ngợi đất nước...cái Tôi có xu hướng hòa vào cái Ta chung,với tiếng lòng náo nức hi vọng.
" Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

(Nguyễn Đình Thi)

"Tập làm chủ,tập làm người xây dựng
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên."

(Huy Cận)

Cách Mạng Tháng Tám trở thành một mốc lịch sử quan trọng của đời sống xã hội và có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm hứng của người cầm bút, và từ đó tác động đến cả một nền văn học.

Vì vậy, hiện thực cuộc sống chính là ngọn nguồn của mọi cảm hứng, khơi gợi cho tác giả mọi cảm xúc, suy tư, trăn trở để từ đó họ cho ra đời những đứa con tinh thần với đa dạng hình tượng nghệ thuật gửi gắm tới người đọc.


2. Mối quan hệ giữa Đời sống xã hội-tác phẩm-công chúng :

Công chúng tiếp nhận tác phẩm.
Đời sống xã hội tác động đến sự cảm thụ,tiếp nhận và quan niệm đánh giá tác phẩm của công chúng.


Giữa công chúng và tác phẩm văn học có một mối tương quan nhất định.
Một điều tất yếu, có tác phẩm ắt phải có người đọc-công chúng tiếp nhận và ngược lại, tác phẩm được bén rễ là từ cái gốc đề tài quần chúng. Để tiếp nhận tốt tác phẩm văn học, đòi hỏi bạn đọc phải huy động hết năng lực tinh thần của mình, tác phẩm văn học luôn sống và sống động là nhờ sự tiếp nhận của công chúng.
Một tác phẩm văn học khi còn ở thời kì thai nghén thì nó vẫn thuộc giới hạn kiểm soát của tác giả, nhưng khi nó đã vươn rộng đến với công chúng thì nó trở thành của công chúng,nằm trong tầm đánh giá của công chúng. Nhận thức của công chúng không chỉ đơn giản là do trình độ của người tiếp nhận. Sự vận động của nhận thức, quan điểm của người đọc luôn song hành cùng sự vận động xã hội. Điều đó lí giải cho những tranh luận của công chúng với những cảm thụ và thái độ rất khác nhau về cùng một tác phẩm văn học.
Nội dung,ý nghĩa của Truyện Kiều của Nguyễn Du đã gây nhiều tranh cãi trên văn đàn bấy lâu nay. Có những người thương cảm cho số phận nàng Kiều,lại có người cho rằng Kiều chỉ là gái lầu xanh . Có người xem Truyện Kiều như một triết lí nhân sinh, Tài-Mệnh,là tiếng nói chống áp bức bất công...nhưng lại có quan điểm cho rằng Truyện Kiều là một thứ dâm thư lẳng lơ, có hại tới đạo đức...
Một chi tiết cụ thể hơn trong tác phẩm :
Sau khi gặp Kim Trọng, Kiều có tâm trạng " Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng", thành ra giữa đêm tối nàng "Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang" và cài kim thoa trên cành đào bên nhà chàng Kim. Trong thời đại phong kiến vô cùng khắt khe của lễ giáo tam tòng tứ đức,thì hành động của Kiều quả là liều lĩnh, vi phạm nghiêm trọng tới thanh danh của bậc nhi nữ ( Nam nữ thụ thụ bất thân). Vậy nên, với một vài cách nhìn cực đoan của xã hội trước,Kiều thật đáng chê trách.Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội bây giờ, hành động của Kiều được công chúng đồng cảm yêu mến, coi là sự táo bạo,thẳng thắn,dám chủ động thể hiện tình yêu , phá vỡ mọi rào cản luân lí gò bó chật hẹp để đến với tâm tư thầm kín nhất,chân thành nhất của mình.

Xét riêng về mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, còn các yếu tố khác liên quan : bản thân người đọc (tuổi tác,trình độ văn hóa,thị hiếu,trường phái...), hoặc do tính đa nghĩa phong phú của hình tượng nghệ thuật (gây ra nhiều cách hiểu khác nhau của cùng một hình tượng), đòi hỏi phải tiếp cận văn học uyển chuyển, biện chứng, nhiều chiều, sáng tạo, không tùy tiện.


3.Mối quan hệ giữa tác giả và công chúng :

Mối quan hệ giữa tác giả và người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ, thông cảm.

Thông qua tác phẩm, người viết gửi gắm,kí thác và mong muốn người đọc tiếp nhận, chia sẻ. Sự chia sẻ đạt tới độ cao nhất là sự thấu hiểu, đồng cảm, đồng điệu, rung động tột bậc.Có thể gọi đó là sự tri âm cộng hưởng giữa người viết và người đọc.Sự tri âm, đồng điệu ấy đôi khi là yếu tố lớn ảnh hưởng tới cách đánh giá chủ quan của công chúng về tác giả và tác phẩm.Tri âm được hoàn toàn với người viết là điều không dễ. Song có những sự tri âm từng phần nhất định trên một số khía cạnh nào đó.
Quay lại với Truyện Kiều, người không tán thành với Nguyễn Du về quan niệm Tài-Mệnh tương đố vẫn có thể chia sẻ cùng ông nỗi đau về thân phận con người, người không mấy ấn tượng với vẻ thư sinh của Kim thì lại bị cuốn hút bởi Đấng anh hào Từ Hải,người không tri âm với thi nhân hình tượng Thúy Kiều thì lại đồng cảm trong hình tượng Thúy Vân. Như vậy,giữa điều tác giả nói và người đọc không phải lúc nào cũng trùng hợp.
Sự tri âm ấy không phải dễ dàng hiện hữu trong một thời gian ngắn,mà nó có thể là một âm hưởng vang vọng đến hàng chục năm, hàng trăm năm,thâm chí hàng ngàn năm sau.

Tố Hữu đã mở rộng lòng mình tri âm,chia sẻ cùng thi nhân đời trước :
"Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày"

Để đáp lại câu hỏi từ hai trăm năm trước vang vọng lại : "Biết ai hậu thế,khóc cùng Tố Như ?"


Như vậy, ba nhân tố Tác giả-Tác phẩm-Công chúng hình thành nên sự Tiếp nhận văn học. Nhưng Đời sống xã hội là một nhân tố phổ quát nhất bao trùm lên ba nhân tố kia.
Đúng vậy.Không có sự vận động xã hội sẽ không có mạch nguồn cảm hứng của người viết. Không có người viết sẽ không có sự ra đời của những tác phẩm văn chương,không có tác phẩm văn chương sẽ không có khái niệm người đọc và tiếp nhận của người đọc, cũng không thể tồn tại sự đối thoại, tri âm giữa người viết và người đọc,người tâm sự và người lắng nghe, vô hình chung tạo nên một sự rời rạc thiếu thống nhất giữa mỗi cá nhân và xã hội.Có thể nói, sự tương tác chặt chẽ của 4 nhân tố trên chính là nền tảng cơ bản tạo nên một nền văn học trường tồn mãi mãi của nhân loại.
 
B

bittuot123

BÀI LÀM CỦA NHÓM VĂN 1

câu 1 : sơ đồ diễn tả mối quan hệ giữa bốn nhân tố văn học : nhà văn, tác phẩm, độc giả, đời sống:
van.jpg
 
M

mimosa_769

Bài 1.
Văn học là loại hình nghệ thuật tái hiện những vấn đề của xã hội, con người qua ngôn ngữ. Là một nhân văn, văn học không chỉ phản ánh đời sống mà còn nhận thức, khám phá và giáo dục thẩm mĩ cho con người, giúp con người ta hướng tới cái thiện, cái đẹp. Văn học còn là những tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng... có thể chỉ là của một cá nhân, cũng có thể là của cả cộng đồng, cả xã hội... Nhà văn phản ánh trung thực về xã hội ấy, đưa độc giả đến với những thế giới thực và ảo của xã hội mình đang sống hay ước mơ có được một xã hội hưng thịnh hơn phát triển hơn. Không những thế nhà văn đưa độc giả đến với cuộc sống lạc quan hơn, vui vẻ hơn, đưa chúng ta đến với cuộc sống tốt đẹp. Vì thế, giữa nhà văn, tác phẩm, độc giả và cuộc sống luôn có mối quan hệ hữu cơ mật thiết và chặt chẽ.

Thật vậy, văn học là nghệ thuật sáng tạo, trong đó chủ thể sáng tạo chính là các nhà văn, và các tác phẩm của họ là sản phẩm sáng tạo. Nói đến nhà văn, là nói đến những người chuyên sáng tác ra các tác phẩm văn học, đã có tác phẩm được công bố và ít nhiều được độc giả thừa nhận giá trị của một số tác phẩm. Như vậy nghĩa là nhà văn, tác phẩm và độc giả luôn có mối ràng buộc chặt chẽ.Nhà văn phải có năng khiếu, có tài, có tâm với những lí tưởng thẩm mỹ cao đẹp, đồng thời phải có vốn văn hóa rộng rãi và tư tưởng nghệ thuật độc đáo. Nhà văn thể hiện những tố chất đó qua các tác phẩm của mình. Dù dài, dù ngắn, mỗi tác phẩm đều mang ý nghĩa hoàn chỉnh, cụ thể và chứa đựng phong cách riêng, mang lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Ta biết đến ông vua thơ tình Xuân Diệu với giọng thơ nồng nàn lãng mạn mà đầy sức sống qua những “Thơ thơ” hay “Gửi hương cho gió”, những cảm nhận sâu sắc về sự trôi chảy của thời gian, sự mong manh của đời người... Cũng được mệnh danh là ông vua thơ tình, nhưng sự lãng mạn của Nguyễn Bính lại đến với chúng ta bằng những vần thơ lục bát đậm sắc quê mùa, dân dã, với những câu ca dao gần gũi, những hình ảnh bình dị, đơn sơ mà thân thuộc: giàn trầu, hàng cau, cây bưởi, hoa chanh, giậu mùng tơi... rồi đến đình làng, đò, bến, con đê... Không chỉ thể hiện trong văn học hiện đại, các tác phẩm trung đại cũng thể hiện những nét cá tính riêng biệt của các nhà văn. Đó là một Nguyễn Công Trứ ngang tàng, ngông nghênh ngạo thế với “Bài ca ngất ngưởng”, một nhà văn đã hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Đó là một Nguyễn Khuyến thanh cao, với tấm lòng yêu nước lớn lao mà thầm kín...,là một Nguyễn Trãi ung dung tự tại, hay một Hồ Xuân Hương sắc sảo trong từng câu thơ ngòi bút của mình... Không chỉ mang lí tưởng thẩm mỹ của tác giả, mỗi tác phẩm đều chứa đựng những tâm tư tình cảm, những ước mơ hoài bão của nhà văn trong đời sống.
Có thể nói, tác phẩm là sự thể hiện tinh tế tư tưởng, tình cảm, khát vọng, hoài bão, quan điểm và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn trước cuộc sống với con người. Hãy thử đọc truyện ngắn “đời thừa” của Nam Cao và cảm nhận nội dung triết lí mà nhà văn đã gửi gắm trong tác phẩm. Đó là khoái cảm của văn chương “dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng”. Đó còn là những suy nghĩ về nghề văn tuy nghèo mà sang trọng: “Tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi” (lời của Hộ). Đó cũng là quan niệm về kẻ mạnh: “chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Đọc “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát, ta có thể nhận thấy sự chán ghét của nhà văn với con đường danh lợi tầm thường, niềm khao khát thay đổi cuộc sống của tác giả.
Được sáng tác bởi các nhà văn, nhưng mỗi tác phẩm chỉ thực sự thành tác phẩm khi nó được xác nhận bởi sự đọc. Đó chính là sự tương quan mật thiết giữa tác phẩm và độc giả. Sự đánh giá chủ quan của tác giả về một văn bản văn học không thể khẳng định được giá trị tác phẩm của văn bản đó, khi ấy văn bản vẫn chỉ là văn bản. Một bài thơ hay và giá trị mà không được ai biết đến ngoài tác giả của nó, cũng sẽ không thực sự là bài thơ hay...,vì không có độc giả nào thừa nhận giá trị của nó cả. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của độc giả đối với tác phẩm và nhà văn. Sự thành công của một nhà văn không được quyết định bởi số lượng tác phẩm sáng tác nên, mà bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của những tác phẩm đó, bởi sự cảm nhận của người đọc. Và sự cảm nhận ấy nằm trong quá trình tiếp nhận văn học của độc giả. Đó là quá trình tương tác, đối thoại hai chiều giữa tác phẩm với độc giả trong thực tế. Một chiều, tác phẩm có những ý nghĩa riêng, tự khẳng định mình, đó là những suy nghĩ, nhận thức mà nhà văn đã gửi gắm khi sáng tạo ra nó – một thế giới hữu hạn trong câu chữ. Chiều khác, tác phẩm trở nên khác với chính nó khi được cảm nhận bởi độc giả. Đó là một thế giới vô hạn, những ý nghĩa mới của tác phẩm được hình thành không phải bởi nhà văn mà hình thành trong sự cảm nhận của những độc giả khác nhau. Đây cũng là một trong các yếu tố tạo nên tính đa nghĩa của tác phẩm. Đồng thời với việc tạo nên tính đa nghĩa, sự tương tác giữa văn bản và người đọc đã tạo ra giới hạn của chính sự tạo nghĩa đó. Ý nghĩa khách quan vốn có của tác phẩm luôn giữ cho sự sáng tạo của người đọc trong cảm nhận tác phẩm dù chủ quan nhưng cũng không tùy tiện, dù đa dạng phong phú nhưng vẫn thống nhất. Nhờ đó, tác phẩm vẫn luôn là chính nó khi đến với bao thế hệ độc giả. Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm còn độc giả tiếp nhận tác phẩm. Đây là hai quá trình phụ thuộc khách quan và tất yếu, dù chúng có thể diễn ra ở hai thời điểm cách xa nhau tới hàng nghìn năm. Giữa chúng là mối quan hệ nhân quả: sự sáng tác của nhà văn là nguyên nhân tiếp thu và cảm nhận của độc giả, và ngược lại, sự tiếp nhận của độc giả chính là thành quả mà các nhà văn mong đợi ở tác phẩm mình sáng tạo ra. Khi những cảm nhận của người đọc gần với tâm tư người viết, độc giả đã có sự đồng cảm với nhà văn. Lúc này tác phẩm trở thành cầu nối giữa những tâm hồn đồng điệu. Qua tác phẩm, nhà văn thể hiện những tâm tư sâu lắng của mình, những tình yêu, khát khao, mơ ước... Đó có thể là lòng yêu nước thầm kín như Nguyễn Khuyến thể hiện trong “Thu điếu”: một cõi lòng yên tĩnh đón nhận cái “hơi gợn tí” của làn sóng biếc, độ rơi khe khẽ của lá và tiếng cá dưới chân bèo để suy nghĩ về thời cuộc tình thế đất nước. Đó cũng có thể là những khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ như Xuân Diệu với “vội vàng”:
_____Tôi muốn tắt nắng đi
_____Cho màu đừng nhạt mất
_____Tôi muốn buộc gió lại
_____Cho hương đừng bay đi...
Đó còn là những trở trăn khi đã am hiểu xã hội như những Ngô Tất Tố, Nam Cao trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám... Và độc giả là những người lắng nghe, cảm nhận và sẻ chia với những tâm tư ấy. Hẳn người đọc không thể cảm nhận hết được những tâm tư, tình cảm cũng như khát vọng, ước mơ của nhà văn chỉ qua tác phẩm mà không biết họ là ai. Ví dụ, khi đọc “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du:
_____Tây Hồ hoa uyển tẫn hành khư
_____Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
_____Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
_____Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
_____Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
_____Phong vận kì oan ngã tự cư,
_____Bất tri tam bách dư niên hậu,
_____Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Chắc chắn độc giả không thể hiểu hết nội dung tác phẩm này nếu không biết được xuất xứ của tác phẩm. Đây cũng chính là lí do chúng ta thường tìm hiểu về tiểu sử, đời sống của nhà văn trước khi phân tích một tác phẩm văn học.
..........
 
T

tranquang

Anh có mấy nhạn xét và góp ý cho Chuyên đề 1 của chúng ta thế này:

1. Các bài viết (phương thức trình bày): Dài dòng, khó hiểu nếu không đọc hết... Và các em có dám chắc rằng tất cả đều đọc hết những dòng mà các em viết ngoài chính bản thân mình không?

2. Khối lượng kiến thức quá rộng để trình bày.

3. Việc đưa ra đề cương và viết bài thật là điều gì đó ko thik hợp và có gì đó mà anh cảm nhận là không mang tính hiệu quả cao...


Giải pháp của anh cho vấn đề học nhóm của box Văn THPT nhà mình:

1. Không trình bày kiến thức chuyên đề dài dòng như vậy nữa; mà điều cần thiết nên cô đọng trong các ý thật cụ thể. Tiến tới
tranh luận trực tiếp trên diễn đàn trong các topic về chuyên đề => Một hình thức thảo luận theo chủ đề giữa các nhóm!

2. Các vấn đề sẽ đi vào trọng tâm mang tính chủ đạo của chuyên đề. Và anh nghĩ thì chỉ đi được 1 vấn đề lớn nhất, còn các vấn đề nhỏ sẽ được đặt câu hỏi để mọi người cùng giải quyết và thảo luận... Chứ không thể là mỗi người, mỗi nhóm làm 1 câu, rồi chẳng ai quan tâm đến mục đích là viết ra để làm gì và được cái gì?

3. Topic thảo luận trong từng chuyên đề sẽ do anh trực tiếp hướng dẫn và điều hành!

4. Anh hết ý kiến!

5. Chào thân ái và quyết thắng!
 
C

conu

Em cũng đồng ý. về mặt bằng kiến thức thì có như vậy, nhưng nhyuwngx chuyên đề thì nên tổng hợp và đòi hỏi hiểu sâu sắc + vận dụng hợp lý, dù sao, chúng ta vẫn nên có ít nhất 1 bài viết (để còn luyện nữa chứ) và do anh tranquang chấm điểm để biết mức độ khả năng của mình đến đâu. Còn lại chủ yếu là tranh luận, và những bài trả lời cho đề văn hầu như nên chỉ là những dàn ý, cách thức tổ chức hệ thống ý và kiến thức (mình cũng đã định như thế trong chuyên đề tới), anh Phát sẽ điều hành và sửa chữa từ trên.
Mọi người thấy thế nào? :)
Dù sao các bài viết lần này cũng đã viết rồi, mong anh Phát cho vài nhận xét và cả điểm để mọi người được biết sự cố gắng của mình đã thu được những ưu điểm gì ngoài những nhược điểm như anh vừa kể trên. :D
 
Top Bottom